Xét xử người phụ nữ bị truy nã vẫn được cấp chứng minh nhân dân

Bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có lệnh truy nã năm 2010 nhưng 1 năm sau đó, bị cáo Đỗ Thị Nhã vẫn được cấp chứng minh nhân dân tại Thái Bình.

Ngày 6-7/7, TAND tỉnh Hải Dương mở phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Đỗ Thị Nhã (SN 1972, quê TP Hải Phòng, trú tại Thái Bình) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo nội dung vụ án, năm 2006, bị cáo Nhã là nhân viên phòng thông tin một đơn vị của BQP. Do có quen biết, bà Nguyễn Thị Phúc (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) nhờ Nhã đưa anh Phạm Hữu Chiến (con nuôi bà Phúc) đi xuất khẩu lao động. Ông Phạm Hữu Hội (bố đẻ anh Chiến) đưa Nhã 20 triệu đồng để học chứng chỉ nghề và học tiếng Hàn Quốc.

Cuối năm 2006, ông Hội đưa Nhã 3.000 USD để làm thủ tục cho con trai đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, do Lê Thị Tiến là người cầm tiền cuối cùng bị bắt nên Nhã đã nói cho bà Phúc, ông Hội, anh Chiến biết là không đi xuất khẩu lao động theo đường dây của Tiến được. Ngày 10/4/2007, ông Hội yêu cầu Nhã viết giấy biên nhận vay tiền 3.000 USD.

Xét xử người phụ nữ bị truy nã vẫn được cấp chứng minh nhân dân-1
Trụ sở TAND Hải Dương.

Tháng 7/2007, Nhã bảo ông Hội lo thêm 3.000 USD để làm thủ tục cho anh Chiến đi xuất khẩu lao động, nếu sau 3-5 ngày anh Chiến không được ký hợp đồng và học định hướng, Nhã cam kết sẽ trả lại toàn bộ số tiền đã nhận.

Do tin tưởng, ông Hội giao tiếp 3.000 USD cho Nhã. Mặc dù vậy, anh Chiến vẫn không được đi xuất khẩu lao động nên ông Hội tìm Nhã đòi tiền đồng thời làm đơn tố giác Nhã.

Tại phiên tòa, qua lời khai của bị cáo, người làm chứng và phần hỏi của VKS, luật sư xác định, bà Nguyễn Thị Phúc nhận 3.000 USD và 20 triệu của ông Hội, bị cáo Nhã chỉ nhận 3.000 USD của ông Hội.

Tuy nhiên, theo thỏa thuận nếu Nhã không đưa được anh Chiến đi xuất khẩu lao động thì sẽ phải trả toàn bộ số tiền là 6.000 USD và 20 triệu nên mới có việc Nhã viết giấy biên nhận đã nhận 6.000 USD và 20 triệu của ông Hội vào ngày 11/7/2007.

“Thời điểm đó môi giới xuất khẩu lao động chia % hoa hồng pháp luật không cấm. Đơn tố cáo bị cáo Nhã của ông Hội là 6.000 USD và 20 triệu nhưng cơ quan điều tra xác định bị cáo Nhã chỉ nhận 3.000 USD và truy tố về hành vi đó” , đại diện VKSND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.

Tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Phúc xác định nhận tiền của Nhã để trả Phạm Thị Toan (vợ ông Hội) là 1.500 USD và 90 triệu đồng vào nhiều lần và có giấy nhận tiền vào cuối năm 2007. Bà Toan xác nhận việc này.

Ngày 26/10/2007, bị cáo Nhã trả lại cho anh Chiến 1.000 USD và trong năm 2007, Nhã đã trả ông Hội 40 triệu đồng. Tháng 12/2007, Nhã có quyết định ra quân. Ngày 14/7/2008, ông Hội có đơn tố giác Nhã ra cơ quan công an TP Hải Dương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xét xử người phụ nữ bị truy nã vẫn được cấp chứng minh nhân dân-2
Luật sư bào chữa cho bị cáo tại toà.

Bào chữa cho bị cáo Nhã tại toà, luật sư Hoàng Thị Ngoãn, Văn phòng luật sư An Việt, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, ông Hội, bà Phúc biết Nhã chỉ là cầu nối, không trực tiếp, không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng có mối quan hệ quen biết và đã từng giúp được 2 trường hợp đi xuất khẩu lao động vào năm 2005.

Do đó, 2 người này chuyển 8 hồ sơ (trong đó có Chiến) cho Nhã để nhờ đưa người đi xuất khẩu lao động. Để đảm bảo cho các hồ sơ này, Nhã đã ứng trước số tiền là 53.000 USD cho Tiến nhưng không may Tiến lại bị bắt trong vụ án khác.

