Tại
một hội thảo mới đây, ông Phạm Xuân Hòe – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách
tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tín dụng tuy nhích tăng hơn so
với 5 tháng đầu năm nay, nhưng 6 tháng qua, dòng tiền các ngân hàng
thương mại tập trung từ 87%-90% đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và tín
phiếu Kho bạc Nhà nước.
Như vậy, có thể thấy lượng tiền đưa ra lớn, nhưng chưa được vào được sản xuất kinh doanh.
Ông
Hòe cũng nhận định, cần phải đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh một
cách tương xứng. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang trong
quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa nên cơ hội tăng tín dụng chưa nhiều.

Ảnh minh họa
Nhìn
vào số liệu thống kê có thể thấy tình hình doanh nghiệp, đặc biệt doanh
nghiệp dân doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khu vực doanh nghiệp FDI
là những điểm sáng, đóng góp lớn cho xuất khẩu, nhưng những doanh nghiệp
này lại chủ yếu huy động vốn từ các ngân hàng nước ngoài và các công ty
mẹ. Các doanh nghiệp FDI tranh thủ tận dụng nguồn vốn giá rẻ từ nước
ngoài, hoặc không loại trừ yếu tố lợi dụng để chuyển giá.
Tính
đến cuối tháng 6, tín dụng ngoại tệ tăng tới 10%, trong khi huy động
tiền gửi ngoại tệ tăng trưởng âm. Cùng thời điểm này của năm trước, tốc
độ tăng tín dụng ngoại tệ âm 16,53%.
Tăng trưởng tín dụng vẫn phải gắn chặt với chất lượng tín dụng
Vấn đề tăng trưởng tín dụng để khôi phục sản xuất kinh doanh hiện vẫn được Chính phủ quan tâm.
Kết
luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ (1/7), về các nhiệm vụ và giải
pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2014, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng yêu tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh
doanh. Trong đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất,
kinh doanh; triển khai các biện pháp hiệu quả khơi thông, thúc đẩy tăng
trưởng tín dụng; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ cho ngư
dân đóng mới, sửa chữa tàu cá.
Tại
cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn
Đồng Tiến cũng thẳng thắn nhìn nhận, tăng trưởng tín dụng đạt được thời
gian qua là tương đối thấp. Trong những tháng tới tình hình của nền kinh
tế còn nhiều khó khăn, do vậy ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung
thực hiện các giải pháp để tăng trưởng tín dụng gắn chặt với việc bảo
đảm chất lượng tín dụng.
Từ
đầu năm tới nay, các chính sách của ngân hàng tập trung vào các lĩnh
vực tín dụng cần ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, công nghệ cao, doanh
nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng thí điểm các mô hình cho vay liên kết trong
sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc tập trung xử lý nợ xấu thông
qua cơ chế của công ty mua bán tài sản được tích cực triển khai và đã
đạt được kết quả bước đầu khả quan. Công việc này sẽ được tiếp tục đẩy
mạnh trong thời gian tới.
Ông
Nguyễn Đồng Tiến nhấn mạnh, để có thể đưa vốn tín dụng ra một cách hiệu
quả, cần phải có sự phối hợp chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách
tài khóa, đầu tư, chính sách đối với doanh nghiệp. Trong đó, đối với
ngành Ngân hàng là chính sách liên quan đến cơ chế bảo đảm tiền vay, xử
lý tài sản…
Theo VnMedia