Ý kiến trái chiều về màu sơn của Chùa Cầu (Hội An) sau trùng tu

Sau 19 tháng thi công, dự kiến, ngày 3/8 tới đây, Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được khánh thành đưa vào sử dụng, phục vụ khách tham quan

Mấy ngày nay đã có những ý kiến khác nhau về Chùa Cầu sau trùng tu. Người khen đẹp, hợp lý nhưng cũng có ý kiến cho rằng, màu sơn Chùa Cầu sau trùng tu chưa đúng nguyên bản.

Ngày 28/12/2022, Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được khởi công tu bổ. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An được giao chủ trì thực hiện công trình này. Quá trình trùng tu có sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý trong và ngoài nước và các tổ chức hợp tác quốc tế đến từ Nhật Bản, đơn vị thiết kế, giám sát, thi công.

Sau hơn 19 tháng trùng tu, Chùa Cầu đã hoàn thành, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân và những người yêu mến phố cổ về công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt này. Đơn vị thi công Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, thành phố Hội An tập đang trung hoàn tất công đoạn cuối cùng để chuẩn bị đưa vào sử dụng, phục vụ khách tham quan. Những ngày qua, nhiều du khách đến tham quan Chùa Cầu, chụp hình lưu niệm, từ đó xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Y kien trai chieu ve mau son cua chua cau hoi an sau trung tu hinh anh 1Ý kiến trái chiều về màu sơn của Chùa Cầu (Hội An) sau trùng tu-1
Chùa Cầu vừa trùng tu, nhìn từ trên cao

Bà Trần Thu Vân, ở thành phố Hà Nội đi du lịch tại Hội An cho rằng, màu sơn Chùa Cầu sau trùng tu có vẻ khác so với trước: “Hình ảnh mới có vẻ không còn cổ như xưa. Mình thích màu cổ mà thấy di tích không còn màu cổ. Thấy nó hơi lạ, bởi vì thấy mới. Màu sơn mới này nó hơi sáng và mình cảm thấy hiện đại hơn, nếu để màu nâu sẽ đẹp hơn. Đây chỉ là cảm nhận cá nhân thôi”- Bà Vân nhận xét.

Chùa Cầu hay còn gọi là Cầu Nhật Bản, Lai Viễn Kiều là một công trình có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và sự giao lưu quốc tế ở Đô thị thương cảng Hội An. Trải qua 400 năm tồn tại, dưới tác động khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và thời gian, di tích Chùa Cầu không tránh khỏi những hư hại. Từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã qua ít nhất 7 lần tu bổ vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996.

Do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khác nên những lần tu bổ trong các năm gần đây vẫn chưa giải quyết căn cơ đối với những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp di tích. Vấn đề tu bổ Chùa Cầu tiếp tục được đặt ra và ngày càng cấp thiết. Ngày 24/7/1999, Hội nghị tư vấn Trùng tu Chùa Cầu được tổ chức với sự quan tâm của nhiều chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn di sản kiến trúc trong nước. Trong hơn một thập niên tiếp theo, những nội dung liên quan đến việc tu bổ cứu nguy Chùa Cầu liên tục được thảo luận, bàn bạc. Song, xuất phát từ quan ngại sẽ làm Chùa Cầu “mới đi và trẻ ra” và cũng do chưa tìm được giải pháp phù hợp nhất cho việc trùng tu một công trình mang tính biểu tượng, có giá trị đặc sắc như Chùa Cầu… nên trong một thời gian dài, việc tu bổ chỉ dừng lại ở mức gia cố, chống đỡ, tránh nguy cơ sụp đổ di tích.

