Xét xử vụ 200 triệu lít xăng giả: Con trai 'ông trùm' đề nghị trả lại 2 sổ đỏ

Bị cáo Phan Lê Hoàng Anh - con trai bị cáo cầm đầu Phan Thanh Hữu mong HĐXX trả lại tiền và 2 sổ đỏ do ông bà ngoại và mẹ để lại.

Ngày 1/11, phiên tòa xét xử 3 bị cáo cầm đầu, gồm: Phan Thanh Hữu (65 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh); Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ TP Hải Phòng); Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cùng 70 đồng phạm trong vụ án 200 triệu lít xăng giả tiếp tục phần xét hỏi.

Tại phiên toà, bị cáo Phan Lê Hoàng Anh (33 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) - con trai bị cáo Phan Thanh Hữu khai làm nghề buôn bán xe mô tô thu nhập 300 triệu đồng mỗi tháng.

Xét xử vụ 200 triệu lít xăng giả: Con trai ông trùm đề nghị trả lại 2 sổ đỏ-1
Bị cáo Lê Phan Hoàng Anh. (Ảnh: Tố Tâm)

Cha bị cáo là Phan Thanh Hữu nhờ chuyển tiền nên bị cáo làm mà không nhận thức được hành vi này là phạm tội.

Từ tháng 2/2020 - 2/2021, Hoàng Anh thay cha nhận tiền bán xăng lậu (tiền mặt hoặc chuyển khoản) từ các bị cáo Nguyễn Hữu Tứ, Trần Ngọc Thanh, Lê Thanh Trung, Phạm Thị Hương... với tổng hơn 521 tỷ đồng và nhờ người anh họ nhận thay 261 tỷ đồng.

Khi có chỉ đạo của Tứ, Hoàng Anh sẽ chuyển tiền lợi nhuận từ việc bán xăng lậu và tiền phí thuê tàu cho Phạm Hùng Cường gần 282 tỷ đồng để Cường chuyển cho bị cáo Đào Ngọc Viễn và cựu Đại tá Phùng Danh Thoại (cựu Trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển).

Bị cáo Hoàng Anh khai 6 tài khoản với số tiền gần 24,8 tỷ đồng và 2 sổ đỏ mà ông bà ngoại và mẹ để lại đứng tên mình. Do đó, bị cáo mong HĐXX trả lại 24,8 tỷ đồng và 2 sổ đỏ này vì không liên quan đến hành vi phạm tội của cha con bị cáo.

Cũng tại phiên toà, bị cáo Đinh Văn Đoàn (53 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Giám đốc Công ty Hải Nhật Minh, chủ sở hữu, quản lý 4 tàu Nhật Minh) khai vì là anh em kết nghĩa của bị cáo Phan Thanh Hữu, nên khi nghe Hữu nhờ đứng tên công ty bị cáo đã đồng ý, còn bản thân không hề có kinh nghiệm quản lý, vận hành công ty kinh doanh xăng dầu.

Phan Thanh Hữu sẽ soạn sẵn 3-5 hợp đồng/tháng và đưa bị cáo Đoàn ký nhằm che giấu và hợp thức hóa trong quá trình vận chuyển xăng nhập lậu.

Bị cáo Đoàn khai mình chỉ đứng tên giám đốc, chủ sở hữu 4 con tàu chứ không tham gia hoạt động vận chuyển xăng lậu và thắc mắc vì sao cáo trạng lại truy tố mình hành vi buôn lậu.

Theo cáo trạng, Phan Thanh Hữu thuê Đoàn đứng tên Giám đốc Công ty Hải Minh Nhật, trực tiếp quản lý 4 tàu Nhật Minh 06, 07, 08, 09 của Hữu với mức lương 20 triệu đồng/tháng.

Giải đáp thắc mắc này, đại diện VKS đã công bố lời khai của bị cáo Đoàn.

Theo lời khai, các tàu Nhật Minh hoạt động liên tục từ tháng 3/2020 cho đến khi bị bắt. Mỗi tháng, Hữu hẹn Đoàn ở Bà Rịa - Vũng Tàu để đưa các hợp đồng vận chuyển để bị cáo Đoàn ký, đóng mộc. Trước khi ký, bị cáo đều xem qua hợp đồng và biết là chở xăng. Còn chuyển vận giao xăng như thế nào thì bị cáo không biết được.

Theo cáo trạng, từ năm 2019, Phan Thanh Hữu cùng Đào Ngọc Viễn và 3 người khác góp tổng cộng 53,4 tỷ đồng để mua xăng lậu từ Singapore về Việt Nam bán, ăn chia theo tỷ lệ Hữu 40%, Viễn và những người còn lại hưởng 60%.

Về nhiệm vụ, Hữu trực tiếp đứng ra giao dịch, còn Viễn điều tàu sang chở hàng về Việt Nam và neo đậu ở phao số 0. Lúc này, Hữu cho tàu của mình ra lấy hàng rồi chở qua kho chứa nổi đặt ở sông Hậu (thuộc tỉnh Vĩnh Long).

Xăng nhập lậu từ Singapore có màu trắng, trong khi xăng tại thị trường Việt Nam có màu vàng. Để không bị phát hiện, Hữu mua phụ gia về pha chế cho ra màu vàng. Công thức là 1kg bột màu vàng hòa với 5 lít dung môi rồi đổ vào 100m3 xăng, sau đó mang đi tiêu thụ tại hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Đêm 6/2/2021, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Bộ Công an huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ triệt phá đường dây buôn lậu này.

Cũng theo cáo trạng, từ tháng 3/2020 - tháng 2/2021, nhóm Hữu và Viễn vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỷ đồng, trong đó tiêu thụ hơn 196 triệu lít xăng, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỷ đồng.

Trong quá trình buôn lậu, Hữu cử Tứ tiếp cận Ngô Văn Thụy, là đội trưởng thuộc Cục điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) để hối lộ, nhờ Thụy giúp đỡ.

Tứ đã đưa cho Thụy phong bì chứa 10.000 USD và 1 thẻ ATM có 100 triệu đồng. Sau đó, Hữu trực tiếp gặp Thụy và đưa thêm 500 triệu đồng.

Ngoài việc hối lộ Ngô Văn Thụy, Hữu và Tứ còn có hành vi đưa hối lộ cho một số cá nhân là quân nhân trong lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã chuyển tài liệu, chứng cứ sang Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Theo VTC News

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtc.vn/xet-xu-vu-200-trieu-lit-xang-gia-con-trai-ong-trum-de-nghi-tra-lai-2-so-do-ar710974.html

xăng dầu


Viện Kiểm sát đề nghị y án tử hình bà Trương Mỹ Lan
Đối đáp với các luật sư và nội dung tự bào chữa của bà Trương Mỹ Lan, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng không có cơ sở để giảm hình phạt và vẫn bảo lưu quan điểm, đề nghị HĐXX tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên mức án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan chung cho 3 tội danh.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.