Vụ án oan 38 năm trước: Vì sao các cơ quan tố tụng không đồng ý bồi thường?

38 năm bị bắt giam oan ức, nhưng ông Trịnh Dân Cường vẫn chưa được các cơ quan tố tụng xin lỗi, bồi thường. Mới đây, TAND quận 6 đã bác đơn khởi kiện của ông.

Ông Trịnh Dân Cường (SN 1956, ngụ quận 6, TPHCM) đã bị bắt giam oan 21 tháng 4 ngày. Thời điểm năm 1985, lệnh bắt giam ông Cường được VKSND quận 6 phê chuẩn.

Ngày 3/12/1986, ông Cường được trả lại tự do theo Quyết định 114/TLTD của Phòng Cảnh sát ĐTXH Công an TPHCM với lý do xác định ông Cường "không liên quan đến vụ trộm tiệm vàng 288B Bãi Sậy".

Năm 1989, ông Nguyễn Hữu Đô (lúc bấy giờ là Đội trưởng Cảnh sát hình sự Công quan quận 6) cùng đồng phạm đã lĩnh án về tội bắt giam, giữ ông Trịnh Dân Cường trái phát luật.

Song, hơn 30 năm qua, ông Cường đã khiếu kiện khắp nơi nhưng tới nay vẫn chưa được xin lỗi và bồi thường cho chuỗi ngày oan ức của mình.

Yêu cầu VKSND quận 6 xin lỗi, bồi thường hơn 6,8 tỷ đồng

Ra khỏi trại giam, ông Cường đã gửi nhiều đơn thư khiếu nại đến các cơ quan tố tụng quận 6 và Công an TPHCM, nhưng chỉ nhận được phiếu chuyển đơn chứ không cơ quan nào giải quyết.

Sau đó, ông làm đơn khởi kiện VKSND quận 6 ra TAND quận 6 nhưng do vụ án kéo dài, thời gian đã lâu, không được nhận các tài liệu, chứng cứ liên quan để nộp nên tòa không thụ lý.

Vụ án oan 38 năm trước: Vì sao các cơ quan tố tụng không đồng ý bồi thường?-1
Ông Trịnh Dân Cường bên tập hồ sơ vụ án (Ảnh: Hoài Thanh).

Năm 2018, ông Cường tiếp tục làm đơn gửi đến Công an quận 6, VKSND quận 6 yêu cầu đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can. Nhưng các cơ quan này đều trả lời đơn khiếu nại rằng "đã hết thời hiệu giải quyết".

Năm 2021, ông Cường đã đi trích lục lại được các bản án của TAND TPHCM và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM (nay là TAND Cấp cao) liên quan đến việc xét xử các cán bộ gây oan sai cho mình.

Do đó ngày 14/2/2023, ông Cường nộp đơn khởi kiện tới TAND quận 6, đề nghị buộc VKSND quận 6 ra quyết định đình chỉ bị can; xin lỗi công khai, phục hồi danh dự cho ông Cường. Đồng thời, ông yêu cầu VKSND quận 6 bồi thường thiệt hại cho ông hơn 6,8 tỷ đồng.

Đây là tổng số tiền bồi thường về các khoản thu nhập thực tế bị mất mát trong suốt thời gian ông Cường bị oan sai; bồi thường về vật chất do sức khỏe bị xâm hại; bồi thường tổn thất về tinh thần…

"Đã hết thời hiệu"

Theo VKSND quận 6, từ năm 2017, lãnh đạo VKSND quận 6 từng có văn bản trả lời đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do các cơ quan tố tụng quận 6 bắt giam ông Cường trái pháp luật. 

"Ông Trịnh Dân Cường bị bắt giam giữ trái pháp luật xảy ra trước ngày 1/7/1996 và được xác định là oan sai, bởi bản án hình sự phúc thẩm số 106/HSPT ngày 21/2/1990 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM.

Nhưng đến nay ông Cường mới nộp đơn yêu cầu được bồi thường thiệt hại. Do vậy, yêu cầu của ông đã hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. VKSND quận 6 không giải quyết yêu cầu của ông Trịnh Dân Cường", quan điểm của VKSND quận 6.

Vụ án oan 38 năm trước: Vì sao các cơ quan tố tụng không đồng ý bồi thường?-2
Ông Trịnh Dân Cường cùng ông Nguyễn Công Trung - người tình nguyện hỗ trợ hành trình khiếu kiện của ông Cường (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ông Cường đã có đơn khiếu nại, không đồng ý với quan điểm trên của VKSND quận 6. Sau đó, để tiếp tục giải quyết vụ việc, VKSND quận 6 đã đề nghị Công an quận 6 cung cấp hồ sơ tài liệu vụ bắt, giam giữ trái pháp luật ông Cường.