Ngày 16/8/2016, Hội thảo quốc tế về trùng tu Chùa Cầu được tổ chức quy mô lớn với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản. Hội thảo dù chưa đưa ra giải pháp cho từng vấn đề cụ thể nhưng đã đi đến thống nhất quan điểm chung là Chùa Cầu cần thiết và cấp thiết phải được trùng tu tổng thể, căn cơ vì mục tiêu gìn giữ nguyên vẹn và lâu dài giá trị di tích. Từ đó, công tác chuẩn bị tu bổ Chùa Cầu được tập trung trên nhiều phương diện: nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật; khảo sát, khảo cổ đánh giá tình trạng kỹ thuật, dấu vết nguyên trạng; vẽ ghi, số hóa kiến trúc; xác định quan điểm, nguyên tắc, giải pháp tu bổ; tham vấn chuyên gia; tổ chức lập, thỏa thuận, thẩm duyệt hồ sơ…

Ý kiến trái chiều về màu sơn của Chùa Cầu (Hội An) sau trùng tu-2
Mặt trước Chùa Cầu (Nhìn từ phía sông Hoài vào)
Ý kiến trái chiều về màu sơn của Chùa Cầu (Hội An) sau trùng tu-3
Mặt sau Chùa Cầu

Ngày 28/12/2022, Chùa Cầu được khởi công tu bổ với quyết tâm sẽ tu bổ một cách tốt nhất nhằm giữ gìn nguyên vẹn các giá trị của di tích. Ông Nguyễn Sự, Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam cho rằng, Chùa Cầu qua 7 lần trùng tu nhưng những lần trước không để lại bất cứ một hồ sơ nào, ngoài lần trùng tu năm 1996 chỉ trùng tu phần hạ bộ Chùa Cầu. Lần trung này, phải hạ giải toàn bộ di tích. Đơn vị thi công làm đúng nguyên tắc cơ bản của trùng tu là đảm bảo các yếu tố nguyên gốc, tận dụng tối đa vật liệu cũ. Chỉ có một số vật liệu hư phải thay thế nhưng cũng đảm bảo kiến trúc, kích thước, chiều cao, kiểu dáng. Riêng màu sơn bên ngoài của di tích có khác với trước. Theo ông Nguyễn Sự, trước đây, mỗi lần Lễ, Tết, chùa Cầu được quét lại đúng màu sắc nguyên gốc. Hơn 10 năm nay. Chùa Cầu không được sơn quét, bây giờ di tích được trùng tu, quét lại màu tưới mới, đặc biệt là bờ tường xung quanh, trước đây quét màu nâu, nay quét màu đỏ nên người dân, du khách thấy lạ mắt. Do mới tu bổ trùng tu, một vài chi tiết còn tươi mới, không quen với mắt nhìn lâu nay của mọi người nên có những ý kiến khác nhau. Bây giờ, xử lý thêm màu sơn này cũng không khó, chỉ pha trộn màu cho phù hợp rồi sơn quét lại là ổn thôi.

Ông Nguyễn Sự cho rằng, chuyện người dân có ý kiến khen hay chê là bình thường và là tín hiệu rất tốt và đáng mừng vì Chùa Cầu đã di vào trong ký ức, trong tâm thức, tâm khảm của nhiều người, và được mọi người quan tâm đặc biệt. Các ý kiến khen, chê đều là tấm lòng của những người yêu mến Chùa Cầu, chính quyền thành phố Hội An cần phải ghi nhận, trân trọng và lắng nghe.

 “Chùa Cầu đã đi vào ký ức của họ rồi, có nghĩa là họ yêu mến hình ảnh Chùa Cầu. Bây giờ mình làm cái điều gì mới là người ta có ý kiến ngay, điều đó là điều đáng mừng, mặc dù mình có làm tốt 100% mà họ có ý kiến như vậy cũng là điều cảnh báo cho mình. Tất cả mọi thứ sau này, không riêng gì Chùa Cầu, đụng vào di tích, đụng vào khu phố cổ là hết sức cẩn trọng. Họ có ý kiến là mình phải giải thích cho người ta và tiếp nhận các ý kiến đó bằng cả một tấm lòng đối với Chùa Cầu”- Ông Nguyễn Sự nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, người có nhiều năm gắn bó với thăng trầm của Chùa Cầu nhận xét rằng, quá trình trùng tu di tích Chùa Cầu, đơn vị thi công đã rất cẩn trọng, cố gắng để giữ yếu tố gốc của di tích. Đặc biệt là về mặt kết cấu bên trong đảm bảo yếu tố gốc, kể cả màu sơn gỗ bên trong cũng giữ được nguyên bản. Đây là một nỗ lực rất lớn của đơn vị thi công trùng tu di tích đặc biệt này. Tuy nhiên, màu sơn bên ngoài Chua Cầu chưa hợp lý, người xem có cảm giác di tích mới hơn.

