Từ vụ giết người yêu rồi tự sát: "Muốn chia tay thì nên giãn dần ra, đừng vội vã"

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, trong những vụ án mạng, thủ phạm có lỗi 10 thì nạn nhân cũng phải có một phần trách nhiệm.

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, trong những vụ án mạng, thủ phạm có lỗi 10 thì nạn nhân cũng phải có một phần trách nhiệm. "Khi tình cảm đã mang đầy thù hận thì đó không còn là tình yêu nữa", ông Đoàn cho hay.

Mới đây, thông tin về vụ giết người yêu rồi tự sát tại TP HCM khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Theo lời kể của mẹ nạn nhân, nguyên nhân xảy ra án mạng chỉ đơn giản là vì cô gái Lê Thị Thu Hồng, 22 tuổi, quê Bình Phước từ chối chuyện cưới xin với lý do tuổi đời còn trẻ, chưa làm gì để báo đáp được ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Nhưng người yêu 4 năm của cô là anh Nguyễn Huy Tuấn (25 tuổi, trú tại Biên Hòa, Đồng Nai) đã không chấp nhận lý do đó. Tuấn đã tìm đến phòng trọ của chị Hồng và trong lúc hai bên xảy ra cự cãi, Tuấn đã ra tay sát hại chị rồi tự mình vung dao tự vẫn.

Hành động giết người yêu rồi tự vẫn của Tuấn đã để lại nỗi đau nặng nề cho cả hai bên gia đình, đồng thời cũng thêm một lần nữa rung lên hồi chuông đáng báo động về hậu quả đằng sau tình yêu mù quáng của giới trẻ hiện nay. Bởi, dẫu cho có giải thích như thế nào đi chăng nữa thì nói như mẹ của Tuấn, cả hai bên nên tha thứ cho nhau vì trong chuyện này, cả hai cùng có lỗi. 

2-45ebb
Hiện trường xảy ra vụ án mạng đau lòng tại TP. HCM.


Câu chuyện giết, tạt axit, hành hung người yêu sau chia tay đã xuất hiện khá nhiều trong thời gian gần đây. Điển hình là vụ án chấn động Bình Phước khi thanh niên tên Nguyễn Hải Dương xuống tay tàn sát cả gia đình bạn gái chỉ vì bị cấm cản tình yêu. Hay như câu chuyện của nghi phạm Phạm Thế Anh ở Nam Định vào tháng 5 vừa qua, người đã lẻn vào nhà để đâm chết người yêu cũ khi biết tin cô gái chuẩn bị lên xe hoa với người tình mới.

Chuyện tình yêu hợp rồi tan là điều hết sức bình thường nhưng chúng ta sẽ phải làm gì để tránh cho mình vướng phải những tấn thảm kịch đáng tiếc. Chúng ta đã rất vất vả mới gây dựng được một tình yêu mãnh liệt vậy thì khi muốn chấm dứt nó, chúng ta sẽ phải chịu những trách nhiệm gì liên quan?

Đừng dùng tình yêu để bao biện cho hành vi giết người

Nói về hành vi giết người vì tình, chuyên gia tâm lý, ông Đinh Đoàn khẳng định: "Đừng dùng tình yêu để bao biện cho hành vi giết người". Ông Đoàn phân tích, khi tình yêu đã có những hờn ghen, giận dỗi dẫn đến việc quyết định chia tay nhau thì cảm xúc yêu đương đã không còn nữa. Khi đó, tình cảm chuyển sang sự thù hận.

"Trong những trường hợp này, đích đến cuối cùng mà các chàng trai nghĩ tới là báo thù. Cụ thể ở vụ giết người yêu rồi tự sát mới đây, hành động mang theo dao của Tuấn chứng tỏ người này đã rắp tâm lập kế hoạch giết hại bạn gái nhằm thỏa mãn cơn giận dỗi trong lòng mình. Khi tình cảm trái tim mang đầy thù hận thì đó không còn là tình yêu nữa"
, ông Đoàn nói.

Giải thích về hành vi tự sát sau khi ra tay, ông Đoàn cho rằng: "Đó cũng không phải là vì tình yêu mà là sự sợ hãi, lẩn trốn trách nhiệm". Theo ông, sau khi giết người thì tâm lý tội phạm thường rơi vào trạng thái hoảng loạn.

"Hung thủ sau khi ra tay, biết rõ không thể thoát tội nên mới tự vẫn chứ không hẳn là vì yêu. Hoặc cũng có thể, sau khi giết người, anh ta bỗng thức dậy lương tri nên hiểu hành vi của mình là xấu xa, độc ác. Vì không muốn đối diện với trách nhiệm và lương tâm nên mới dẫn đến hành động tự sát tiếp theo".

suicidegunshootdepression_e254c-cf550
Theo ông Đoàn, hành vi tự sát của những kẻ giết người yêu trả thù hoàn toàn là vì sợ hãi, trốn tránh trách nhiệm.

Theo ông Đoàn, nguyên nhân dẫn đến hành động trả thù của hung thủ, ngoài lý do bị từ chối tình cảm, bị gia đình cấm cản, thì rất có thể còn xuất phát từ sự ghen tuông.

