TP.HCM sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho người mất do đại dịch

Tổ chức lễ cầu siêu cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch lịch sử vừa qua là nội dung được hội nghị Thành ủy TP.HCM thống nhất trong cuộc họp chiều 14/10.

Trong bài phát biểu hơn một giờ khi kết luận Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI mở rộng chiều 14/10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ nhiều định hướng, chủ trương của TP thời gian tới về phòng, chống dịch cũng như phục hồi kinh tế.

Một trong những nội dung được hội nghị thống nhất là tổ chức lễ cầu siêu cho những người qua đời trong đại dịch Covid-19. Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị TP.HCM nên có hình thức tưởng niệm phù hợp với người mất vì dịch Covid-19.

Không phải cái gì cũng đổ cho dịch Covid-19

Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc lại kinh tế TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ngoài nguyên nhân khách quan là tác động của đại dịch Covid-19, ông Nên cho rằng còn những nguyên nhân chủ quan. Bí thư đề nghị phải nhìn kỹ lại, đánh giá yếu tố chủ quan. "Không phải cái gì cũng đổ cho dịch Covid-19, như vậy là oan cho dịch", Bí thư nói.

Nhìn thẳng vấn đề, Bí thư nhận định có lúc, có nơi công việc chậm trễ theo kế hoạch, bị động, nhiều lúng túng, thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tính toán xử lý tình huống cụ thể.

"Dịch bệnh lâu quá làm chúng ta bị động và không thực hiện được như kế hoạch ban đầu đặt ra. Ta còn hạn chế trong dự báo, phân tích tình hình, đánh giá, xây dựng triển khai kịch bản trong phòng, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế - xã hội ngắn và dài hạn", ông nói.

Qua thử thách Covid-19, toàn hệ thống chính trị bộc lộ hạn chế, bất cập, thậm chí yếu kém. Do đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị nghiêm túc đánh giá, tìm giải pháp.

TP.HCM sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho người mất do đại dịch-1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Chí Hùng.

Về nhiệm vụ cấp bách thời gian tới, ông đề nghị việc đầu tiên là thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

"Từng bước mở cửa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vững chắc, an toàn đến đâu mở cửa đến đó, không nôn nóng nhưng không để lỡ cơ hội", ông nói.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM đề nghị nếu như giai đoạn chống dịch đã chiến đấu 200% thì giai đoạn phục hồi kinh tế cũng phải tăng tốc, phấn đấu trở lại như bình thường, không chậm trễ.

Hội nghị thống nhất ngành y tế cần chuẩn bị nhân sự, điều kiện để thay thế lực lượng tăng cường khi họ rút đi.

"Lần trước chúng ta bị động vì thiếu chiến lược, có lúc thiếu kịch bản. Giờ chắc chắn không thể chấp nhận chuyện đó. Phải chuẩn bị ngay kế hoạch để đưa ra kịch bản và diễn tập khi có tình huống xảy ra thì làm gì, vận hành cơ chế, vai trò trách nhiệm từng bộ phận", ông nói.

Hỗ trợ người thực sự khó khăn

Bí thư Nên nhấn mạnh kế hoạch phục hồi kinh tế phải gắn chặt với y tế, tính toán kỹ lưỡng, an toàn là trên kết. Khu vực có nguy cơ trở thành ổ dịch lớn thì cơ sở cần có phương án dập tắt ngay, không để lây lan, khiến hệ thống y tế quá tải. Thuốc, vaccine, kit test nhanh phải sẵn sàng khi cần thiết và có kế hoạch thực hiện thường xuyên.

Về các chiến lược xã hội trọng yếu, Bí thư cho biết hội nghị đã thống nhất với đề xuất tổ chức lễ cầu siêu cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch và đề nghị nghiên cứu thực hiện.

Thứ hai, thành phố cần tập trung triển khai kế hoạch chăm lo trẻ mồ côi, người già neo đơn.

Thứ ba, TP cần có kế hoạch tri ân cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu, lực lượng vũ trang, cán bộ y tế cơ sở, tình nguyện viên đã nỗ lực dũng cảm, hy sinh; các nhà thiện nguyện, nhà hảo tâm đã âm thầm, lặng lẽ, vượt khó khăn chung tay cùng TP. Thành phố sẽ nghiên cứu phát động đợt cao điểm TP.HCM tri ân từ nay đến Tết Nguyên đán.

TP.HCM sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho người mất do đại dịch-2

Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI thảo luận về nhiều định hướng thời gian tới. Ảnh: Thu Hằng.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm an sinh, tập trung rà soát, không để sót trường hợp khó khăn; kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm thiếu tinh thần trách nhiệm, để nhân dân khó khăn cùng cực.

Nhìn lại các đợt hỗ trợ gói an sinh vừa qua, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định chỉ có đợt đầu là tương đối ổn. Các đợt sau thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề, từ quyết định ở trên, cho đến danh sách xét duyệt ở dưới. Có lúc số lượng tăng bất ngờ.

"Chúng ta xét trường hợp người thực sự khó khăn, không thể vươn lên được, không có người giúp đỡ thì nhanh chóng hỗ trợ. Hệ thống chính trị cơ sở sát dân mới hiểu ai thực sự khó khăn để lên danh sách, xét duyệt cho hưởng gói hỗ trợ. Đừng để người ta hiểu lầm rằng đó là tiêu chuẩn cho mỗi người khi thực hiện giãn cách", ông khuyến cáo.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM đề nghị các địa phương tiếp tục vận động để người dân yên tâm ở lại thành phố và tổ chức cho dân về quê chu đáo. Ông nhìn nhận đây là vấn đề căng thẳng suốt thời gian qua và lực lượng chức năng, công an rất khó khăn trong thuyết phục người dân. Bí thư nhắc nhở các cấp chính quyền cần đối xử với bà con như người thân để có giải pháp.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/tphcm-se-to-chuc-le-cau-sieu-cho-nguoi-mat-do-dai-dich-post1270664.html?fbclid=IwAR0ODsq-FitW8G1Eggf57NReO-WC_uXpEsY5C48ihgntlGcTWK4-RNHC_cg

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.