Tại sao ăn bông cải xanh giúp chống ung thư?

Sulforaphane, một hợp chất hữu cơ có trong bông cải xanh, chính là “vũ khí” quan trọng giúp chống lại ung thư. Theo bác sĩ di truyền học Trương Gia Minh (Trung Quốc), sulforaphane hoạt động bằng cách kích hoạt con đường chống oxy hóa Nrf2 trong cơ thể. Quá trình này giúp tăng cường khả năng tự sửa chữa của tế bào, đồng thời làm tắt các quá trình viêm nhiễm mãn tính, vốn có liên quan mật thiết đến sự hình thành và phát triển của ung thư.

“Tiếc đứt ruột” với 2 phần giàu chất chống ung thư nhất trên bông cải xanh nhưng hầu như ai cũng vứt bỏ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sulforaphane không chỉ có tác dụng mạnh mẽ trong việc ngăn ngừa ung thư mà còn bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lý khác như gan nhiễm mỡ và tiểu đường. Nghiên cứu công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ vào năm 1997 cho thấy, việc bổ sung sulforaphane vào chế độ ăn hàng ngày có thể làm chậm đáng kể quá trình hình thành các khối u ung thư. Đây là lý do tại sao bông cải xanh trở thành một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống của những người quan tâm đến sức khỏe và phòng chống ung thư.

2 phần giàu chất chống ung thư hơn bông cải nhưng thường bị vứt bỏ

Dù bông cải xanh nổi tiếng với khả năng chống ung thư, nhưng ít ai biết rằng những bộ phận như thân cây và lá lại chứa hàm lượng sulforaphane cao gấp 10 đến 100 lần so với bông cải, hay còn gọi là nụ hoa. Theo bác sĩ Trương Gia Minh, những phần này mới chính là kho báu thực sự của bông cải xanh khi nói đến chất chống ung thư của loại rau này.

Một nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy nồng độ sulforaphane trong mầm và thân non của bông cải xanh cao hơn rất nhiều so với nụ hoa. Điều này cũng đã được thí nghiệm trên chuột về tác động của sulforaphane trong bông cải xanh lên ung thư vú.

Ngoài sulforaphane, thân và lá bông cải xanh còn chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe khác. Tuy nhiên, đa phần mọi người thường chỉ ăn nụ hoa mà bỏ qua thân cây và lá, dẫn đến việc lãng phí một nguồn dinh dưỡng quý giá. Thậm chí, các bộ phận này còn có thể giúp cơ thể chống lại viêm nhiễm và các bệnh lý về gan, tiểu đường, cũng như các bệnh lý liên quan đến thoái hóa thần kinh.

Cách ăn bông cải xanh giữ được nhiều chất chống ung thư nhất

Để tận dụng tối đa lợi ích chống ung thư từ bông cải xanh, bác sĩ Trương Gia Minh nhấn mạnh cần tận dụng cả phần bông cải lẫn thân, lá. Cách đơn giản nhất là trộn lẫn chúng khi chế biến món ăn. Còn nếu không quen và muốn ăn riêng phần bông cải, bạn có thể cắt nhỏ thân và lá để làm salad, nước ép, sinh tố hay nấu súp.

Ông nhấn mạnh, dù với bất cứ phần nào trên bông cải xanh, cũng cần lưu ý không nên nấu ở nhiệt độ quá cao hay nấu quá kỹ. Do làm hao hụt “chất vàng” chống ung thư sulforaphane và một số chất dinh dưỡng khác. Ăn sống hay cách chế biến nhiệt độ thấp, ít dầu mỡ, ít muối được cho là cách tốt nhất để tận dụng loại rau này cho sức khỏe. Đặc biệt, kết hợp tỏi với bông cải xanh là lựa chọn tuyệt vời để tăng cường khả năng chống ung thư.

“Tiếc đứt ruột” với 2 phần giàu chất chống ung thư nhất trên bông cải xanh nhưng hầu như ai cũng vứt bỏ- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ngoài bông cải xanh, bác sĩ Trương Gia Minh cũng đưa ra gợi ý 4 loại rau củ quen thuộc khác có khả năng chống ung thư tốt mà chúng ta nên ăn thường xuyên:

- Cần tây: Chứa apigenin, một flavonoid chống ung thư và viêm.

- Cà rốt: Giàu beta-carotene, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.

- Hành tây: Chứa quercetin, giúp ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư.

- Cà chua: Chứa lycopene, giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể.

Theo Người đưa tin