Từ vụ cô gái 22 tuổi tử vong sau nâng mũi: Phẫu thuật thẩm mỹ trái phép bị xử lý thế nào?

Nếu cơ sở thẩm mỹ hay người thực hiện thủ thuật thẩm mỹ gây hậu quả chết người hoặc tổn thương về sức khỏe khách hàng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 315 (Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Như đã đưa tin, sau 2 tháng hôn mê khi đi phẫu thuật thẩm mỹ, dù đã cố gắng cứu chữa nhưng chị Phạm Thị D.H. (SN 2000, quê ở Long An) đã tử vong. Người thân nạn nhân cho biết, đã tốn hàng trăm triệu để chữa trị nhưng H. không qua khỏi.

Trước đó, ngày 14/1/2022, Phạm Thị D.H. đến cơ sở thẩm mỹ được bạn giới thiệu để nâng mũi. Một ngày sau, gia đình nạn nhân nhận được thông tin của bệnh viện Bạch Mai về tình trạng nguy cấp: "Cần người nhà đến trao đổi trực tiếp gấp, nếu như không có người nhà, bệnh nhân mà tử vong bệnh viện sẽ không chịu trách nhiệm".

Từ vụ cô gái 22 tuổi tử vong sau nâng mũi: Phẫu thuật thẩm mỹ trái phép bị xử lý thế nào?-1
Bài đăng của người thân cô gái trên MXH thời điểm xảy ra tai biến khi phẫu thuật nâng mũi

Sau khi H. đi phẫu thuật thẩm mỹ và gặp tình trạng trên, chị Dung, bạn của nạn nhân cho biết, H. bị hôn mê, toàn thân phù nề, tóc bị cắt đi để chuẩn bị làm phẫu thuật. Bác sĩ thông báo, H. chỉ có 20% sống, nếu vượt qua được 80% thành người thực vật.

Tuy nhiên, đến tối qua (17/3), người nhà nạn nhân cho biết, chị Hiếu đã tử vong hôm 16/3.

Từ vụ cô gái 22 tuổi tử vong sau nâng mũi: Phẫu thuật thẩm mỹ trái phép bị xử lý thế nào?-2
Chị H. tử vong sau 2 tháng hôn mê khi đi phẫu thuật thẩm mỹ.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định, trong vụ việc cô gái 22 tuổi tử vong vì nâng mũi tại Hà Nội, cơ quan chức năng sẽ làm rõ cơ sở tại ngõ 147A phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội có được cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hay không.

Theo luật sư Cường, khoản 6, Điều 39, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài ra, còn có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng theo khoản 7, Điều 39, Nghị định 117.

Tiến sĩ luật cho biết, trong trường hợp người hành nghề, cơ sở khám chữa bệnh để xảy ra tai biến trong khám, chữa bệnh có thể căn cứ xử lý theo Điều 76 Luật Khám chữa bệnh.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng làm rõ người trực tiếp thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi là Nguyễn S. G. có đầy đủ giấy phép hành nghề, có thực hiện đúng các quy định pháp luật trong hoạt động khám chữa bệnh, hoạt động chuyên khoa thẩm mỹ hay không?

Theo quy định pháp luật, nếu cơ sở thẩm mỹ hay người thực hiện thủ thuật thẩm mỹ gây hậu quả chết người hoặc tổn thương về sức khỏe khách hàng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 315 Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Dựa vào vụ việc cụ thể có thể bị tăng nặng hình phạt lên tới 15 năm tù giam. Ngoài ra, nười phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định của dân sự 2015.

Vụ việc này hiện đang được cơ quan Công an tiếp nhận để xác minh làm rõ.

Theo Pháp luật và bạn đọc 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluat.suckhoedoisong.vn/tu-vu-co-gai-22-tuoi-tu-vong-sau-nang-mui-phau-thuat-tham-my-trai-phep-bi-xu-ly-the-nao-162221803110803510.htm

phẫu thuật thẩm mỹ


Thông tin bất ngờ vụ nam TikToker tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn”
Nam TikToker tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn” đang làm việc với cơ quan chức năng thì lấy lý do sức khoẻ nên xin dừng buổi làm việc, cơ quan chức năng sau đó nhiều lần mời nhưng người này không lên làm việc.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.