Chuyện ít biết về gia cảnh học sinh trả 40 triệu đồng cho người mất

Người dân ở ấp Thạnh Điền xúc động và dành nhiều lời khen cho ba cậu bé vì có hành động cao đẹp, nhặt được của rơi trả lại người bị mất.

Người dân ở ấp Thạnh Điền xúc động và dành nhiều lời khen cho ba cậu bé vì có hành động cao đẹp, nhặt được của rơi trả lại người bị mất.

nam sinh
Em Đỗ Thanh Bằng.

Mấy ngày qua, người dân ở ấp Thạnh Điền, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) rất xúc động và dành nhiều lời khen dành cho ba cậu bé ở địa phương với hành động cao đẹp, nhặt được của rơi, trả người đánh mất. Đó là các em Đỗ Thanh Bằng (lớp 10A8 trường THPT Trần Văn Bảy), Trần Thanh Mới và em Lê Nhĩ Khang (cùng ngụ tại ấp Thạnh Điền, thị trấn Phú Lộc).

“Tối mùng 4 Tết (ngày 19/2), trong lúc đi chơi Tết, bọn em thấy một cái ví ở gần bến xe huyện Thạnh Trị. Mở ra, bọn em thấy trong ví có nhiều tiền nên bàn nhau mang đến trụ sở Công an huyện trình báo và nhờ các chú tìm trả lại cho người bị mất. Khi trả được tài sản, tụi em mừng muốn khóc”, em Trần Thanh Mới kể lại.

Thượng tá Trần Văn Khởi, Trưởng Công an huyện Thạnh Trị cho biết: “Khi các em mang ví đến trình báo, chúng tôi tiến hành kiểm tra và thấy trong ví có hơn 40,6 triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân mang tên bà Dương Ngọc Diễm ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang). Sau đó, lực lượng công an đã thông báo trên loa phóng thanh tìm bà Dương Ngọc Diễm. Sau khi tìm được bà Diễm, chúng tôi bàn giao toàn bộ tài sản, giấy tờ cho bà. Thời điểm đó, bà Diễm xúc động lắm bởi trước đó, bà nghĩ không thể tìm lại được tài sản của mình”.

nam sinh
Trần Thanh Mới (trái) và Lê Nhĩ Khang.

"Em và các bạn đều rất vui khi trả được chiếc ví cho người đánh rơi. Khi mình mất 50.000 đồng còn thấy xót, huống chi người khác bị mất 40-50 triệu đồng, lại mất đúng vào dịp năm mới chắc chắn họ buồn nhiều lắm. Vì vậy tụi em tìm cách trả lại cho họ”, em Đỗ Thanh Bằng cho biết.

Trong khi đó, Lê Nhĩ Khang kể với giọng rất hồn nhiên: “Khi mở ví ra thấy nhiều tiền, em nghĩ người đánh rơi chắc chắn sẽ buồn lắm, chạy đi tìm lại ngay. Thế nên tụi em phải nhờ các chú công an giúp họ. Lúc đó, em còn nghĩ số tiền đó có khi người ta dùng để chữa bệnh cho người thân hay có việc gì gấp nên mới mang nhiều trong ngày tết. Mất tiền đầu năm chắc người ta đau khổ lắm".

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Điền, cho biết: Bằng, Mới và Khang là anh em họ. Cả ba em đều có hoàn cảnh khá khó khăn. Vì hoàn cảnh riêng của gia đình, Bằng ở với cô ruột từ năm lên hai tuổi. Còn gia đình của Mới và Khang đều thuộc hộ cận nghèo. Cũng vì nghèo mà hai em phải nghỉ học để phụ giúp gia đình kiếm sống.

