- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Bà giáo già 74 tuổi mở lớp học cho những đứa trẻ đặc biệt được bầu bạn với nhau
Đều đặn mỗi sáng từ thứ 2 đến thứ 6, "lớp học linh hoạt" của bà giáo Nguyễn Thị Côi (74 tuổi - Hà Nội) lại rộn ràng tiếng lũ trẻ đánh vần và học chữ.
Đúng 8h30 mỗi sáng, bà giáo già chậm rãi bước vào lớp học nhỏ nằm bên trong nhà văn hóa của xóm. Hơn 20 năm nay, người dân ở phường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã quá quen thuộc với hình ảnh bà giáo bên cạnh những đứa trẻ đặc biệt trong "lớp học linh hoạt". Bà là nhà giáo Nguyễn Thị Côi. Dù năm nay đã ngoài 74 tuổi nhưng bà vẫn còn nặng tình với sự nghiệp dạy chữ cho lũ trò nhỏ lắm.
"Lớp học linh hoạt" nơi những đứa trẻ đặc biệt bầu bạn với nhau
Những em nhỏ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... đều đặn mỗi ngày được gửi đến lớp học đặc biệt. Thông thường cứ 8h là lũ nhỏ có mặt, sắp xếp sách vở, ngồi trật tự vào chỗ ngồi được quy định sẵn để chờ cô giáo tới. Đúng 8h30, bà Côi bước vào, cả lớp đồng nhất đứng lên hô to rõ ràng: "Chúng con chào cô ạ!". Và buổi học cứ thế bắt đầu sau lời chào đầy tình cảm của đám học sinh dành cho bà giáo già...
Lớp học nhỏ của cô trò bà Côi.
Trước đây bà Côi là hiệu trường trường tiểu học Hoàng Văn Thụ. Sau này phòng công tác xã hội tìm giáo viên về dạy cho những trẻ em lang thang cơ nhỡ của các tỉnh, trường Hoàng Văn Thụ khi đó không có giáo viên nào tình nguyện. Chấp nhận bước vào một hành trình giảng dạy có lẽ là gian nan hơn nhiều, cô giáo Côi lúc đó đã xung phong tham gia vào dự án ý nghĩa này.
"Cô bắt đầu dạy các em nhỏ đặc biệt từ năm 1995 đến bây giờ. Trước cũng từng thay đổi nhiều địa điểm, đầu tiên là ở ngõ 175 Bạch Mai, sau thì ở những khu nhà trọ hay trụ sở ủy ban xã, nhà tình thương. Chỉ cần có phòng học là cô tiếp tục tìm các em điều kiện khó khăn, trẻ em đường phố, bệnh tật đưa về dạy con chữ, con số", bà Côi chia sẻ.
Có những người mẹ sẽ chờ con mình vào lớp ổn định rồi mới quay bước ra về.
Lớp học linh hoạt đến nay có 22 em đủ mọi lứa tuổi và hoàn cảnh. Em lớn nhất năm nay cũng đã 33, 34 tuổi, em nhỏ nhất mới lên 6. Mỗi ngày đến lớp, "cô giáo" Côi sẽ điểm danh để đảm bảo không có em nào vắng mặt không lý do. Nếu có trường hợp nào nghỉ học bà sẽ gọi điện báo ngay cho gia đình biết vì lũ nhỏ thay vì đến lớp có thể đang lang thang nơi nào đó.
"Có em đã từng bỏ nhà theo hàng xóm đi Quảng Bình cả tháng trời. Lúc đó cô lo lắm, gọi ngay bà ngoại bé vào tận đó đón về. Những hôm mà em nào bỏ học xuống bến xe Nước Ngầm chơi là cô cho các em học sinh khác đi tìm gọi về ngay".
Bà giáo già ân cần bên lũ học trò nhỏ.
Lớp học của cô giáo Côi cũng có thời khóa biểu và lịch phân công trực nhật như các lớp học bình thường khác. Không ai ganh tỵ hay chây lười vì tên mỗi đứa đã được ghi sẵn ở mỗi buổi học, cứ thế các em thay phiên nhau quét dọn lớp học sạch sẽ mỗi ngày. Bữa nay học tập viết thì hôm sau học tính toán, bà giáo sẽ kèm cặp riêng từng em từ việc cơ bản nhất là đánh vần đến nắn nót đồ từng con chữ. Nhìn cảnh "người thầy" ngoài 70 ân cần cầm tay đưa nét cho các em học sinh, có cái gì đó xúc động và đáng trân trọng lắm!
Để lớp học có thể "đầy đủ" như hiện tại, bà giáo già đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và trở ngại. Hàng tháng bà có khoản tiền trợ cấp, ngoài 1 triệu rưỡi tiền xe ôm đi lại thì còn đâu dành để mua sách vở cho lũ nhỏ. Có những lần bà còn trích tiền túi của mình ra để giúp các em có đầy đủ bút vở như những đứa bạn khác.
"Nếu giờ bỏ lớp thì bọn trẻ bất hạnh quá. Chúng đã không được như những bạn bè cùng trang lứa khác nay lại không được cắp sách đến trường. Tụi nhỏ đến với cô, cô không chỉ dạy chữ mà còn cả cách sống, lao động để các em tự làm, phụ giúp cha mẹ được phần nào hay phần đó".
Khó khăn là thế nhưng bà Côi vẫn không giấu nổi niềm vui khi tự hào chia sẻ "lớp học linh hoạt" đã có 2 em học sinh đỗ đại học. Học sinh cứ khóa này đến rồi lại đi, em nào học tốt sẽ chuyển lên trung tâm giáo dục thường xuyên để được tiếp cận với môi trường mới. Giờ tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có con em "đặc biệt" đều gửi gắm một tay bà giáo Côi dạy dỗ.
