“21 nghìn đồng/tiết là cả một giấc mơ với giáo viên hợp đồng”

Em dạy ở trường đã gần một năm học do thiếu giáo viên bộ môn. Năm nay giảm lớp, suất hợp đồng ấy sẽ không còn và em trở lại là người thất nghiệp.

Ngày đầu tiên của tháng 8, kỳ họp hội đồng sư phạm đầu năm học ở trường tôi vắng bóng một giáo viên hợp đồng. Em dạy ở trường đã gần một năm học do thiếu giáo viên bộ môn. Năm nay giảm lớp, suất hợp đồng ấy sẽ không còn và em trở lại là người thất nghiệp.

Tình cảnh của em có lẽ cũng là nỗi buồn của bao người đang ấp ủ giấc mơ bục giảng phấn trắng. Khi hè sắp hết cũng là thời điểm nhiều giáo viên hợp đồng lại rơi vào tình cảnh bất an, nơm nớp lo lắng mất chỗ dạy. Dù mức lương ít ỏi và chế độ đãi ngộ eo hẹp, áp lực công việc lớn thế nào đi chăng nữa thì đối với nhiều người được đi dạy đã là hạnh phúc.

Giáo viên hợp đồng lên lớp mỗi tiết 21.000 đồng. Với định biên số tiết ở cấp trung học cơ sở không quá 19 tiết mỗi tuần thì số tiền nhận được mỗi tháng tầm 1.596.000 đồng. Nhưng không phải lúc nào giáo viên hợp đồng cũng được bố trí tối đa số tiết quy định mà thảnh thơi khoảng 16, 17 tiết mỗi tuần. Vậy nên tiền lương mà họ nhận được chưa tới một triệu rưỡi.

Với mức lương ấy, chi tiêu cho bản thân còn khó chứ chưa dám kể đến chuyện nuôi con, đỡ đần bố mẹ. Nhiều người bạn của tôi đi dạy hợp đồng nói vui rằng vẫn còn “ăn bám” phụ huynh bởi lương chỉ đủ ăn sáng, đổ xăng.

Giáo viên hợp đồng ở Gia Lai. (Ảnh: Phạm Hoàng)

Mỗi khi chuyện trò cùng những thầy cô hợp đồng, chúng tôi rụt vai thè lưỡi khi nghe mức lương cực kỳ khiêm tốn. Vậy mà mọi người có tin không, 21 nghìn đồng ấy lại là cả một giấc mơ với bao người. Bởi số lượng hợp đồng giảng dạy ngắn hạn thế chân giáo viên nghỉ hộ sản, lấp chỗ giáo viên nghỉ hưu… vẫn quá ít ỏi so với nguồn cung từ đội ngũ cử nhân sư phạm thất nghiệp. Vậy nên khó khăn lắm nhiều người mới ký được hợp đồng giảng dạy tạm thời và bao người vẫn ấp ủ giấc mơ “trồng người”.

Hôm qua đưa con gái đi chơi ở siêu thị, tôi tình cờ gặp lại cô học trò nhỏ của mình là nhân viên quầy hàng mỹ phẩm. Cô học trò cười tươi chào cô giáo và kể về giấc mơ nghề giáo đầy nuối tiếc của mình. Cô đã đi dạy hợp đồng đươc khoảng một năm tại trường cũ của mình ngày xưa nhưng khi nghỉ sinh con thì bị cắt hợp đồng.

Dù đã tạm bằng lòng với công việc hiện tại nhưng cô học trò cũ của tôi vẫn trăn trở về nghề “gõ đầu trẻ”. Cô khẳng định nếu có cơ hội dạy hợp đồng ở một trường nào đó thì sẽ “nhảy việc”.

Hôm trước đi đăng ký vay tiêu dùng trả góp, khi kê khai nghề nghiệp với nhân viên ngân hàng, tôi bất ngờ với bộc bạch của chị ấy: “Chị cũng học sư phạm nhưng không xin được việc làm phải học thêm bằng kế toán rồi xin vào đây. Em có chỗ dạy là may mắn lắm đó”.

Tôi đùa: “Chị bây giờ lương cao hơn em chứ bộ…”. Chị cắt ngang lời tôi ngậm ngùi: “Nhưng em vẫn được gọi bằng thầy bằng cô, còn chị mãi mãi mơ được như thế…”.

Những câu chuyện buồn về cử nhân sư phạm không xin được việc làm trái nghề nhiều vô cùng.

Phải có tình yêu nghề giáo mới chọn nghề, dốc lòng học mấy năm sư phạm và nuôi dưỡng giấc mơ đứng trên bục giảng, làm bạn với phấn trắng nhưng phải rẽ sang lối khác, đó quả là một nỗi đau.

Càng đau hơn nữa khi vừa chạm tay vào giấc mơ “đưa đò” đã phải thất thểu “mất dạy” vì hợp đồng hết hạn, vì chỗ ấy đã có người thế chân, vì cô này hết thời gian nghỉ sinh, vì trường ấy có biên chế về…

Quyết định “cắt hợp đồng” đôi khi khác gì một “bản án chung thân” đầy khắc nghiệt giam cầm người ta cùng với thiếu thốn, nhọc nhằn, vất vả và nỗi khắc khoải không nguôi về nghề giáo.

Giữa lúc ngành giáo dục đang quyết liệt thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, thỉnh thoảng chúng tôi lại nhận được tin tỉnh này cắt hợp đồng, tỉnh kia chấm dứt hợp đồng với hàng chục, hàng trăm giáo viên. Nỗi buồn, sự lo lắng lại dâng cao trong lòng mỗi người thầy.

Bởi vậy, mong rằng mỗi quyết định tuyển dụng, ký kết hợp đồng giảng dạy hay cắt hợp đồng đều phải cẩn trọng, bởi nó dính dáng đều số phận của nhiều con người, nhiều gia đình.


Theo Dân Trí


nghề giáo viên

lương giáo viên

giáo viên hợp đồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.