Anh Lê Thanh Sơn (43 tuổi, cha ruột Lê Nhĩ Khang) cho biết: "Nhà nghèo, chỉ có hai công ruộng nên gia đình vay tiền ngân hàng mua trâu về nuôi để cày bừa và kéo lúa thuê cho hàng xóm. Hàng ngày, mẹ Khang đi giúp việc nhà ở chợ Phú Lộc, còn cha làm hồ. Hiện tại, chị gái lớn của Khang đã học xong chuyên ngành điều dưỡng nhưng chưa xin được việc làm. Còn anh trai và chị gái kế Khang cũng nghỉ học từ lâu đi làm thuê sinh sống. Căn nhà của gia đình Khang trước đây là nhà tình thương do chính quyền cấp. Do nhà đã xuống cấp nên anh em cho mượn tiền xây lại.

“Gia đình khó khăn quá nên Khang nghỉ học để chăn trâu. Vợ chồng tôi nhiều lần động viên con đi học lại nhưng cháu chưa chịu”.

nam sinh
Nhà của gia đình Mới.
nam sinh
Nhà của gia đình Khang.

Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trần Thanh Mới phải nghỉ học từ lớp 9 để ở nhà đi phụ hồ với cha. Ngoài ra Mới còn đi giăng lưới kiếm cá hoặc làm những công việc khác để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ.

Anh Trần Thanh Liêm (cha ruột em Mới) cho biết: Gia đình không đất sản xuất, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào tiền làm công của vợ chồng mỗi ngày. Thấy cha, mẹ vất vả nên Mới xin nghỉ học để phụ giúp gia đình, kiếm thêm tiền lo cho người chị đang học lớp 11 trường THPT Trần Văn Bảy.

Biết tin con và các bạn nhặt được của rơi mang trả người đánh mất, anh Liêm không cầm được nước mắt vì vui mừng: “Tôi vui lắm khi biết con mình còn nhỏ nhưng đã suy nghĩ và làm được điều tốt”.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, gia đình của 3 em Bằng, Khang, Mới đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ cận nghèo. Thế nhưng gia đình các em sống rất tử tế, hòa nhã với bà con láng giềng. Dù phải lo chuyện mưu sinh, cơm gạo hàng ngày nhưng cha mẹ các em luôn quan tâm đến việc dạy dỗ con cái.

Hành động của các em rất đáng trân trọng, là tấm gương cho nhiều bạn trẻ (và cả người lớn) học tập. Người tốt việc tốt cần nhân rộng, khen thưởng, biểu dương. Bản thân các em còn nhỏ nhưng đã biết cái nào là của mình, cái nào không phải của mình. Suy nghĩ và hành động của các em khiến nhiều người xúc động, là gương sáng giữa đời thường cho mọi người noi theo. Chúng tôi rất tự hào với các em này”, ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết thêm.

Sau khi biết thông tin về hành động cao đẹp của ba em Bằng, Khang và Mới, ngày 24/2/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư biểu dương, khen ngợi tinh thần trung thực của các em.

Ngày 25/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng ký quyết định tặng bằng khen cho em Đỗ Văn Bằng vì có hành động cao đẹp, nhặt được của rơi trả lại người bị mất.

Hai em Trần Thanh Mới và Lê Nhĩ Khang (đi cùng với Bằng) phải bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Bộ trưởng Giáo dục đề nghị Sở Giáo dục tỉnh Sóc Trăng tìm hiểu, tạo điều kiện để các em được tiếp tục tham gia học phổ thông hoặc học nghề, trở thành công dân có ích trong tương lai.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị Sở Giáo dục Sóc Trăng tổ chức tuyên truyền, nhân rộng tấm gương của em Đỗ Văn Bằng nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh toàn tỉnh.

Ông Mai Thanh Ngon, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị cho biết: “Hành động của ba em Bằng, Khang và Mới thật đáng trân trọng. Ngoài khen thưởng đột xuất, chúng tôi cũng chỉ đạo ngành chức năng tìm biện pháp giúp đỡ để các em đến trường hay học nghề”.


Theo Tiền Phong



người tốt việc tốt

nhặt được của rơi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.