"Nhã đã thông tin lại cho bà Phúc, ông Hội biết và hai người này vẫn nhờ Nhã tìm mối khác để đưa Chiến đi. Do vậy, việc Nhã nhận tiền của ông Hội sau khi Tiến bị bắt cũng chưa đủ số tiền Nhã đã ứng trước đó.

Đáng nói, khi không đưa Chiến đi xuất khẩu lao động được, Nhã và bà Phúc đã trả ông Hội tiền nhưng ông Hội sau đó vẫn gửi đơn tố cáo Nhã vào năm 2008 vì không biết vợ và con trai đã nhận hết tiền trước 30/12/2007 (Âm lịch) từ bà Nhã.

Việc này đã được làm sáng tỏ vào năm 2010 và gia đình ông Hội đã xin lỗi bị cáo Nhã (được ghi nhận trong biên bản lấy lời khai tại cơ quan điều tra). Như vậy, hành vi của bị cáo Nhã không gian dối và bị cáo không chiếm đoạt tiền của ông Hội”, luật sư Hoàng Thị Ngoãn nêu quan điểm.

Tại phiên tòa, bị cáo Nhã khai, năm 2010, sau khi gia đình ông Hội xin lỗi bị cáo tại cơ quan điều tra thì bị cáo nghĩ mọi việc đã xong nên không hề biết sau đó bị cáo lại bị truy nã.

Đáng chú ý, chi tiết bị cáo có lệnh truy nã vào ngày 17/12/2010 nhưng vẫn được cấp chứng minh thư nhân dân tại Thái Bình ngày 22/9/2011 được đưa ra tranh luận tại toà.

Trả lời về việc này, điều tra viên H.S.T., được triệu tập tới toà, cho hay nhiều trường hợp bị truy nã 30-40 năm vẫn làm được chứng minh thư.

Tranh luận tại phiên tòa, luật sư cho biết, vụ án có nhiều vi phạm về tố tụng. Bên cạnh đó, nhiều tài liệu, bút lục lưu 2 bản thể hiện chữ ký, chữ viết của điều tra viên không giống nhau nên luật sư đề nghị HĐXX xem xét kiến nghị, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án tới Cơ quan điều tra VKSND tối cao điều tra, xác minh làm rõ các vi phạm của một số cán bộ cơ quan tố tụng TP Hải Dương, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Tranh luận tại phiên tòa, kiểm sát viên giữ quyền công tố thừa nhận một số thiếu sót trong hồ sơ vụ án như thiếu 2 công văn chuyển đến do trách nhiệm của điều tra viên.

Theo vị đại diện viện kiểm sát, trong bản định thời hạn bảo quản hồ sơ ngày 07/02/2009 nằm trong hồ sơ vụ án. Văn bản đó nhìn bằng mắt thường không phải do điều tra viên lập là chính xác. Bởi lẽ, nhìn chữ khác hoàn toàn.

“Có 2 quyết định ủy nhiệm thời gian từ 15/09/2008-31/12/2008 trong hồ sơ của ông Nguyễn Trường Giang, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT cho ông Nguyễn Thái Điệp, Phó thủ trưởng là chính xác. Hồ sơ thể hiện không có quyết định ủy nhiệm năm 2009 và 2010 là chính xác, không còn bàn cãi gì. Thời gian này ủy nhiệm theo thời gian nên điều tra viên phải thu thập vào hồ sơ nên trách nhiệm này của điều tra viên và một phần của viện kiểm sát”, vị đại diện viện kiểm sát nêu.

Theo vị đại diện viện kiểm sát, thực tế trong hồ sơ không có phân công của Viện trưởng viện kiểm sát thành phố cho Phó viện trưởng nhưng Phó viện trưởng vẫn ký các văn bản tố tụng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn năm 2008 ngành kiểm sát thực hiện theo phương thức đầu năm công tác các đơn vị đều có văn bản phân công cho các Phó viện trưởng để thực hiện các chức năng nhiệm vụ trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát theo mảng phụ trách.

“Thụ lý giải quyết đơn tố giác của ông Hội không có quyết định phân công Phó thủ trưởng, điều tra viên, Phó viện trưởng, kiểm sát viên là chính xác, không phải bàn cãi gì nhưng trong giai đoạn đấy, mỗi nơi áp dụng một khác, nơi áp dụng phân công, nơi không áp dụng”, kiểm sát viên nhấn mạnh.

Nói lời sau cùng tại phiên tòa, bị cáo Nhã đề nghị làm rõ số tiền bị cáo còn nợ ông Hội sau khi bị cáo và bà Phúc đã trả ông Hội. Bị cáo đã trả ông Hội trước khi ông gửi đơn tố cáo.

Kết thúc phần tranh luận, HĐXX nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 14h ngày 11/7.

Theo VTC News

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtc.vn/xet-xu-nguoi-phu-nu-bi-truy-na-van-duoc-cap-chung-minh-nhan-dan-ar804856.html

Chứng minh nhân dân

lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Hải Dương


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.