Mỗi học trò một hoàn cảnh, nhưng chung quy lại đều rất đáng thương!
Em Duy Anh năm nay 11 tuổi, bố mẹ bỏ nhau nên em ở với bà ngoại. Sáng em đi học ở lớp học bà giáo Côi, tối lại quét rác kiếm tiền mưu sinh hàng ngày. Giờ người mẹ lấy chồng tận Yên Bái, có mái ấm riêng nên cũng không còn quan tâm hay chăm sóc em nữa. Duy Anh được bà Côi nhận xét là đứa trẻ thông minh, theo học được 1 năm và đến nay đã biết đọc, biết viết thành thạo.
Lũ học trò nhỏ của lớp học linh hoạt.
Lớp trưởng của "lớp học linh hoạt" tên Tùng (23 tuổi). Dù đã là người trưởng thành nhưng con người và tâm hồn của Tùng vẫn như một học sinh tiểu học. Em bị thiểu năng trí tuệ, học lúc nhớ lúc quên nhưng được các bạn yêu quý bầu làm "đại ca" của lớp. Hoàn cảnh của Tùng rất đáng thương khi mẹ không may qua đời khi em còn nhỏ, bố thì bỏ rơi em. Tùng ở với bà ngoại gần 80 tuổi, hai bà cháu rau cháo nuôi nhau qua ngày. Bà Côi kể nhiều khi trong lớp Tùng hay ngã ra lớp co giật hơn 1 tiếng. Lúc này bà sẽ bình tĩnh xử lý, sơ cứu và sau đó gọi xe cấp cứu đưa em đến bệnh viện. Gần đây nhất lớp trưởng đã nằm viện nửa tháng trời trước khi quay lại với lớp.
Trong lớp có em tên Việt. Bố không may qua đời sớm, Việt sống với mẹ và được nuông chiều nên lắm khi bỏ học đi theo lũ bạn ở chợ chơi bời. Có lần cậu học sinh cắt và nhuộm tóc như bà Côi miêu tả là trông như "xã hội đen" khiến bà bực quá mắng: "Lớp này không có học sinh như thế!". Nhưng rồi thương học trò, bà giáo ngồi lại phân tích cho em hiểu không được chơi với mấy bạn chơi bời ở chợ, đi học phải nghiêm chỉnh. Dần dần Việt đã có thể tập trung học viết và tính toán thành thạo như các bạn khác trong lớp.
Có hai em nhỏ tuổi nhất lớp tuy điều kiện gia đình không quá khó khăn nhưng lại không nói được, lắm khi chỉ ú ớ chỉ tay và hét lên bất chợt giữa lớp. Những lúc muốn giao tiếp với ai khác, 2 đứa chỉ có thể vỗ vỗ vào người đó hoặc đứng nhảy nhót để thu hút sự chú ý. Học viết không khó khăn nhưng thỉnh thoảng các em còn lười viết khiến bà giáo hơi buồn phiền.
Những con điểm 9, 10 không chỉ là niềm vui của trò mà còn là sự hạnh phúc của bà giáo già.
Không thể kể hết hoàn cảnh của tất cả 22 em học sinh trong "lớp học linh hoạt" nhưng chung quy lại mỗi đứa trẻ là một niềm trăn trở của bà giáo già. Khi được hỏi về ước mong hiện tại, bà Côi tâm sự giờ chỉ mong ông trời cho sức khỏe để đứng lớp được ngày nào hay ngày đó... Dù các em có đôi lúc bướng bỉnh nhưng bằng tình thương bà vẫn kiên nhẫn "mài dũa", rèn luyện lũ trẻ mỗi ngày.
Chia tay lớp học, tôi vẫn tin những nét chữ nét người mà ngày hôm nay bà giáo Côi dạy sẽ giúp các em có cuộc đời ý nghĩa hơn. Hơn hết cả, lũ trẻ sẽ mãi nhớ về một "bà tiên" luôn cặm cụi mỗi ngày tới lớp, cho đi những thương yêu mà chẳng mong được nhận về...
-
Tin giáo dục09/02/2020Ghi nhận đến chiều ngày 8/2, trên cả nước đã có 63 tỉnh, thành thông báo cho học sinh các cấp được nghỉ thêm 1 tuần nữa để phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
-
Tin giáo dục07/02/2020Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt tờ trình của Sở GD&ĐT Hà Nội, theo đó học sinh các cấp sẽ được nghỉ tới hết ngày 16/2 để phòng dịch do virus corona gây ra.
-
Tin giáo dục07/02/2020Tính đến 15h ngày 7/2 đã có 35 tỉnh/thành phố kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh thêm để phòng, chống dịch bệnh nCoV.
-
Tin giáo dục07/02/2020Học sinh các cấp tại Hà Nội có thể được nghỉ tiếp 1 tuần nữa và đến 17/2 sẽ quay trở lại trường học.
-
Tin giáo dục06/02/2020Chiều 6/2, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết học sinh trên địa bàn thành phố nghỉ đến ngày 16/2.
-
Tin giáo dục06/02/2020So với kế hoạch ban đầu, các trường đại học đã lùi lịch học lại 2 tuần và dự kiến sinh viên quay trở lại trường vào ngày 17/2.
-
Tin giáo dục06/02/2020Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị cho toàn bộ học sinh thành phố nghỉ đến ngày 16/2 để phòng chống dịch nCoV.
-
Tin giáo dục06/02/2020Tỉnh Quảng Ngãi cho học sinh nghỉ đến ngày 16/2. Đây là tỉnh đầu tiên kéo dài lịch nghỉ cho học sinh thêm một tuần.