Kết thúc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội cũng là lúc 33 cán bộ làm công tác in sao đề thi tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được bước chân ra khỏi căn phòng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong 14 ngày qua.
Tràng pháo tay vang lên rộn ràng khi đại diện ban lãnh đạo nhà trường bước vào hội trường để chúc mừng các thầy cô đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng.
Việc đầu tiên mà các thầy cô trong căn phòng này sẽ làm khi bước chân ra ngoài là tìm chiếc điện thoại để kiểm tra email, tin nhắn.
Thầy Đinh Văn Phong – Phó hiệu trưởng nhà trường, trưởng ban chỉ đạo in sao đề năm nay chia sẻ: “Trước khi vào phòng, tôi đã gửi điện thoại cho phòng hành chính và nhờ cứ 3 ngày lại sạc pin một lần. Việc đầu tiên phải làm là kiểm tra email, tin nhắn sau 2 tuần biến mất”.
Thầy Phong cho biết, trong những ngày in sao đầu tiên, các cán bộ gần như phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối.
“Ai ở trong mới biết. Tiến độ làm việc phải cực kỳ khẩn trương nhưng cũng hết sức cẩn thận, không được phép sai sót. Công việc không có gì căng thẳng, nhưng khá nhàm chán, ví dụ như cứ phải ngồi một chỗ dập ghim liên tục. Tôi được phân công công việc đỡ nhàm chán nhất là động viên tinh thần anh em, bao quát tiến độ công việc” – thầy Phong nói đùa.
Chính vì công suất làm việc rất khẩn trương nên các thầy cô trong phòng đều chọn phương án ăn mặc sao cho gọn gàng, thoải mái nhất. “Trang phục phổ biến nhất của anh em là quần soóc, áo phông” – thầy Phong chia sẻ.
14 ngày trong phòng cách ly - trang phục, đồ dùng cá nhân mà các cán bộ mang theo giống như một chuyến du lịch
Phòng in sao đề là một hội trường rộng, có khu vực nhà tắm, nhà vệ sinh riêng và nằm khép kín trong hội trường. Ban ngày, các cán bộ làm việc. Tối đến, hội trường được phân ra 2 khu vực ngủ riêng dành cho nam và nữ.
Tất cả các hoạt động ăn, ngủ, nghỉ của 33 cán bộ đều diễn ra trong hội trường này. Tính cả “vùng lõi” và các vòng ngoài, tổng số cán bộ phục vụ công tác in sao, giám sát, bảo vệ, phục vụ là khoảng 100 người.
33 cán bộ “vùng lõi” không được phép bước chân ra khỏi phòng trong bất cứ trường hợp nào, trừ khi phải cấp cứu vì vấn đề sức khỏe. Nếu có trường hợp phải đi cấp cứu, các cán bộ công an sẽ được cử đến túc trực ở bệnh viện 24/24.
Khu vực ngủ nghỉ dành riêng cho cán bộ nữ
Đến giờ ăn, thức ăn được đội phục vụ ở các vòng ngoài đưa vào. Ăn xong, chỉ có bát đĩa và thức ăn thừa được đưa ra. Toàn bộ những rác thải như giấy ăn, hộp sữa cũng phải để lại thùng rác lưu trữ trong suốt 14 ngày làm việc của cán bộ.
Những thiết bị phát một chiều như tivi, sách báo cũng được phép mang vào khu vực cách ly để phục vụ nhu cầu giải trí của các thầy cô.
Theo quan sát của phóng viên, một chiếc tivi được đặt ở phía đầu hội trường, đi kèm là lịch thi đấu World Cup dán ở cửa ra vào. Các thầy cô trong này chia sẻ, vẫn tranh thủ giờ nghỉ ngơi để xem World Cup và các chương trình giải trí khác.
Tất cả rác thải đều được lưu trữ trong thùng rác 14 ngày trừ thức ăn thừa
Không có bất cứ thứ gì được mang ra khỏi phòng in sao đề thi
Thầy Phong cho biết, sau khi công tác in sao đề hoàn thành, các thầy cô tổ chức các hoạt động vui vẻ như thi hát, đánh bài, các hoạt động văn hóa đúng với tinh thần của Bách khoa.
“Có một điểm mà chúng tôi sẽ phải rút kinh nghiệm trong các năm sau, đó là phòng hơi kín quá. Mặc dù có điều hòa mát mẻ nhưng không khí hơi bí. Những năm sau có lẽ cần phải có phương án thông gió” – thầy Phong nói.