Theo ông Nguyễn Đức Minh, đơn vị thi công hoàn toàn có thể xử được màu sơn này cho phù hợp với màu của di tích trước khi trùng tu: “Trong nội thất, kết cấu bên trong làm rất chỉn chu, đầy đủ, đảm bảo khoa học nhưng mà phần sơn bên ngoài và phần mái ngói chưa phù hợp. Vì vậy người ra mới nói đang là “cụ Chùa Cầu” thành “anh Chùa Cầu”, phải sơn màu cánh sen, chứ không phải đỏ rực thì sẽ phản cảm. Nhưng cái này cũng không nghiêm trọng lắm, không ảnh hưởng nhiều, có thể khắc phục được, nhìn Chùa Cầu mới thì mình sử dụng công nghệ sơn màu cho cũ lại là được”.

Trước những luồng ý kiến khác nhàu về Chùa Cầu, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam khẳng định, một công trình đại trùng tu, 2 vấn đề lớn phải được phải đặt lên hàng đầu, đó là phải đảm bảo tính nguyên gốc, nguyên bản của nó.

Ý kiến trái chiều về màu sơn của Chùa Cầu (Hội An) sau trùng tu-4
Bên trong chùa sau khi trùng tu
Ý kiến trái chiều về màu sơn của Chùa Cầu (Hội An) sau trùng tu-5

Tất cả những phần kiến trúc Chùa Cầu còn có thể sử dụng được như: kèo gỗ, trính, sàn, lan can hoặc những phần mà có thể giữ được đều phải giữ lại, để đảm bảo tính nguyên gốc. Còn những cấu kiện đã mục, hư hỏng, buộc phải thay thế để đảm bảo tính vững chắc của công trình. Đến nay, công trình làm xong thì sơn phết lại để bảo quản công trình chứ không có gì thay đổi khác so với nguyên gốc của Chùa Cầu. Mọi người đi vào bên trong sẽ thấy việc trùng tu gần như giữ nguyên gốc, không có gì thay đổi. Công trình này đã thực hiện đúng quy trình trùng tu và nguyên tắc trùng tu di tích, được các chuyên gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Văn hóa của Nhật Bản giám sát rất kỹ. Trong quá trình trùng tu, nếu có ý kiến khác nhau thì phải dừng lại để hội thảo, thảo luận kỹ rồi mới tiếp tục làm.

Ý kiến trái chiều về màu sơn của Chùa Cầu (Hội An) sau trùng tu-6
Khách du lịch hứng thú chụp ảnh tại Chùa Cầu

Công trình này lúc đầu dự kiến trùng tu trong 1 năm nhưng cũng vì thận trọng, cầu thị, mong muốn lắng nghe tất cả ý kiến nên kéo dài đến hơn 1 năm rưỡi mới xong. “Quá trình trùng tu rất thận trọng, cẩn trọng theo đúng quy trình trùng tu. Chúng ta nên đứng trên góc độ chuyên môn để đánh giá công trình. Không có một công trình nào đại trùng tu mà không có một vài thay đổi hết. Quan trọng là những yếu tố nguyên gốc, nguyên bản mình giữ được và đảm bảo cho công trình tính lâu bền”- Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An khẳng định.

Theo VOV

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vov.vn/xa-hoi/y-kien-trai-chieu-ve-mau-son-cua-chua-cau-hoi-an-sau-trung-tu-post1110731.vov?fbclid=IwY2xjawETJ_RleHRuA2FlbQIxMAABHdNM7rg8oWJfg5kSR4Upiq4c5IKkaz96MgF0_OLtxgLTw_4myQlM6dMf1g_aem_v22ujxrj6zllV8eSfi5Sbw

Hội An


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.