Xót xa người đàn ông mang gương mặt dị dạng đi ăn xin nuôi vợ tàn tật

Cơ thể tật nguyền, khuôn mặt dị dạng khiến ai nhìn cũng hoảng sợ, nhưng người đàn ông 60 tuổi vẫn gồng mình đi khắp nơi xin ăn để nuôi vợ tàn tật.

Cơ thể tật nguyền, khuôn mặt dị dạng khiến ai nhìn cũng hoảng sợ, nhưng người đàn ông 60 tuổi vẫn gồng mình đi khắp nơi xin ăn để nuôi vợ tàn tật.


Video: Người đàn ông có khuôn mặt dị dạng ở Thái Bình
 

Ngày 17/6, PV VTC News tìm đến nhà ông Đỗ Văn Luyện (SN 1957, ở thôn Cổ Đẳng, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình),người đàn ông mang khuôn mặt dị dạng gần 60 năm nay.

Trong căn nhà 3 gian lợp ngói nằm lọt thỏm cuối xóm, ông Luyện chậm rãi kể về hoàn cảnh và số phận bất hạnh của mình. Từ khi lọt lòng mẹ, cơ thể ông đã mang mầm mống của bệnh tật với những u nhọt, bọng máu sần sùi làm biến dạng khuôn mặt, khiến ai lần đầu tiên nhìn thấy cũng phải giật mình sợ hãi.

IMG_6395

Ông Luyện với khuôn mặt dị tật từ khi lọt lòng mẹ. (Ảnh: Minh Khang) 

Căn bệnh cũng khiến một nửa cơ thể ông nổi vết chàm thâm tím. Khuôn mặt với những mụn cơm, mụn thịt sần sùi, tím như quả mận cứ dần dần hình thành mà không ai biết đó là bệnh gì. Do gia cảnh nghèo khó, hàng ngày bố mẹ ông đi làm thuê, cuốc mướn, lo miếng ăn còn chưa đủ nên không có tiền đưa con đi chữa bệnh, cứ để mặc cho bệnh tật ngày một lây lan và nặng thêm.

Theo năm tháng, ông Luyện lớn dần lên với hình hài dị dạng, sức khỏe yếu ớt. Không được học hành như bao đứa trẻ cùng trang lứa, cũng không thể lao động như những người bình thường nên ông phải lang thang khắp nơi để xin ăn cho qua ngày đoạn tháng.

Tai họa nối tiếp tai họa, năm 15 tuổi, ông Luyện bị một người trong làng hành hung, khiến ông vĩnh viễn mất đi 1 mắt bên phải. 

IMG_6406

 Khi 15 tuồi, ông Luyện bị một người hàng xóm hành hung khiến 1 mắt bị mù.

Đến năm 30 tuổi, trong một lần đi ăn xin ở xã bên cạnh, ông Luyện tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Chỉ (SN 1952), là cô nuôi dạy trẻ nhưng bị tàn tật ở hai chân. Thương cảm trước số phận và gia cảnh của ông Luyện, bà Chỉ bỏ qua những lời dèm pha, dị nghị và phản đối của gia đình để đến với ông rồi nên duyên vợ chồng.

Kể từ đó, ngày ngày ông Luyện đi khắp nơi xin từng nắm gạo, nắm thóc hay đồng tiền lẻ mang về nuôi người vợ tàn tật. Họ sống với nhau tronh cảnh cơ hàn, thiếu thốn nhưng vẫn yêu thương, đỡ đần nhau những lúc trái gió trở trời, bệnh tật hành hạ.

Rồi trời thương, 2 người con (1 trai, 1 gái) đã lần lượt chào đời. Ngày ngày, người vợ tàn tật ở nhà, còn ông Luyện lại hành nghề ăn xin khắp các tỉnh, thành trong nước về nuôi vợ con. Học hết lớp 9, 2 người con của ông bà phải nghỉ học vì gia cảnh nghèo túng đến cùng cực.

Người con trai theo chúng bạn lên Hà Nội, ai thuê gì làm nấy để nuôi thân và gom góp từng đồng tiền gửi về phụ giúp cha mẹ. Rồi dần dần cậu con trai cũng tự nuôi được mình và học nghề sửa chữa điện lạnh, sau vài năm đã lấy vợ sinh con. Còn người con gái sau vài năm nghỉ học cũng đi xây dựng gia đình với một người bạn trai cùng làng.

IMG_6386 3

Do khối u lớn dần chèn vào lỗ mũi, ông Luyện phải dùng một ống nhựa cài vào lỗ mùi cho dễ thở. 

Mấy năm nay, ông Luyện ngày một già yếu nhưng do không muốn các con phải lo lắng nên ông vẫn gắng gượng đi xin ăn. Các con không muốn cha vất vả nhưng ông bảo: “Chỉ có bố mẹ nuôi được con chứ con sao nuôi được bố mẹ".