Một cán bộ khác trong phòng in sao đề cho biết, tâm lý vui sướng khi được ra ngoài sau 14 ngày hoàn toàn cách ly là có thật. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất vẫn là năm nay, 33 cán bộ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sai sót xảy ra rất ít.
“Nhà trường đã tạo điều kiện hết sức về cơ sở vật chất, phục vụ việc ăn ngủ nghỉ của cán bộ. Ngoài 3 bữa chính, những hôm nào làm đêm đều có đồ ăn nhẹ. Giữa giờ nghỉ có các món ăn vặt như sữa chua, chè. Các món đủ chất, đủ lượng, thay đổi thường xuyên, hài hòa. Ăn xong, ngoài bát đĩa và thức ăn thừa thì không có gì được chuyển ra ngoài” – cán bộ này chia sẻ.
Một nữ cán bộ từng nhiều năm phục vụ công tác in sao đề cho biết, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác in sao đề của trường ngày một tốt hơn, giảm nhẹ sự căng thẳng, bất tiện của các cán bộ khi phải ở trong phòng thi tới 14 ngày.
Khu vực tắm, nhà vệ sinh được thiết kế ở cuối hội trường
Vật dụng cá nhân được chuẩn bị cho các cán bộ
PGS. Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho hay, năm nay Bách khoa phụ trách in sao đề cho 25 điểm thi – chiếm gần 1/5 số điểm thi của Hà Nội.
Từ ngày 14/6, các cán bộ đã bắt đầu bước vào phòng cách ly để làm công việc của mình.
Ước tính số đề thi mà các cán bộ phải in sao là khoảng 600 nghìn đề thi, mỗi đề dài 3-5 tờ A4. Để phục vụ công tác này, nhà trường phải sử dụng loại máy in chuyên dụng tốc độ cao. Tính cả máy dự phòng, có khoảng 8-9 chiếc được bố trí trong phòng, có khả năng sản xuất với tốc độ 120-130 tờ/ phút.
“Với tốc độ của máy, đề thi được lao ra như tên bắn. Người đứng máy phải khá chuyên nghiệp và có kinh nghiệm mới phụ trách được khâu này” – ông Tớp cho biết.
Giấy thi cũng được nhà trường sử dụng loại giấy chất lượng tốt hơn giấy thông thường, nếu không đưa vào máy sẽ bị kẹt. “Giấy thông thường chỉ có 70gram/m2. Riêng giấy làm đề phải là loại 80gram/m2. Ước tính, lượng giấy dùng cho in sao đề ở Bách khoa khoảng 4 tấn giấy”.
“Nếu các bạn chứng kiến sẽ thấy ‘choáng’ luôn với sự chuyên nghiệp của cả dây chuyền. Mỗi bộ phận chỉ làm một mã đề để tránh nhầm lẫn. Mỗi khâu đều có bộ phận kiểm tra lại. Sau khi chia đề xong phải sắp xếp theo đúng thứ tự từng mã đề trong một phòng thi vì thí sinh làm bài thi tổ hợp 3 môn đều phải cùng một mã đề. Sau đó là công tác đóng gói và phân theo điểm thi. Toàn bộ quy trình đòi hỏi sự công phu và đặc biệt cẩn thận” – ông Tớp chia sẻ.
Trước khi các cán bộ ra khỏi phòng cách ly, ban in sao đề của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã lập biên bản trả lại đề thi dự phòng cho Sở GD&ĐT Hà Nội.
Biển cấm vào từ vòng ngoài khu vực in sao đề thi
Biển cấm ở khu vực vòng trong
Tất cả các cánh cửa đều được niêm phong
8-9 chiếc máy in siêu tốc được trang bị để phục vụ công tác in sao đề ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
Văn phòng phẩm và giấy in sao còn thừa
Cánh cửa trong khu vực vệ sinh
Hệ thống điện ở đây cũng được trang bị đặc biệt đề phòng trường hợp mất điện
Đệm dùng để trải dưới sàn làm giường cho các cán bộ
Những chiếc móc quần áo được thu gọn lại sau khi nhiệm vụ đã hoàn thành
Những lọ gia vị, trà nước phục vụ nhu cầu ăn uống của cán bộ
Thiết bị y tế đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra
Tất cả được di chuyển ra ngoài khi ngày làm việc cuối cùng kết thúc
Những hòm đựng văn phòng phẩm cũng được đưa ra ngoài
Cán bộ phòng in sao bàn giao lại số đề thi thừa
Đề thi thừa được chuyển trả lại Sở GD-ĐT Hà Nội
Nữ cán bộ vui mừng khi được bước chân ra ngoài sau 14 ngày cách ly
Các thầy cô đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng
Theo VietNamNet