Cô bé không tay học chữ qua ô cửa sổ, ngày ngày tập viết khiến chân rướm máu

Hàng ngày, chị Nguyễn Thị Như Nương vẫn đều đặn đưa con tới trường, cùng con thực hiện ước mơ bằng đôi chân của mình.

Hàng ngày, chị Nguyễn Thị Như Nương vẫn đều đặn đưa con tới trường, cùng con thực hiện ước mơ bằng đôi chân của mình.

Làm mẹ lần đầu, chị Nguyễn Thị Như Nương (29 tuổi, Mỹ Đức, Hà Nội) cũng háo hức chào đón thiên thần bé nhỏ của mình như bao bà mẹ khác. Thế nhưng, hạnh phúc dường như không đến trọn vẹn với chị và gia đình khi con gái đầu lòng bị dị tật thai nhi, tay ngắn đến khuỷu.

Vượt qua mọi khó khăn, áp lực từ những lời nói của mọi người, vợ chồng chị luôn cố gắng chăm sóc, nuôi dạy và cùng con – bé Nguyễn Như Linh "vẽ lên ước mơ" bằng chính đôi chân.

co be khong tay hoc chu qua o cua so, ngay ngay tap viet khien chan ruom mau - 1

Chị Nương và bé Linh.

"Tiếng sét" ngang tai nhận tin con bị dị tật thai nhi

Đến với nhau giữa cuộc sống nhọc nhằn mưu sinh, chị Nguyễn Thị Như Nương (1989) và anh Nguyễn Văn Tuấn (1986) cảm mến và cùng nhau xây dựng một mái ấm hạnh phúc riêng vào năm 2009. Không lâu sau, anh chị đón nhận tin vui khi được lên chức.

Thế nhưng, niềm vui ấy lại trở nên dang dở, "cắt ngang" nụ cười của anh chị khi hay tin con bị dị tật thai nhi, không có tay.

Vì ở quê cũng không có điều kiện nên đến tháng thứ 7 mình mới đi siêu âm ở trên bệnh viện tỉnh xem con thế nào nhưng nào ngờ đâu lần siêu âm đó thay vì niềm vui mình lại nhận lại nỗi buồn. Các bác sĩ nói thai bị dị tật ở hai bàn tay.

Vợ chồng, gia đình mình buồn lắm, cũng chẳng biết làm thế nào bởi thai đã quá lớn rồi, bỏ thì tội, có lỗi với con quá mà bẩm sinh từ trong bụng mẹ chả có phương pháp nào giúp được”, chị Nương kể.

Kể từ ngày phát hiện con bị dị tật thai nhi vợ chồng chị “ăn không ngon ngủ không yên”. Đặc biệt chị luôn luôn lo lắng cho con, không biết con sẽ sống ra sao mai sau.

Dù nghén không nhiều nhưng chị luôn mệt mỏi đối diện với những suy nghĩ quẩn quanh của mình. Cả một khoảng thời gian buồn đến khi sinh con, chị Nương không biết mình sẽ trả lời con như thế nào về sự khiếm khuyết này.

co be khong tay hoc chu qua o cua so, ngay ngay tap viet khien chan ruom mau - 2

Linh cầm nắm mọi thứ bằng đôi khuỷu tay của mình và bằng đôi bàn chân linh hoạt. 

Sau sinh, người mẹ từng không dám nhìn con 

Dẫu chấp nhận và chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để chào đón nàng công chúa nhỏ khiếm khuyết nhưng đến bây giờ chị Nương vẫn không thể quên được ngày mình lên bàn sinh và cảm giác lần đầu khi nhìn thấy con yêu.

Chị Nương kể sinh xong dù mệt nhưng chị vẫn cố gắng gượng dậy để nhìn con. Và lúc thấy con bé bỏng với tay cụt hẳn tới khuỷu, chị ngất lịm.

“Bé Linh sinh năm 2010, mình có nhớ sau sinh mình không dám nhìn con vì mình sợ đối diện với sự thực. Con bé xíu lại không có đôi tay nên mình càng thương con nhiều hơn.

Mình nghĩ, mình làm mẹ khổ một nhưng con mới là người khổ 10 và mình dành hết tình thương vào cho con. Nhiều lúc nhìn con, mình chỉ ước giá như đôi tay của mình có thể lắp được vào cho con thì tốt biết bao vì con còn có cả cuộc đời, tương lai dài phía trước”, chị Nương xúc động.

