"Cô giáo về nghỉ hè rồi không quay lại nữa" và nỗi nhớ của những đứa trẻ vùng cao lấm lem bùn đất

Bằng thứ tiếng Kinh chưa sõi, các bậc cha mẹ nơi vùng cao buồn rầu tâm sự: "Cô giáo về nghỉ hè rồi không quay lại nữa mấy chú ạ. Đã 2 năm nay rồi ấy. Hơn năm nay lúc nào bà con gặp cũng hỏi nhau, cô Mỳ lên chưa, cô Mỳ bao giờ lên vậy?...".

 Bằng thứ tiếng Kinh chưa sõi, các bậc cha mẹ nơi vùng cao buồn rầu tâm sự: "Cô giáo về nghỉ hè rồi không quay lại nữa mấy chú ạ. Đã 2 năm nay rồi ấy. Hơn năm nay lúc nào bà con gặp cũng hỏi nhau, cô Mỳ lên chưa, cô Mỳ bao giờ lên vậy?...".

Đó là câu chuyện cảm động về nỗi nhớ nhung của những đứa trẻ nơi vùng cao Sơn La đối với cô giáo của mình, dù đã 2 năm, cô nói về nghỉ hè nhưng cũng không quay lại nữa. Bà con và bọn trẻ ai ai cũng ngóng đợi, ngày nào chúng cũng hỏi rằng khi nào cô giáo sẽ quay lại, thế nhưng chẳng ai có câu trả lời cả...

"Khi ngồi đây và viết lại những dòng này, trái tim mình lại một lần nữa như có ai đó bóp nghẹt. Nỗi buồn, niềm thương cứ như chạm phải mạch nguồn mà thổn thức.

Cảm giác đó không chỉ xảy ra với mỗi một mình mình. Nó hiển hiện nơi khoé mắt của những người anh em đi cùng, ngay cả với người anh rắn rỏi và dạn dày nhất cũng không thể cầm lòng mà thốt lên rằng: "Anh muốn khóc luôn quá khi nhìn và nghe kể chuyện về mấy em nhỏ này. Anh cũng làm cha, anh hiểu cảm giác nếu con mình phải chịu cảnh như này thì xót xa như thế nào em ạ".

Cô giáo về nghỉ hè rồi không quay lại nữa và nỗi nhớ của những đứa trẻ vùng cao lấm lem bùn đất - Ảnh 1.

Những đứa trẻ hồn nhiên và tinh nghịch nhưng chưa khi nào ngưng nỗi nhớ về cô giáo. Ảnh: Facebook Bùi Dương


Không xót xa sao được khi nhìn những đứa trẻ đang trong tuổi đến trường nheo nhóc bên hiên lớp học cũ. Mà cửa lớp thì đã rào chắn lại, bên trong bàn ghế đã phủ bụi mờ và vứt chỏng chơ. Dấu ấn của lớp học còn lại chỉ là một chút vệt phấn trên chiếc bảng giữa phòng. Những đứa trẻ, mặt mũi nhọ nhem, quần áo vá víu chằng buộc xộc xệch, đầu tóc bê bết mồ hôi. Và... đôi mắt, những đôi mắt trẻ thơ mà mờ mịt u buồn, đầy sợ hãi. Hỏi gì cũng chỉ ừ, ừ, gật gật rồi trốn mặt vào nhau.

Không xót xa sao được khi nghe lời gan ruột của những bậc cha mẹ nơi này. Dù lời than ấy được thốt lên bằng thứ tiếng Kinh chưa sõi, nhưng nỗi buồn thì không bớt đi một chút nào: "Cô giáo về nghỉ hè rồi không quay lại nữa mấy chú ạ. Đã 2 năm nay rồi ấy. Mấy đứa nhỏ giờ không có cô giáo dạy chỉ ở nhà chơi vậy thôi à. Thương lắm nhưng cũng không biết làm sao. Trước đây có cô giáo chúng học cũng nhanh lắm. Tối về nghe chúng hát, hỏi ai dạy chúng nó bảo cô Mỳ dạy đó. Hơn năm nay lúc nào bà con gặp cũng hỏi nhau, cô Mỳ lên chưa, cô Mỳ bao giờ lên vậy? Mấy đứa nhỏ nhớ cô, và bà con cũng nhớ cô lắm. Nhưng chắc cô không lên nữa quá à".

