Vụ nước sông Đà nhiễm dầu: 'Phải xử lý đến nơi đến chốn để răn đe'

Các đại biểu Quốc hội cho rằng lời xin lỗi muộn của Công ty nước sông Đà là vô nghĩa, phải xử lý theo luật để răn đe, nếu không dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả lớn hơn.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng lời xin lỗi muộn của Công ty nước sông Đà là vô nghĩa, phải xử lý theo luật để răn đe, nếu không dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả lớn hơn.
 

Ngày 25/10, hơn 2 tuần xảy ra sự cố nghiêm trọng khi nguồn nước sạch cung cấp cho hơn 250.000 hộ dân thủ đô bị nhiễm dầu thải, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà mới đưa ra lời xin lỗi và mong được lượng thứ.

Kèm theo lời xin lỗi, đơn vị này bồi thường cho dân miễn phí một tháng tiền nước (tháng mà dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm).

Công ty nước sạch sông Đà thừa nhận chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp, dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây ra những đảo lộn trong sinh hoạt bình thường của người dân.

Xin lỗi cũng vô nghĩa

Bên hành lang Quốc hội chiều 25/10, các đại biểu Quốc hội cũng không giấu được vẻ bức xúc bởi cách ứng xử trước sự cố của các bên liên quan.

Vụ nước sông Đà nhiễm dầu: Phải xử lý đến nơi đến chốn để răn đe-1

Trong quá trình thau rửa bể nước ngầm tại tòa nhà Golden Land (275 Nguyễn Trãi, Hà Nội) ngày 21/10, người dân phát hiện nước sinh hoạt có màu nâu đen, bốc mùi khét nồng nặc như dầu thải. Ảnh: Hoàng Đông.

Trước lời xin lỗi của Công ty nước sạch sông Đà, đại biểu Dương Trung Quốc nói: “Lời xin lỗi ấy vô nghĩa. Phải xử lý đến nơi đến chốn theo pháp luật để răn đe. Nếu để tình trạng nhờn luật, sau này người dân sẽ phải gánh chịu những hậu quả lớn hơn nữa".

Ông cho rằng sự cố nước sông Đà vừa qua “trong cái rủi có cái may”. Từ sự cố này mới phát hiện ra một điều cực kỳ nguy hiểm, đó là từ doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý Nhà nước không quan tâm nhiều đến an toàn của người dân.

Theo vị đại biểu Quốc hội, người dân có thể lên án những người làm sai ở Công ty nước Sông Đà, nhưng không thể không nhắc đến trách nhiệm của những cơ quan lãnh đạo liên quan. “Giả dụ không phải là dầu mà là chất độc hại hơn thì sao? Nếu không phải là sự vô ý mà là âm mưu, ý đồ thì chuyện gì sẽ xảy ra?”, ông Quốc nói.

Từ câu chuyện này, ông cảnh báo dù có xã hội hóa, cung cấp dịch vụ công liên quan đến sự an nguy, đến sức khỏe, tính mạng của người dân thì Nhà nước cũng không thể buông xuôi.

Có tội nghiêm trọng với dân

“Lời xin lỗi của Công ty nước sông Đà là muộn màng và cách bồi thường của đơn vị này cũng không thể chấp nhận được”, đại biểu Quốc hội Hà Nội Nguyễn Anh Trí thể hiện quan điểm.

Vụ nước sông Đà nhiễm dầu: Phải xử lý đến nơi đến chốn để răn đe-2

Sự cố nước sạch sông Đà làm cuộc sống gần 1 triệu dân thủ đô lao đao. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo ông, sau khi sự cố xảy ra, trong 2 buổi họp báo có sự tham dự trực tiếp của lãnh đạo công ty nhưng không đưa ra một lời xin lỗi nào, đến nay phát hành một thông cáo với lời xin lỗi là rất không nghiêm túc, nếu không muốn nói là có tội nghiêm trọng với dân.

Sau sự việc, ông lưu ý vấn đề quan trọng nhất là nguồn nước đầu vào phải an toàn, đừng để tình trạng như dùng một sản phẩm thấy vẫn thơm ngon, nhưng đằng sau sản phẩm đó lại có phân bón hay những chất có thể gây nhiễm độc.

Vị đại biểu Hà Nội băn khoăn khi được biết nguồn nước sông Đà cung cấp cho dân được lấy từ hồ Đồng Bài thay vì giữa lòng sông Đà. Bên cạnh đó, hệ thống an ninh hoàn toàn không có.

Theo ông Trí, trong cuộc làm việc với HNĐN, UBND Hà nội trước kỳ họp Quốc hội thứ 8, ông được biết Công ty nước sạch sông Đà cung cấp 12% lượng nước cho TP với khoảng 250.000 hộ, nếu tính trung bình mỗi hộ có 4 người thì công ty này cung cấp nước cho khoảng 1 triệu người. Vì thế, phải đặc biệt chú trọng chất lượng nguồn nước đầu vào và an ninh nguồn nước.

Ông cũng kiến nghị các cơ quan chức năng phải thực hiện tổng kiểm tra công tác an ninh nguồn nước trên toàn quốc.
 

Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận ở Hà Nội như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm...

Gần 1 tuần sau khi sự cố xảy ra, Hà Nội mới khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước nhiễm dầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã yêu cầu Hà Nội, Hòa Bình kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm. Đồng thời, giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không đảm bảo chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong cuộc họp báo do Hà Nội và Hòa Bình tổ chức sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo Công ty cổ phần nước sạch sông Đà không thừa nhận trách nhiệm, cho rằng công ty mới là nạn nhân lớn nhất. Họ không đưa ra lời xin lỗi với người dân.

Ngày 16/10, Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường. Một ngày sau, công an tạm giữ hai nghi phạm là Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám. Ngày 20/10, nghi phạm thứ ba là Lý Đình Vũ ra đầu thú.

Nhóm này khai số dầu thải được chúng lấy từ Công ty gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 3 người này và đang tiếp tục làm rõ vụ án.

 


Theo Zing


Nước sông Đà

ô nhiễm nước sông Đà

nước sạch Sông Đà


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.