Vì sao Việt Á có thể bán kit test với ‘giá trên trời’, thu lợi nghìn tỷ?

Nhờ bán kit test Covid-19 với "giá trên trời”, Công ty Việt Á thu về lợi nhuận hơn 1.235 tỷ đồng. Theo kết luận điều tra, đã có sai phạm trong việc hiệp thương giá.

Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định, giá sản xuất 1 test xét nghiệm là 143.461 đồng (bao gồm toàn bộ chi phí hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận định mức 5%). Thế nhưng ông Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã nâng khống giá trị nguyên vật liệu đầu vào trong cơ cấu đơn giá đưa ra để hiệp thương và được Bộ Y tế xác định giá 470.000 đồng/test. Nhờ vậy, Công ty Việt Á đã thu về lợi nhuận hơn 1.235 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, đã có sai phạm trong việc hiệp thương giá.

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Y tế hiệp thương giá, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định giao ông Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính) đại diện Bộ Y tế thực hiện hiệp thương giá test xét nghiệm với Công ty Việt Á. 


Các bị can vụ Việt Á

Khi tổ chức hiệp thương ngày 26/3/2020, hồ sơ hiệp thương của Bộ Y tế còn thiếu Bảng chi tiết yếu tố hình thành giá, Công ty Việt Á thiếu các căn cứ tính giá. Dù vậy, ông Liên vẫn báo cáo Bộ trưởng Y tế và quyết định thống nhất giá hiệp thương với Công ty Việt Á 470.000 đồng/test là không có căn cứ, trái quy định.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Anh Tuấn được Bộ Tài chính phân công làm Phó trưởng Đoàn kiểm tra giá. Khi kiểm tra, ông Nguyễn Anh Tuấn và các thành viên Đoàn kiểm tra thuộc Bộ Tài chính được ông Nguyễn Nam Liên, Trưởng Đoàn kiểm tra phân công kiểm tra chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung (chiếm 21% giá thành trong phương án giá hiệp thương). 

Nhóm kiểm tra của Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra, xác định một số khoản chi phí chung không có hóa đơn chứng từ, chi phí nhân công giảm do tính cả chi phí nhân công bộ phận khác vào bộ phận sản xuất sinh phẩm và đã đề nghị ông Liên chỉ đạo nhóm kiểm tra chi phí nguyên vật liệu trực tiếp của Bộ Y tế xác định rõ tính phù hợp của nguyên liệu sản xuất sinh phẩm làm cơ sở rà soát chi phí nhân công và chi phí sản xuất chung. 

Sau khi cùng Đoàn kiểm tra Bộ Y tế thực hiện việc kiểm tra giá tại Công ty Việt Á, ông Nguyễn Anh Tuấn đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra.

Việc Đoàn kiểm tra chưa có kết luận về giá hiệp thương, nguyên nhân chính là chưa có kết quả kiểm tra về nguyên vật liệu chính phục vụ sản xuất test xét nghiệm bị thay đổi. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng báo cáo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn (Thứ trưởng Bộ Tài chính) về kết quả hiệp thương và ký thông báo ngày 27/3/2020 nêu giá hiệp thương là tạm tính, không có trong quy định.

Do giá hiệp thương không có căn cứ nên sau khi ra thông báo giá hiệp thương tạm tính, Bộ Tài chính có văn bản đôn đốc Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương để xác định giá chính thức làm cơ sở thanh toán, nhưng Bộ Y tế không thực hiện. 

Sau đó, theo kiến nghị của Bộ Tài chính, ngày 1/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì kiểm tra giá hiệp thương, nhưng Bộ Y tế không kịp thời thực hiện. Ông Trương Quốc Cường (khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế) còn ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, đùn đẩy trách nhiệm kiểm tra giá hiệp thương cho Bộ Tài chính. 

Đến khi Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có ý kiến chỉ đạo, ngày 29/8/2020 ông Trương Quốc Cường mới ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra giá hiệp thương. 

Lờ đi sai phạm

Khi kiểm tra giá hiệp thương, Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty Việt Á có sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất. Thậm chí, có thành viên Đoàn kiểm tra đã đề nghị Bộ Y tế thu hồi số đăng ký của Công ty Việt Á.

Ông Nguyễn Nam Liên báo cáo nhưng ông Nguyễn Thanh Long, ông Trương Quốc Cường không chỉ đạo kịp thời. Đến nay không ra kết luận kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến Bộ Y tế công bố giá không có căn cứ lên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

Công ty Việt Á đã tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế (đã được Phan Quốc Việt nâng khống), tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.

Sau khi Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất và tiêu thụ test xét nghiệm, bị can Phan Quốc Việt đã chi rất nhiều tiền hối lộ.

Kết luận điều tra cho rằng, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn và ông Nguyễn Anh Tuấn có trách nhiệm trong việc ban hành thông báo nêu giá hiệp thương 470.000 đồng/test là tạm tính, không có trong quy định của Luật Giá, nhưng mục đích để tạm thanh toán, không sử dụng làm căn cứ quyết toán. 

Khi thấy giá test xét nghiệm không có căn cứ, phía Bộ Tài chính đã trao đổi với Bộ Y tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo Bộ Y tế kiểm tra giá. Khi kiểm tra giá đã đề nghị Bộ Y tế xác định rõ tính phù hợp của nguyên liệu sản xuất sinh phẩm làm cơ sở rà soát chi phí nhân công và chi phí sản xuất chung, để xác định chính xác giá test xét nghiệm. 

Theo CQĐT, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn và ông Nguyễn Anh Tuấn không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho ông Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á; cũng không được hưởng lợi, đã chủ động khai báo, tích cực hợp tác làm rõ bản chất tội phạm và người phạm tội. 

Vì vậy, CQĐT cho rằng không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn và ông Nguyễn Anh Tuấn.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vi-sao-viet-a-co-the-ban-kit-test-voi-gia-tren-troi-thu-loi-nghin-ty-2179743.html

Công ty Việt Á


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.