Hai người con ông đã lập gia đình nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn nên thỉnh thoảng mới dành dụm được chút ít biếu cha mẹ. Dù xót xa khi chứng kiến cha mẹ gìa tàn tật sống trong cảnh nghèo khó nhưng các con ông cũng không thể làm gì hơn.

“Ở làng thì ai cũng biết nên không sao, chứ đi nơi khác, thấy khuôn mặt tôi kinh dị như vậy, nhiều người không thông cảm đã chửi mắng, khinh bỉ, đuổi tôi đi và không cho gì hết vì họ cho rằng tôi vào nhà họ khiến họ xui xẻo”, ông Luyện ngậm ngùi.

Ông Luyện cho biết, bao năm nay, ông đã đi ăn xin suốt từ Móng Cái (Quảng Ninh) cho đến Sài Gòn. Với hình hài dị dạng, nhà xe họ không cho đi vì sợ mất khách, ông đành ra Trạm CSGT Cầu Nghìn (Quốc lộ 10, qua địa bàn huyện Quỳnh Phụ) để nhờ các cán bộ ở đây bắt xe họ mới cho đi. Cứ sau khoảng 10 ngày, ông lại tìm cách bắt xe mang tiền về nuôi vợ.

Trong lần đi xin ăn ở Bình Dương, ông đã được đưa về Trung tâm duôi dưỡng người tàn tật 2 lần, 1 lần ở Đà Nẵng và 1 lần ở Hà Nội. Nhưng ông bảo: “Ở trong đó chỉ một mình mình được nuôi dưỡng, ăn uống nhưng vợ con ở nhà thì phải nhịn nên đành nhờ người thân bảo lãnh xin về để tiếp tục đi xin tiền nuôi vợ con".

IMG_6399 4

Dù mang trong mình căn bệnh quái ác nhưng ông Luyện luôn lo lắng, chăm sóc cho người vợ tàn tật.

Mấy năm trước, ông bà còn được hưởng chế độ của hộ nghèo, tuy nhiên 2 năm nay khi ông Luyện được hưởng chế độ người tàn tật thì xã lại cắt chế độ hộ nghèo nên mỗi tháng ông chỉ được trợ cấp 405.000 đồng. Ngoài ra không được hưởng chế độ trợ cấp nào khác, trong khi vợ ông cũng bị tàn tật.

Ngoài hình hài dị dạng, ông còn mang căn bệnh viêm loét dạ dày, ngày ngày cứ hành hạ nhưng cũng không có tiền để đi chữa trị. “Nhiều lúc đi xin được một đoạn đường, bụng đau quá lại ngồi ôm bụng khóc bên vệ đường, đến khi đỡ đau rồi mới đi xin tiếp”, ông Luyện chia sẻ.

IMG_6380 5

 Đôi chân vợ ông Luyện bị dị tật, cong queo, không thể đi lại bình thường và lao động được nên ông Luyện phải đi ăn xin để nuôi vợ.

Nói về những tháng ngày sắp tới, ông Luyện chia sẻ: “Chẳng biết tôi còn đi xin được bao năm nữa khi bệnh tật cứ hành hạ mỗi ngày, chỉ thương cho vợ tôi tàn tật, tai nghễnh ngãng, không có tôi bà ấy không biết sẽ sống ra sao?!”.

Trả lời PV VTC News, ông Đỗ Xuân Chình – Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, gia cảnh của ông Luyện ở địa phương ai cũng biết. Hàng năm chính quyền địa phương cũng có sự quan tâm, hỗ trợ vào các ngày lễ, Tết. Chính quyền xã cũng đã làm thủ tục để gia đình ông Luyện được hưởng chế độ trợ cấp đối với người khuyết tật.

"Chúng tôi cũng mong mỏi các nhà hảo tâm mở lòng giúp đỡ cho hoàn cảnh của vợ chồng ông Luyện. Rất mong cộng đồng chung tay giúp đỡ để ông Luyện có kinh phí chữa trị được căn bệnh quái ác hành hạ ông hàng chục năm nay, làm vơi bớt những đớn đau, bất hạnh mà ông bà đã gánh chịu quá nửa đời người', ông Chình nói.

Mọi ủng hộ của độc giả cho ông Đỗ Văn Luyện xin gửi về:

Báo điện tử VTC News: Số TK: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội.

Nội dung ủng hộ xin đề rõ: Đóng góp giúp đỡ gia đình ông Đỗ Văn Luyện ở Thái Bình.

Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến cho nhân vật sớm nhất!

Theo VTC News


ăn xin

tàn tật

khuôn mặt dị dạng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.