PGĐ CDC Hà Nội khẳng định việc xác định danh tính, lịch trình chi tiết của bệnh nhân Covid-19 số 17 là đúng luật

Theo ông Tuấn, việc xác định tên tuổi, địa chỉ, lịch trình chi tiết của trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 số 17 hay các bệnh nhân khác là đúng luật và nhằm phòng, chống dịch bệnh.

PGĐ CDC Hà Nội khẳng định việc xác định danh tính, lịch trình chi tiết của bệnh nhân Covid-19 số 17 là đúng luật-1

Ảnh minh hoạ.

Mới đây, bệnh nhân từng mắc Covid-19 được đánh số 17 ở Trúc Bạch (Hà Nội) cùng chị gái đã "gây sóng" mạng xã hội khi được nhắc đến trên tờ tạp chí của Mỹ, trong bài viết chia sẻ về những "nỗi khổ" của 2 nhân vật này trong thời gian chữa bệnh tại Việt Nam.

Trong bài viết, The New Yorker đưa thông tin "bệnh nhân 17" đã bị tổn thương khi phải hứng chịu những sự chỉ trích, kỳ thị trên mạng xã hội. Bài báo cho rằng trường hợp của bệnh nhân 17 được công khai với dư luận khiến cô này nhận nhiều chỉ trích.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), bệnh nhân mắc Covid-19 số 17 được xác định là ca dương tính đầu tiên ở Hà Nội, phát hiện vào ngày 6/3/2020. Bệnh nhân có địa chỉ tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.

Trước đó, bệnh nhân số 17 đã đi tới nhiều quốc gia trong đó có Anh, Pháp, Italy, tuy nhiên khi về nước đã khai báo không trung thực.

Đối với việc xác định tên tuổi, địa chỉ, lịch trình đi lại chi tiết của trường hợp bệnh nhân số 17, bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nêu rõ, việc này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các Nghị định, văn bản có liên quan.

Đồng thời, trong các cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19 đều có yêu cầu phải truy vết từng trường hợp nhiễm bệnh để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch.

"Thực hiện theo quy định của Luật, việc thông tin đối với các ca mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 phải đảm bảo chính xác, đầy đủ, lịch trình chi tiết để phục vụ cho việc truy vết, phòng chống lây nhiễm.

Với danh tính của các bệnh nhân, kể cả ca bệnh số 17 khi truyền tải ra, đăng tải trên báo chí đều được viết tắt, sau đó, đánh số bệnh nhân và sử dụng số này chứ không nêu tên.

Các hình ảnh của bệnh nhân nếu có cũng là hình minh hoạ hoặc che toàn bộ mặt để đảm bảo quyền nhân thân. Do đó, việc cho rằng quá trình phòng chống dịch, điều trị đã thông tin quá kỹ về danh tính, lịch trình kỹ quá làm lộ thông tin cá nhân là hiểu không đúng", ông Tuấn nói.

PGĐ CDC Hà Nội khẳng định việc xác định danh tính, lịch trình chi tiết của bệnh nhân Covid-19 số 17 là đúng luật-2

Bài đăng trên tờ The New Yorker khiến cộng đồng mạng dậy sóng.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cho hay, đối với địa chỉ, nơi đi, đến, ở của bệnh nhân cần phải thông tin chi tiết, để chính quyền địa phương có ngay biện pháp khoanh vùng, xử lý dịch và người dân xung quanh nắm được, có sự phối hợp trong phòng, chống dịch.

Đại diện CDC Hà Nội cũng đề nghị, các bệnh nhân cần có sự nhìn nhận khách quan, tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật để thông tin, tránh suy nghĩ lệch lạc gây lo lắng, hoảng sợ cho những người khác.

"Điều quan trọng nhất là phải truyền tải thông tin chính xác, tránh cho sau này chẳng may có trường hợp khác cũng nhiễm bệnh nhưng đọc ý kiến không chính xác như bệnh nhân số 17 đưa ra lại sợ, hoang mang rồi giấu, không khai báo sẽ rất nguy hiểm", ông Tuấn nêu.

Gần như cả Hà Nội đã không ngủ khi phát hiện ca bệnh 17

Một lãnh đạo một trung tâm y tế cấp quận ở Hà Nội cho rằng, đêm 6/3 khi phát hiện ca bệnh số 17 và các ca liên quan, gần như "cả Hà Nội không ngủ".

Theo vị này, thời điểm đó, cả đoạn dài phố Trúc Bạch đã bị phong tỏa và Bệnh viện Hồng Ngọc cũng phải tạm dừng hoạt động, nhiều y, bác sĩ bị cách ly.

Sau đó, tại cộng đồng là chuỗi ngày lực lượng y tế các đơn vị trên địa bàn Hà Nội phải tập trung điều tra truy vết các trường hợp F1, F2, F3 theo lịch trình di chuyển dày đặc của bệnh nhân số 17, mà bệnh nhân ấy đã không khai báo ngay từ đầu.

Cùng với đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc điều trị cũng khẩn trương và tận tâm cho bệnh nhân số 17 cùng như những người bị lây, điển hình là người bác từng nhiều lần nguy kịch. Sau đó, cả bệnh nhân số 17 và người bác đều đã khỏi bệnh, được xuất viện.

Trước đó, liên quan đến ca bệnh số 17, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội từng bác bỏ thông tin đồn trên mạng xã hội cho rằng, bệnh nhân từng đi dự khai trương cửa hàng Uniqlo tại Hà Nội hay bệnh nhân vẫn di chuyển đến những nơi công cộng trước khi phát bệnh.

Lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu công an xử lý các trường hợp tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh và đề nghị người dân cần theo dõi các thông tin chính thống từ thành phố, không nghe tin đồn thất thiệt.

Lãnh đạo UBND TP cũng kêu gọi người dân thời điểm đó bình tĩnh, không hoang mang và tất cả thông tin về dịch được công khai, minh bạch để người dân nắm bắt kịp thời.

Cũng liên quan ca bệnh này, theo Công an cửa khẩu Nội Bài, bệnh nhân số 17 sử dụng hộ chiếu Anh để di chuyển đến các nước châu Âu, song khi về nước ngày 2/3, người này lại sử dụng hộ chiếu Việt Nam để nhập cảnh.

Công an cửa khẩu Nội Bài kiểm tra kỹ từng trang của hộ chiếu nhưng không phát hiện có con dấu xuất nhập cảnh của Italy. Cùng với việc khai gian tờ khai y tế để vượt qua vòng kiểm dịch của CDC Hà Nội, bệnh nhân số 17 đã được giải quyết nhập cảnh bình thường.

Theo Pháp luật và Bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/pgd-cdc-ha-noi-khang-dinh-viec-xac-dinh-danh-tinh-lich-trinh-chi-tiet-cua-benh-nhan-covid-19-so-17-la-dung-luat-162202409133855491.htm

bệnh nhân 17

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.