Chuyên gia: Không để sữa học đường bị trục lợi từ cú 'bắt tay gầm bàn'

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sữa học đường sẽ là chương trình tốt nếu việc tổ chức được thực hiện thông qua đấu thầu công khai, minh bạch,...

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sữa học đường sẽ là chương trình tốt nếu việc tổ chức được thực hiện thông qua đấu thầu công khai, minh bạch và không có những cú bắt tay dưới gầm bàn nhằm trục lợi từ các phía.

Chuyên gia: Không để sữa học đường bị trục lợi từ cú bắt tay gầm bàn-1Theo các chuyên gia, cần thực hiện đấu thầu công khai để tránh việc bắt tay trục lợi từ chương trình sữa học đường

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đến nay đã có 11 đơn vị đăng ký tham gia đấu thầu dự án Sữa học đường của Hà Nội. Để tạo điều kiện cho đông đảo nhà thầu tham gia, sở sẽ kéo dài thời hạn đấu thầu dự án Sữa học đường đến ngày 10/10, thay vì 1/10 như công bố trước đó.

Theo thông tin được công bố, toàn bộ hồ sơ sau khi đóng thầu sẽ được đánh giá, thẩm định, chấm thầu bởi một đơn vị tư vấn độc lập do Hà Nội thuê ngoài. Sau khi đóng thầu 20-30 ngày, sẽ công bố đơn vị trúng thầu.

“Việc kéo dài thời hạn cũng là để các đơn vị có thêm thời gian chuẩn bị hồ sơ đấu thầu", ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói.

Chương trình sữa học đường với vốn đầu tư nghìn tỷ từ ngân sách là chủ đề hot của các phương tiện truyền thông và cũng thu hút được nhiều sự quan tâm trên các diễn đàn mạng xã hội những ngày qua.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế, PGS TS Ngô Trí Long cho rằng, sữa học đường là chương trình tốt nhưng việc thực hiện cần thận trọng. Do có một nguồn tiền lớn từ ngân sách sẽ được dùng để hỗ trợ chương trình vì thế việc sử dụng nguồn vốn này thế nào và đối tượng nào được hưởng lợi là vấn đề cần làm rõ.

“Với chương trình này, nhất thiết phải cho đấu thầu công khai giữa các nhà cung cấp. Thực tế ở các nước, đấu thầu là hình thức cạnh tranh và mang lại hiệu quả cao nhất. Với chương trình lớn như sữa học đường, sẽ có nhiều nhà cung cấp muốn lobby, móc nối với đơn vị đứng ra tổ chức chương trình để giành được hợp đồng. Để hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra với chương trình sữa học đường, mất lòng tin của hàng triệu gia đình, việc đấu thầu phải thực hiện công khai, đúng trình tự của các quy định pháp luật”, ông Long đề xuất.

Cũng theo ông Long, để tránh việc đấu thầu hình thức, tránh tình trạng nhà cung cấp sữa “luồn cửa sau” hay “bắt tay dưới gầm bàn” với đơn vị tổ chức chương trình, toàn bộ quy trình đấu thầu hoàn toàn phải thực hiện công khai, và có sự giám sát của các cơ quan chức năng và báo chí trong tất cả các khâu. Còn nếu không sẽ là một chương trình để lại nhiều điều tiếng.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại Học Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng, việc triển khai chương trình sữa học đường nên được khuyến khích nhưng phải cân nhắc đến các yếu tố khu vực, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi và đối tượng hộ nghèo.

Theo ông Thịnh, với một đề án lớn và liên quan đến sức khỏe của trẻ em, việc triển khai phải hết sức chuẩn chỉ và quan trọng nhất là việc đấu thầu đưa sữa vào học đường cần phải làm công khai, minh bạch. Quá trình đấu thầu phải cho nhiều doanh nghiệp tham gia, doanh nghiệp trúng thầu phải là doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp nhất, nhưng phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về kỹ thuật cũng như về mặt dinh dưỡng mà Bộ Y tế quy định.

Cùng với việc minh bạch trong đấu thầu về giá để chọn lựa doanh nghiệp cung cấp sữa, doanh nghiệp trúng thầu cũng cần phải có năng lực đáp ứng cung ứng cho số lượng lớn trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường. Việc giám sát chất lượng sữa cung cấp cho cả triệu học sinh mỗi ngày cũng phải được thực hiện nghiêm thông qua việc định kỳ lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra và đảm bảo về hạn sử dụng cũng như chất lượng sữa.

Theo các chuyên gia, thực tế đã có chương trình sữa học đường tại Đồng Nai mà nhà cung cấp là Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương (Nutifood) là đơn vị trúng thầu có giá cao hơn cả giá bán trên thị trường.

Chị Nguyễn Thanh Thúy, có con đang học lớp hai tại một trường công tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, với mỗi đứa trẻ ở Hà Nội, việc uống sữa sẽ được hầu hết các gia đình đặc biệt quan tâm vì liên quan đến dinh dưỡng và sức khỏe. Nhiều gia đình đã mua sữa nhập ngoại cho con sử dụng. Cùng đó, mỗi đứa trẻ sẽ có khẩu vị riêng với từng loại sữa phù hợp. Nếu giờ bắt trẻ đi học hàng ngày uống sữa không hợp khẩu vị, có nhiều đường hơn loại sữa con tôi đang uống hàng ngày thì sẽ bất cập, chưa kể sẽ khiến trẻ béo phì”, chị Thúy nói.

Cùng theo vị phụ huynh này, để chương trình sữa học đường có ý nghĩa và chất lượng, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra đột xuất chất lượng sữa tại các trường học. Về phía gia đình, khi trẻ uống sữa xong, sẽ cầm vỏ hộp sữa về nhà để gia đình biết con mình không bị uống sữa cận date (sữa sắp hết hạn sử dụng) hoặc không đảm bảo chất lượng. Cùng đó có thể biết trẻ đang được uống sữa tươi hay sữa hoàn nguyên đóng hộp. "Cũng có thể cho phép nhiều đơn vị trúng thầu để cung cấp nhiều loại sữa phù hợp theo đúng nhu cầu, khẩu vị uống của trẻ", chị Thúy đề xuất.

Chương trình Sữa học đường được HĐND thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết từ ngày 5/7/2018 nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Theo đó, trẻ sẽ uống sữa tươi tiệt trùng, có hoặc không đường, được Hà Nội đặt hàng làm riêng. Sữa bổ sung một số vi lượng, khoáng chất, không bán trên thị trường và có tem mác riêng. Đơn vị xây dựng tiêu chuẩn vi chất để bổ sung vào sữa cho học sinh Hà Nội là Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Mỗi trẻ mẫu giáo, tiểu học khi tham gia dự án sẽ được uống sữa 5 lần/tuần (mỗi ngày đến trường uống một lần), mỗi lần một hộp 180 ml. Việc này được duy trì suốt 9 tháng đến trường trong mỗi năm học của các em. Mức đóng góp cho chương trình sữa học đường là ngân sách 30%, doanh nghiệp hỗ trợ 20% và phụ huynh góp 50%. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 tỷ đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng.

Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.

Theo Tiền Phong


sữa học đường

sữa tươi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.