Vụ ô tô đâm 17 xe máy ở Hà Nội: Đừng đổ lỗi nhầm chân ga cho dép lê

Phân tích lỗi nhầm chân ga theo lời khai của tài xế trong vụ tai nạn ô tô đâm 17 xe máy tại ngã tư Võ Chí Công- Xuân La (Hà Nội), chuyên gia đào tạo lái xe và các tài xế lâu năm cho rằng, dép lê không phải là nguyên nhân chính.

Bàn luận về vụ tai nạn nghiêm trọng trên, nhiều ý kiến trong các cộng đồng dùng xe cho rằng, việc tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh (63 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội)- người gây ra vụ tai nạn, sử dụng dép lê khi lái xe là nguyên nhân dẫn tới việc nhầm chân ga. Đặc biệt qua quan sát, đôi dép này có phần hơi kích chân, thừa cả gót.

Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, ông Nghiêm Xuân Đỉnh, Phụ trách đào tạo của Trung tâm đào tạo lái xe LOD (Hà Nội) cho rằng, việc tài xế đi dép lê không hề ảnh hưởng đến việc nhầm chân ga và chân phanh như đa số mọi người đang quy chụp. Bản chất vấn đề ở đây thuộc về kỹ năng lái xe.

Vụ ô tô đâm 17 xe máy ở Hà Nội: Đừng đổ lỗi nhầm chân ga cho dép lê-1

Chia sẻ trên  mạng xã hội về hình ảnh ông Hoàng Ngọc Vĩnh (63 tuổi)- người  gây ra vụ tai nạn liên hoan đâm 17 xe máy ở Hà Nội đi dép lê nhận được khoảng 6 nghìn lượt likes và 2,4 lượt bình luận sau ít giờ đăng tải. (Ảnh chụp màn hình)

Theo anh Đỉnh, chuyển chân ga sang chân phanh là kỹ năng quan trọng nhất mà anh cùng các đồng nghiệp thường xuyên luyện tập cho người học lái, đặc biệt là nữ giới. Trong mọi tình huống có chướng ngại vật phía trước, mũi chân phải không bao giờ được đặt ở bàn đạp ga mà phải chuyển sang đặt sẵn ở chân phanh.

"Việc nhầm chân ga và chân phanh hoàn toàn là do chủ quan và sự tập trung khi lái xe chứ không thể đổi tại giày dép được. Nhiều lái xe đi giày hoặc dép quai hậu vẫn đạp nhầm chân ga đấy thôi", anh Đỉnh nói.

Tuy vậy, vị chuyên gia nhiều năm đào tạo lái xe này vẫn luôn yêu cầu học viên của mình phải đi giày thể thao đế bằng hoặc dép quai hậu khi học lái xe. Bởi, các loại giày dép này sẽ chắc chân, cho cảm giác ga, phanh tốt nhất và tránh tối đa rủi ro.

Anh Đỉnh phân tích thêm: "Đi dép lê, dép xỏ ngón thường dễ bị tuột, mắc dép vào các pedal. Còn các chị em hay đi giày gót quá cao trên 5cm thì chân sẽ phải chúi nhiều gây mỏi cổ chân bởi thiết kế bàn đạp ga thường thấp hơn bàn đạp phanh nên khi chuyển từ ga sang phanh sẽ gặp khó hơn".

Theo anh Đỉnh, các trung tâm đào tạo lái xe cũng nên định hướng và đưa ra những yêu cầu bắt buộc cho việc này, đồng thời người lái xe cũng nên tự mình liên tục trau dồi phản xạ, kỹ năng xử lý tình huống để hạn chế tối đa việc nhầm chân ga.

Anh Nghiêm Xuân Đỉnh cho rằng, dù Luật Giao thông đường bộ hiện hành không cấm sử dụng dép lê, giày cao gót lái xe nhưng để đảm bảo an toàn, cánh tài xế cả nam và nữ không nên đi các loại giày dép này ngay cả khi đã lái xe thuần thục.

Vụ ô tô đâm 17 xe máy ở Hà Nội: Đừng đổ lỗi nhầm chân ga cho dép lê-2
Ngày 20/11/2019, nữ lái xe Mercedes-Benz gây tai nạn liên hoàn do nhầm chân ga trên tuyến đường Láng Hạ - Lê Văn Lương (Hà Nội) gây rúng động cũng được cho rằng nguyên nhân là bởi đôi giày cao gót. (Ảnh: Otofun)

Đồng tình với ý kiến trên, anh Đỗ Duy Quang - lái xe taxi G7 tại Hà Nội cũng cho rằng, giày dép không phải là vấn đề dẫn tới việc nhầm chân ga, có chăng nếu đi giày dép không phù hợp thì ảnh hưởng một chút đến phản xạ trong những tình huống bất ngờ mà thôi.

"Cánh lái xe dịch vụ chúng tôi chắc phải già nửa thường xuyên đi dép lê để lái xe, nhất là vào mùa hè, nhưng hầu như có bao giờ bị nhầm chân ga chân phanh đâu. Mà dép lê cũng có nhiều loại, trong đó có loại đi rất chắc chân chứ không dễ bị tuột như mọi người vẫn nghĩ", anh Quang nói.

Còn chị Phạm Thanh Hương ở Hà Nội, người từng có hơn 10 năm lái xe và nhiều chuyến đi xuyên Việt kể, với những chuyến đi gần trong phố, chị vẫn thường sử dụng luôn đôi giày cao khoảng 5-6 cm của mình mà không cảm thấy khó chịu gì. Tuy nhiên, nếu đi xa thì vẫn nên sử dụng giày thể thao hoặc giày cao gót.

"Tôi thường để một đôi giày thể thao đế bệt trên xe, khi đi xa thì thay giày cao gót ra cho đỡ mỏi chân. Nhưng có điều, nên cất hẳn đôi giày còn lại ra phía sau xe chứ không nên để cùng ở dưới ghế lái, rất vướng víu và ảnh hưởng khi lái xe", chị Hương chia sẻ.

Trước đó, như VietNamNet đã thông tin, chiều 5/4 đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn do chiếc ô tô KIA Forte tông vào 17 xe máy tại ngã tư Võ Chí Công - Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) khiến 18 người bị thương. Trong đó, một nam thanh niên tiên lượng nặng, ở trạng thái nguy kịch.

Nam tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh (63 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) khai nhận với cơ quan công an rằng, có lẽ ông bị nhầm chân ga với chân phanh nên dẫn tới sự việc kinh hoàng nói trên. Theo vị tài xế này mô tả, khi xe bị tăng tốc bất ngờ, ông đã phanh tay, về N vẫn không dừng được xe, cảm giác càng đạp phanh xe càng lao đi nhanh.

Nhiều ý kiến trong các cộng đồng dùng xe cho rằng, đôi dép lê ông Vĩnh sử dụng khi lái xe có phần hơi kích chân, thừa cả gót chính là nguyên nhân dẫn tới việc nhầm chân ga.

Hiện, Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về tham gia phương tiện giao thông” theo Điều 260 BLHS, và tạm giữ hình sự lái xe Hoàng Ngọc Vĩnh để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật

Trước đó, không ít vụ "xe điên" trong thời gian qua xảy ra do nhầm chân ga với tình trạng người cầm lái đi dép lê, dép xỏ ngón, thậm chí có nữ tài xế đi giày cao gót,...

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vu-o-to-dam-17-xe-may-o-ha-noi-dung-do-loi-nham-chan-ga-cho-dep-le-2129147.html

tai nạn liên hoàn

Hà Nội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.