Cha mẹ tăng ca đêm, con ngủ trong nhà trẻ

Nhiều nhóm trẻ gia đình đã được tập huấn để trông trẻ sau giờ hành chính, để các lao động nhập cư không phải gửi con về quê.

Nhiều nhóm trẻ gia đình đã được tập huấn để trông trẻ sau giờ hành chính, để các lao động nhập cư không phải gửi con về quê.

Sắp đến tết, tình trạng công nhân tăng ca nhiều hơn. Các nhóm trẻ gia đình được tập huấn bài bản về kỹ năng nuôi trẻ đã đỡ đần cho các phụ huynh yên tâm tăng ca.

Anh Nguyễn Quang Huân (25 tuổi, quê Kiên Giang) đang làm công nhân một cơ sở gỗ ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM. Vợ anh cũng làm công nhân. Hai vợ chồng anh có một con gái 20 tháng tuổi. Từ khi có con, vợ anh phải nghỉ làm để chăm con. Cách đây hai tháng, anh biết đến nhóm trẻ gia đình của bà Nguyễn Thị Ngọc Thu ở khu phố 7. Ở đây, tất cả cháu nhỏ đều là con em của công nhân, giá cả hợp túi tiền nên anh đã gửi con vào đó.

Anh Huân nói: “Nếu không có chỗ gửi trẻ quá giờ, chắc vợ chồng tôi phải gửi con về quê. Giờ thì vợ chồng tôi yên tâm đi làm, tăng ca cũng không sao vì ở đây phụ huynh đón giờ nào cũng được”.

Cha mẹ tăng ca đêm, con ngủ trong nhà trẻ

Nửa đêm, cha mẹ mới bồng con về  

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu cho biết bà nhận giữ trẻ tại nhà đã bảy năm qua. Có thời gian việc trông trẻ bị gián đoạn vì gặp một số khó khăn nhưng nhiều công nhân vẫn tìm đến bà nhờ giữ trẻ.

Hội Phụ nữ phường đề nghị cho bà vay vốn 20 triệu đồng để nâng cấp cơ sở vật chất và hỗ trợ bà đi học lớp sơ cấp nghề bảo mẫu. Sau đó, bà nhận giữ trẻ trở lại. Sau bữa tối hằng ngày, có vài em bé ngủ tới nửa đêm mới được cha mẹ đến bồng về.


Nhóm trẻ gia đình tại nhà bà Phạm Thị Hoa, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: H.MINH

Chị Bùi Thị Khải (33 tuổi, quê Thái Bình) đang làm cho một phòng nha ở phường Tân Tạo A. Chồng chị làm ngành xây dựng, thường về nhà muộn, có khi đi làm vài ngày mới về. Công việc của chị có hôm 9-10 giờ tối mới kết thúc nên thường đón con muộn. Chị cho biết: “Từ khi bé Chíp được hai tháng tuổi, tôi đã phải gửi con để đi làm ở Bình Chánh. Nếu không tìm được chỗ yên tâm gửi con quá giờ, tôi phải nhờ cậy ông bà hoặc phải nghỉ việc”.

Chị Khải gửi con ở nhóm trẻ gia đình của bà Phạm Thị Hoa. Nhóm trẻ này hiện có 17 em nhỏ, trong đó có những em chỉ mới 6-7 tháng tuổi.

Bà Phạm Thị Hoa cho biết: “Khi tôi trình bày ý định nâng cấp nhóm trẻ thành cơ sở mầm non tư thục, Hội Phụ nữ và ủy ban phường ủng hộ và hướng dẫn tận tình. Hằng năm Hội Phụ nữ mời đi tập huấn nhiều lần. Hội cũng giúp tôi đi học lớp sơ cấp nghề bảo mẫu”.

Hỗ trợ học lấy bằng trung cấp bảo mẫu

Chị Nguyễn Thị Xem, Chủ tịch phường Tân Tạo A, cho biết có khoảng 70% cư dân trên địa bàn phường là lao động nhập cư, nhu cầu gửi con là rất lớn. Trên địa bàn đã có nhiều trường mầm non công lập và tư thục nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Chị nói: “Các nhóm trẻ gia đình giải quyết được bài toán khó của công nhân là thời gian linh hoạt và nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi trong khi các trường mầm non không thể đáp ứng được”.

Hội Phụ nữ quận đã hỗ trợ các chị em học các lớp sơ cấp nghề bảo mẫu, được các trường trung cấp nghề đào tạo và cấp bằng. Ngoài ra, hội thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên đề về cách chăm sóc trẻ em, cân đối dinh dưỡng, bảo vệ quyền trẻ em... Những hỗ trợ này nhằm giúp các chị có kiến thức vững vàng trong nuôi dạy trẻ.

Hội Liên hiệp Phụ nữ TP phân bổ nguồn vốn cho các chị vay nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất. Lần đầu được vay 30 triệu đồng, nếu hoàn vốn tốt sẽ được vay tiếp 50 triệu đồng. Đến nay quận đã có 88 nhóm trẻ gia đình và năm câu lạc bộ, giúp công nhân và lao động nhập cư có chỗ gửi con an toàn. Quận Bình Tân được Thành hội chọn làm điểm từ tháng 8-2013, các nhóm trẻ này được hỗ trợ và kiểm tra thường xuyên, đến nay chưa xảy ra bất cứ sự cố nào trong công tác nuôi dạy trẻ ở các cơ sở này

Theo Pháp luật TP.HCM


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.