Ước mơ giản dị của người lính sống sót vụ máy bay Mi171 rơi

Ước mơ của anh là sớm có được đôi chân giả để có thể đi lại để một ngày không xa trở lại với gia đình

“Có tiếng nổ, lửa bùng lên, chiếc trực thăng lảo đảo khoảng 30 giây thì rơi xuống đất. Tôi lơ mơ: “Cứu, cứu” rồi không biết gì nữa”, thượng úy Dương, người còn sống duy nhất trong đội bay gặp tai nạn ngày 7/7/2014 nhớ lại.

Ước mơ giản dị của người lính sống sót vụ máy bay Mi171 rơi - 1

Anh Dương và con trai

20 tháng sau tai nạn kinh hoàng, thượng úy Đinh Văn Dương đã tập tễnh bước đi trên đôi chân giả. Đó là điều diệu kỳ không chỉ đối với đội ngũ y bác sỹ, gia đình mà ngay cả bản thân anh cũng không ngờ tới.

Bởi, 20 tháng ở viện, nhiều tháng trong số đó, anh Dương trong tình trạng hôn mê, nhiều lần đã cạn ky vọng sống.

Vào thăm thượng úy trẻ đang điều trị ở khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này tới ngạc nhiên khác.

Anh Dương tăng cân, vẻ ngoài mập mạp hơn nhiều so với cái ngày anh nằm bất động trên giường cấp cứu. Khuôn mặt kín sẹo do bỏng nhưng đã biết cười và nói tếu.

Anh Dương mất cả đôi chân, hai cánh tay mất tất cả các ngón, khuỷu tay bị xơ cứng như hai que củi cháy. Nhưng anh vẫn lạc quan: “Những vết sẹo trên người, trên mặt chẳng còn đau nữa. Chỉ có những ngày thay đổi thời tiết mới khiến vết thương ở đùi hơi nhức”.

Sau gáy anh Dương lộ vết sẹo lớn. Chúng tôi hỏi anh hiện trí nhớ có ổn không. Chàng thượng úy cười: “Khi tỉnh dậy, mở mắt nhìn thấy vợ, thấy mẹ, thấy các con, nhưng không biết làm sao mà phải nằm viện. Rồi, dần nhớ lại. Nhớ cả thời thơ ấu, nhớ lúc lập gia đình và nhớ thời khắc tai nạn… không nghĩ là mình có thể còn sống tới ngày hôm nay, trong khi 20 người còn lại đã mãi mãi ra đi. Kinh hoàng. Lúc đó, có tiếng nổ, lửa bùng lên, chiếc trực thăng lảo đảo khoảng 30 giây thì rơi xuống đất. Tôi lơ mơ: Cứu, cứu”.

Và, chúng tôi thống nhất không nói chuyện “hãi thần kinh” đã cướp đi sự sống của tất cả đồng đội anh hôm 7/7/2014 ấy nữa.

Điều khiến anh vô cùng hào hứng suốt 2 tháng nay là chiều chiều lại tập đi. Đôi chân Dương đang dùng mới chỉ là dụng cụ tập luyện phục hồi.

Ước mơ của anh sớm có được đôi chân giả để có thể đi lại để một ngày không xa trở lại với gia đình: “Đôi chân giả khá nhiều loại, ít thì vài trăm triệu, nhiều có khi non tỷ đồng. Không biết có mua được không, nhưng việc có thể đi lại cũng khiến mình vui rồi”.

Anh Dương đã có thể tập tễnh ra cổng viện. “Có hôm mình ra cổng viện, ngồi uống trà đá với mọi người. Có đứa trẻ con còn chê mình xấu trai”. Dương vừa kể vừa cười.

Ước mơ giản dị của người lính sống sót vụ máy bay Mi171 rơi - 2

Suốt quãng thời gian dài con nằm viện, bà Đông luôn ở bên con để chăm sóc

Bà Trịnh Thị Đông mẹ thượng úy Dương kể: “Hôm tỉnh lại sau những ngày dài hôm mê, Dương soi gương rồi kêu, ôi trời hỏng hết cả khuôn mặt của tôi rồi! Nhưng, Dương cũng nghị lực lắm. Lúc nào ai nói chuyện liên quan đến tai nạn nó cũng bảo, chuyện qua rồi, đen đủi thôi. Càng ngày càng thấy Dương cười nhiều hơn”.

Ước mơ giản dị của người lính sống sót vụ máy bay Mi171 rơi - 3

Niềm hạnh phúc vào cuối tuần, khi các con vào thăm anh

20 tháng trải qua 21 ca phẫu thuật cấy ghép da. Tuy nhiên, hai bên sườn kéo dài từ nách tới hông vẫn còn những mảng sẹo dày cứng, anh Dương cũng không biết còn phải trải qua bao nhiêu lần phẫu thuật nữa.

Giữa trời đông lạnh giá, Dương chỉ mặc áo ba lỗ, quạt quay suốt ngày. Anh bảo, từ ngày uống nhiều kháng sinh, cơ thể nóng hơn bình thường.

Vừa trải qua một cái Tết ở bệnh viện, Dương bảo chưa bao giờ thấy thời gian dài đến vậy. Trong viện, có những lúc chỉ còn hai mẹ con với nhau, những lúc như thế khao khát được về nhà lại trỗi dậy hơn bao giờ hết.

Vừa qua, anh Dương đã được phân một căn chung cư rộng 60 m2, tuy nhiên anh chưa một lần đặt chân đến. Cuối tuần, vợ anh lại đưa 2 con vào thăm.

Đứa con trai sinh sau khi anh tai nạn giờ đã chạy nhảy bi bô gọi bố. Anh bảo: “Hai đứa vào viện thăm bố, thấy hình thù cha như thế, chúng vẫn thân mật gần gũi, lúc vui đùa chúng còn vật bố ra phi ngựa”.

Dương tâm sự, những lúc thất vọng vì trạng bản thân thì gia đình là niềm động viên lớn nhất để anh lấy lại tinh thần.

Theo Hà Phương (Báo Gia đình & Xã hội)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.