'Tôi đang chạy 100 km/h trên cao tốc khi hòn đá xuyên thủng kính'

Hòn đá xuyên thủng kính lái, va gãy gương chiếu hậu giữa rồi rơi thẳng vào cần số. Chỉ lệch một chút, ông Ka hoặc vị khách trong xe đã có thể gặp chuyện chẳng lành.

"Mất tiền còn đỡ. Người không bị làm sao là may rồi", ông Bùi Hoàng Ka (trú tại Thái Nguyên) nhắc đến khoản tiền 12 triệu đồng vừa chi ra để thay kính chắn gió cho chiếc xe Ford Everest của mình. Tấm kính dày 3 li đã vỡ toác sau khoảnh khắc thót tim trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Tôi đang chạy 100 km/h trên cao tốc khi hòn đá xuyên thủng kính-1

"Khi tôi đang lái xe với tốc độ 100 km/h, một hòn đá to bằng nắm tay bay tới, xuyên thủng kính lái, va gãy gương chiếu hậu giữa và rơi thẳng vào cần số. Chỉ lệch một chút là nó va trúng tôi hoặc người khách ngồi bên cạnh", ông Ka kể lại trải nghiệm kinh hoàng.

"Không kích" trên cao tốc

Trong vòng một tuần qua, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ghi nhận ít nhất 2 vụ đá văng trúng ôtô, khiến xe đang lưu thông tốc độ cao bị hư hỏng.

Ngày 15/2, ông Bùi Hoàng Ka điểu khiển ôtô Ford Everest trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thì bất ngờ bị một hòn đá lớn, nặng chừng 1 kg rơi thủng kính lái. Lúc đó xe đang phóng nhanh nhưng may mắn không có ai bị thương. Ông Ka phải tốn 12 triệu đồng thay kính lái do không mua bảo hiểm cho xe.

Tôi đang chạy 100 km/h trên cao tốc khi hòn đá xuyên thủng kính-2
Chiếc Ford Everest của ông Ka bị vỡ kính lái, gãy gương chiếu hậu. Ảnh: NVCC.

"Trường hợp có mua bảo hiểm thì cũng khó dừng xe lại rồi gọi bảo hiểm đến kiểm chứng vì khu vực đó là đường cao tốc. Tôi thấy dừng đỗ không an toàn nên quyết định lái thẳng chiếc xe hỏng về nhà", ông Ka chia sẻ.

Sau đó 4 ngày, anh N.X.T. trú tại Hà Nội tiếp tục phản ánh việc bị đá rơi trúng ôtô khi đang đi trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua xã Tiên Hiệp, Phủ Lý, Hà Nam. Vụ việc khiến chiếc xe của anh T. bị vỡ kính lái và kính cửa sổ trời.

Điểm chung của 2 vụ việc là đều xảy ra vào buổi tối. Tài xế đều xác nhận đá văng tới từ hướng của cầu vượt cắt ngang đường. Khu vực này không có đồi núi hay hoạt động nổ mìn phá đá nên các tài xế cho rằng có hành vi chủ động ném đá.

Ai chịu trách nhiệm?

Trao đổi với Zing, đại diện Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết doanh nghiệp đã ghi nhận hiện tượng ôtô nghi bị ném đá trên cao tốc, đồng thời cử lực lượng quản lý vận hành cao tốc làm việc với công an và chính quyền địa phương.

Tôi đang chạy 100 km/h trên cao tốc khi hòn đá xuyên thủng kính-3
Nhân viên điều hành cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình làm việc với công an và chính quyền địa phương để truy tìm người ném đá phương tiện. Ảnh: VEC.

Qua thống kê, trung tâm điều hành cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho biết các vụ việc chủ yếu xảy ra vào ban đêm. Sau khi xảy ra, tài xế thường không báo cho đơn vị vận hành, cũng không thông tin đến chính quyền địa phương, chỉ đăng vụ việc lên mạng xã hội.

"Trung tâm điều hành cùng địa phương đang phối hợp xác minh thông tin và đề nghị lái xe đến khai báo, đồng thời tăng cường mật phục, tuần tra, tuyên truyền đến người dân sinh sống trên địa bàn", đại diện VEC chia sẻ.

Theo báo cáo của VEC, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện nay được trang bị camera dọc tuyến. Tuy nhiên, hệ thống camera không thể soi chiếu hết các tình huống ném đá qua hàng cây hoặc đứng ném từ trên cầu vượt.

Tình trạng ôtô bị ném đá khi sử dụng dịch vụ đường cao tốc xảy ra phổ biến trong nhiều năm qua và không chỉ ở tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình. Song, các tuyến có trang bị hệ thống camera hiện đại và đội ngũ canh trực thường xuyên đang giải quyết tốt hơn tình trạng này.

Trao đổi với Zing, ông Trịnh Quang Mộng, Phó trưởng phòng Quản lý vận hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cho biết trước đây tuyến cao tốc này ghi nhận nhiều trường hợp người dân ném đá vào xe cộ đang lưu thông. Phòng quản lý đã sử dụng hệ thống camera zoom xa ghi lại từng trường hợp và cung cấp video clip làm bằng chứng để công an địa phương xử lý. Đến nay, tình trạng ném đá trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã giảm.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, cho biết tuyến cao tốc do đơn vị quản lý đang chờ lắp camera trong giai đoạn 2 của dự án BOT. "Năm ngoái, tuyến đường ghi nhận tình trạng xe bị ném đá nhưng chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp và bắt được thủ phạm", ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, đơn vị vận hành và bảo trì tuyến cao tốc (Operations & Maintenance - O&M) có một phần trách nhiệm khi tài xế bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ nhưng lại gặp sự cố như bị ném đá. Thông thường, đơn vị O&M sẽ lập biên bản vụ việc, mời công an đến hiện trường để làm rõ. Tuy nhiên, việc này chỉ thực hiện được trên cơ sở khách hàng chủ động thông báo.

Trước tình trạng tài xế liên tục phản ánh bị đá rơi trúng trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đại diện Cục CSGT cho hay đã giao Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 phối hợp với công an địa phương để xác minh, làm rõ. Nếu xác định có trường hợp cố tình ném đá, cơ quan chức năng khẳng định sẽ xử nghiêm để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Nhắc lại sự việc sau mấy ngày, tài xế Bùi Hoàng Ka nói ông không biết quy trách nhiệm cho ai, chỉ mừng khi không bị tai nạn hay thương tích.

"Kể ra các cây cầu vượt qua cao tốc có camera bao quát được thì tốt hơn. Đó là chỗ đi lại nhiều, rất phức tạp", tài xế chiếc Ford Everest nói.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/toi-dang-chay-100-kmh-tren-cao-toc-khi-hon-da-xuyen-thung-kinh-post1405467.html?fbclid=IwAR3Mu0qGssBbpmpD9W_VXEVMiFsFjAs0DFMVHqqbm-4KNjKRx1fl0wTmIO8

tình huống nguy hiểm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.