Sau đó, Công an quận 6 ra thông báo số 1834/ĐTTH ngày 30/8/2019 cho biết: Không có hồ sơ lưu trữ Quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can, không có tài liệu đưa ông Cường đi cải tạo và hết cải tạo.

Trong khi đó, xác nhận của các cơ quan luật pháp đều thừa nhận kể từ ngày 2/12/1986, là ngày ông Cường được trả tự do, cuộc sống của ông Cường tại phường 8, quận 6, TPHCM gặp rất nhiều khốn đốn. Suốt 38 năm qua, ông Cường hành nghề chạy xe ôm, đạp xích lô… Hiện nay, cuộc sống của ông rất khó khăn và ông không còn sức lao động.

Tuy vậy, VKSND quận 6 vẫn nhất quyết giữ nguyên quan điểm "không chấp nhận yêu cầu bồi thường oan sai của ông Trịnh Dân Cường, vì đã hết thời hiệu giải quyết".

Đình chỉ vụ kiện vì "không đủ điều kiện"

Không đồng ý với quan điểm của VKSND quận 6, ông Trịnh Dân Cường tiếp tục khởi kiện cơ quan này lên TAND quận 6. Tòa án đã tổ chức buổi hòa giải giữa hai bên đương sự vào ngày 9/6.

Tại đây, ông Cường và đại diện VKSND quận 6 đều giữ nguyên quan điểm của mình. Bị đơn không đồng ý yêu cầu xin lỗi, bồi thường từ phía nguyên đơn.

Ngày 1/8, TAND quận 6 ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 110/2023/QĐST-DS.

Theo TAND quận 6, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự sơ thẩm, xét thấy các tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện của ông Trịnh Dân Cường "chưa đủ điều kiện khởi kiện" theo quy định tại khoản 5, Điều 3, Điều 9, khoản 3, Điều 18 và Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.

Vụ án oan 38 năm trước: Vì sao các cơ quan tố tụng không đồng ý bồi thường?-3
Ông Trịnh Dân Cường bền bỉ khiếu nại, kiện gần 35 năm (Ảnh: Hoài Thanh).

Từ đó, TAND quận 6 đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thụ lý số 12/2023/TLST-DS ngày 10/1/2023, về Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự, giữa nguyên đơn là ông Trịnh Dân Cường với VKSND quận 6.

Không đồng ý với quyết định đình chỉ vụ án của TAND quận 6, ông Trịnh Dân Cường đã kháng cáo. Theo quy định pháp luật hiện hành, TAND quận 6 phải chuyển hồ sơ lên TAND TPHCM để xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Phóng viên Dân trí đã liên hệ trực tiếp với TAND quận 6, VKSND quận 6 để hỏi thêm thông tin về vụ việc của ông Trịnh Dân Cường. Song, cả hai cơ quan này đều chưa sắp xếp lịch để trả lời.

22h ngày 27/2/1985, bà Nguyễn Thị Kim Cúc (nhà ở đường Bãi Sậy, quận 6) báo án mất trộm vàng. Ngày 28/2/1985, Công an quận 6 đã tạm giữ ông Trịnh Dân Cường, Hồ Văn Được và Trần Đức Ẩn.

Công an quận 6 đã ra lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam cả 3 người vào Trại tạm giam Chí Hòa, các quyết định này được Viện KSND quận 6 phê chuẩn.

Quá trình giam giữ, cả 3 ông không thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Được đã tự vẫn tại buồng giam. Ngày 19/9/1985, ông Ẩn được trả tự do và khoảng 1 năm sau thì qua đời.

Riêng ông Cường bị chuyển lên trại Tống Lê Chân để tập trung cải tạo nhưng không có quyết định của UBND TPHCM hay UBND quận 6. Ông Cường được trả tự do ngày 3/12/1986.

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/phap-luat/vu-an-oan-38-nam-truoc-vi-sao-cac-co-quan-to-tung-khong-dong-y-boi-thuong-20230826210054299.htm

oan sai


Cảnh sát gặp nhiều khó khăn để bắt giữ Phó Đức Nam - Mr Pips
Theo Ban chuyên án, đường dây lừa đảo do Phó Đức Nam - Mr Pips cầm đầu sử dụng công nghệ cao, hoạt động trên không gian ảo, tài khoản ảo... nên quá trình điều tra phá án gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đối tượng Nam thường xuyên sang Campuchia và ít khi về Việt Nam hoạt động.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.