"Trong mỗi câu chuyên, cụ thể như thế nào, có lẽ chỉ có hai người trong cuộc hiểu rõ. Rất có thể trước đó cô gái yêu chàng trai thiết tha nhưng đùng một cái lại nói chia tay khiến anh này cảm thấy rằng chỉ có thể vì một lý do là cô ấy đã có người khác. Sự ghen tuông thường làm con người ta trở nên thiếu lý trí. Chuyện yêu đương mù quáng dẫn đến cái chết trong xã hội này không còn ít nữa. Có người chia tay nhảy lầu tự vẫn nhưng cũng có người lại kéo cả nhân tình chết chung. Một là do tính cách của mỗi người. Hai là vì những người này khi yêu thường đã đặt vào đó quá nhiều kỳ vọng và khi mất đi, họ cảm thấy mình bị hụt hẫng, trắng tay, từ đó dẫn đến những hành vi bồng bột, đáng trách", chuyên gia tâm lý này phân tích.

Đừng bao giờ chia tay trong vội vã

Theo ông Đoàn, những vụ án mạng nêu trên cũng chính là hậu quả của những cuộc chia tay nóng vội. "Tôi đã tư vấn rất nhiều về tình yêu và cũng đã nói rất nhiều lần rằng: Tại sao khi yêu nhau, chúng ta dành cả năm trời để chinh phục nhau, đã dành cho nhau bao nhiêu tình cảm và cả những lời nói mặn nồng nhất có thể thì khi chia tay lại quá dễ dàng, vội vàng với tâm lý chỉ muốn cắt bỏ thật nhanh như một phần quá khứ không bao giờ muốn động chạm đến nữa?".

Theo ông Đoàn, trong cuộc sống và tình yêu, chúng ta nên tiến hành mọi việc một cách thật sự bình tĩnh, cân nhắc thấu đáo trước khi đưa ra quyết định. Khi đã cảm thấy hết yêu và muốn chia tay ai đó, bạn đừng nên quá thẳng thắn, hãy từ từ bật lên chiếc đèn vàng để báo động cho họ biết ý định của mình. "Sẽ không cần giải thích, vì lời giải thích nào cũng sẽ thật khó nghe. Hãy giãn dần ra, ít nhất là như một dạng đánh động, như bật lên chiếc đèn vàng để người kia hãm phanh từ từ. Mỗi ngày chúng ta gặp họ ít đi, ít thân mật, quan tâm hơn, cứ như thế, từ từ rồi đối phương sẽ hiểu và chấp nhận chuyện chia tay một cách dễ dàng hơn".

5-45ebb-9776e
Cuối cùng, lỗi lầm của con trẻ lại gây ra những thương tổn lớn nhất cho các đấng sinh thành.

Theo ông, lời chia tay nói ra khi cuộc tình đang ở giai đoạn đằm thắm sẽ đem lại những cú sốc tâm lý, khiến nhiều người không kiểm soát nổi bản thân. Trong vụ việc của chị Hồng và anh Tuấn, lý do từ chối cưới xin vì còn phải lo cho gia đình mà chị Hồng đưa ra, ông Đoàn đánh giá là rất hợp lý. Tuy nhiên, nó có thể đã không khớp với hoàn cảnh, thời điểm nói ra.

"Chỉ một câu nói như vậy thì khó biết được đúng, sai. Có thể trước đó cô ấy đã rất yêu anh ấy, muốn về nhà, muốn ra mắt gia đình bạn trai. Bản thân Tuấn cũng đã phải chuẩn bị rất nhiều thứ nhưng đùng một phát lại từ bị chối gây hụt hẫng. Tại sao ngay từ khi yêu, chị Hồng lại không nói rõ với người yêu định hướng sẽ cưới muộn vì vướng bận chuyện gia đình để anh này chấp nhận một cách từ từ hoặc ít nhất cũng thừa hiểu được chuyện ấy. Đột nhiên khi muốn dừng lại thì chị Hồng lại lấy lý do vì gia đình khiến anh ta có cảm giác đó chỉ là sự ngụy biện chứ thực ra là chị Hồng không hề yêu mà chỉ lợi dụng anh này thôi hoặc hiện giờ chị Hồng đã yêu ai khác chẳng hạn. Càng nghĩ như thế, anh ta sẽ càng khó chấp nhận chuyện chia tay",
ông Đoàn phân tích.

Ông Đinh Đoàn cho rằng, trong những vụ án mạng, thủ phạm có lỗi 10 thì nạn nhân cũng phải có một phần trách nhiệm. "Mỗi người khi yêu đều phải có trách nhiệm nhất định về tình cảm của mình chứ không phải là nay thích thì yêu nồng cháy rồi không thích thì chia tay và chỉ muốn hất đối phương ra khỏi cuộc đời mình. Chuyện giết người yêu rồi tự sát, hoặc giết để trả thù tình cho hả hê, tôi kịch liệt lên án. Mỗi người nên tỉnh táo khi yêu, đừng làm ra những chuyện khiến mình và người thân lâm vào đau khổ, không quay đầu lại được", ông Đoàn đưa ra lời khuyên.

Theo Thu Hường / Trí Thức Trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.