Đau lòng vì con chịu nhiều thiệt thòi, chị còn đau lòng hơn khi nhận những lời xì xào, chỉ trỏ của mọi người mỗi khi ra đường. Thế nhưng “người ta nói riết rồi cũng thành quen”, chị bình thản đón nhận và biến những lời nói đó trở thành động lực để chăm sóc con tốt hơn, bù đắp những thiếu hụt của con bằng tình yêu thương của mình.

co be khong tay hoc chu qua o cua so, ngay ngay tap viet khien chan ruom mau - 3

Linh có thể làm mọi thứ như tự xúc cơm ăn, sắp xếp đồ chơi,... bằng chính đôi chân của mình. 

“Nhiều lúc con bị các bạn trêu khóc nức nở hỏi: "Mẹ ơi tại sao con lại không có tay?" Những lúc như vậy mình nghẹn đắng và nhói lòng, chỉ biết ôm con vào lòng. Mình nói với con rằng “Từ khi con nằm trong bụng mẹ đã như thế này rồi, kệ các bạn đừng để tâm”.

Về sau con tự nhận thức được bản thân khiếm khuyết, con buồn không hỏi nữa. Bây giờ, con còn đáp trả lại các bạn trêu chọc mình”, chị Nương kể.

Chăm chỉ học chữ qua ô cửa sổ, ngày ngày tập viết khiến chân rướm máu

Bị dị tật bẩm sinh, sức khỏe lại yếu nên từ nhỏ Linh đã cùng bố mẹ đi rất nhiều bệnh viện để chữa trị, tập phục hồi chức năng. Em đã phải mổ chân nhiều lần để có thể đi lại bình thường như hiện nay.

Có lẽ hiểu được sự vất vả của bố mẹ và thường xuyên phải nhận những lời trêu chọc của mọi người mà ý chí, sự quyết tâm vươn lên số phận của Linh càng được nung nấu hơn.

4 tuổi, sau khi nhìn thấy quyển vở của một bạn hàng xóm, Linh đã chăm chỉ tập viết bằng đôi chân của mình để khám phá thế giới của những con chữ.

Thấy con ham học, chị Nương cũng quyết định xin cho con đi học. Thế nhưng vì Linh là đứa trẻ khiếm khuyết nên em không được nhận vào học mầm non. Vậy là hàng ngày, chị Nương phải bế con đến bên cửa sổ lớp mầm non của thôn nhìn vào bên trong.

“Sau thời gian, các cô thấy con có ý chí, tiếp thu được và viết được chữ bằng chân nên đã nhận con vào học. Mình cũng mua sách hướng dẫn con viết bằng chân trên bảng ở nhà nữa. Ngày nào con cũng cố gắng làm hết bài tập cô giao mới đi ngủ”, chị Nương chia sẻ.

co be khong tay hoc chu qua o cua so, ngay ngay tap viet khien chan ruom mau - 4

Vì muốn đi học, em luôn cố gắng tập viết bằng chân. Nhìn những nét chữ bằng chân của Linh, có lẽ ai cũng phải thán phục nghị lực của em.

Hiện nay Linh đang học lớp 2. Mặc dù bị khuyết tật nhưng không vì thế em bỏ cuộc, em vẫn luôn nghị lực và phấn đấu để được như những bạn bè đồng trang lứa. Năm học lớp 1 vừa qua em đã nhận được giấy khen xuất sắc của nhà trường và vinh dự được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức tặng giấy khen vì đã có thành tích vượt khó vươn lên học giỏi.

Những bằng khen đó chính là món quà mà Linh dành cho gia đình, đặc biệt dành cho người mẹ kính yêu của em.

“Muốn trở thành cô giáo nhưng nhiều lúc mặc cảm con hỏi: “Con không có tay sao cầm phấn viết được?”. Tôi chỉ mỉm cười và an ủi: “Con yên tâm có nhiều cách để trở thành cô giáo, như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đó”.

Những thành tích con đạt được, sự nỗ lực của con khiến mình xúc động lắm. Con là một cô bé giàu nghị lực, mình nguyện sẽ mãi là đôi tay để cùng con vẽ lên giấc mơ cuộc đời”, chị Nương tâm sự.

Theo Hồng Nhung (Khám phá)

Dị tật thai nhi

học chữ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.