Cô giáo về nghỉ hè rồi không quay lại nữa và nỗi nhớ của những đứa trẻ vùng cao lấm lem bùn đất - Ảnh 2.

Lớp học trên vùng cao, giờ chỉ còn lại mỗi cái bảng, bàn ghế vứt chỏng chơ. Ảnh: Facebook Bùi Dương


Ở Khu 1 bản Háng Đồng C có 44 hộ, khu 2 có 10 hộ. Tổng cộng có khoảng hơn 50 em học sinh trong độ tuổi đi học từ lớp mẫu giáo đến lớp 4 đang không được đến lớp. Khi mình hỏi, các cô không vào dạy thì sao không để các em ấy ra xã để học, dọc đường vào đây mình cũng thấy nhiều em học sinh đi lại ra xã học mà. Các chú cho hay, vì các cháu ở độ tuổi đi học này bé quá, đưa ra xã học thì không có ai trông cho. Học ngoài xã thì cũng đến thứ 6 thôi, thứ 7 và chủ nhật phải về chứ ở ngoài đó không có cái ăn. Mà đi về thì xa như các chú thấy đó, đường mòn trong rừng, ngày mưa ngày gió rất sợ lũ và cây đổ. Nhìn các con vậy thương lắm mà...

Sau mỗi câu chuyện như vậy là những cái thở dài, cái lắc đầu của người cha mà mình gặp hôm đó. Dù là cái chép miệng thở dài do hơi rượu hay là nỗi buồn luôn ẩn giấu trong lòng "trở mình" mà khắc khoải thì cũng khiến người đối diện đau lòng.

Cô giáo về nghỉ hè rồi không quay lại nữa và nỗi nhớ của những đứa trẻ vùng cao lấm lem bùn đất - Ảnh 3.

Phía sau lớp học giờ là chỗ ngủ của đàn lợn. Ảnh: Facebook Bùi Dương


Nhìn các em hết nghịch đất, trượt vỏ can rồi lại leo lên cây nhún nhảy... Mới nhìn ai mà không nghĩ ngay đến câu "Tuổi thơ dữ dội" mà người đời thường nói khi thấy những cảnh hồn nhiên này. Nhưng tuổi thơ của các em nhỏ nơi này đúng là dữ dội thật, nhưng dữ dội với những gian nan trong hành trình đi tìm con chữ, đi tìm lối thoát cho sự nghèo luôn lưu cữu truyền lại nơi bản quán quê hương mình.

Chia sẻ câu chuyện này với anh cán bộ xã Háng Đồng Mùa Nhè Di, anh cũng bộc bạch chân thành rằng: Bản Háng Đồng C và Làng Sáng hiện là hai bản khó khăn nhất của cả tỉnh Sơn La chứ không chỉ riêng của huyện Bắc Yên này nữa. Cái khó của bản là nằm sâu trong rừng và lại là rừng bảo tồn. Hiện chỉ hy vọng xây dựng được điểm trường cho các em và vận động được cô giáo về bản mang con chữ về cho các em thôi".

Cô giáo về nghỉ hè rồi không quay lại nữa và nỗi nhớ của những đứa trẻ vùng cao lấm lem bùn đất - Ảnh 4.

Câu chuyện cảm động của facebooker Bùi Dương đã khiến nhiều người cảm thấy xót xa, thương cảm và mong muốn sẽ có những người thầy giáo, cô giáo về đây giúp đỡ và chỉ bảo các em.

Tâm sự với chúng tôi, anh Dương cho biết đó là câu chuyện ở xã Háng Đồng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Sơn La. Hiện giờ không có ai dạy các em cả, chúng chỉ đùa nghịch hồn nhiên và nhớ đến cô giáo của mình.

"Cô giáo ấy dạy mấy năm nhưng cũng đi rồi, trường lớp đang bỏ trống vì chẳng còn thầy cô giáo dạy nữa, cô bảo về nghỉ hè, nhưng không quay lại nữa. Người dân bản không ai biết cô ở đâu, họ cho rằng cô ở ngoài thị trấn.

Nơi này nghèo lắm, làm gì có ai muốn ở lại mãi đâu. Dân nghèo vô cùng, họ còn không nói sành sỏi tiếng Kinh được. Bà con nơi đây thương con em mình nhưng chẳng biết làm thế nào, cứ nói chuyện học hành của những đứa trẻ là chảy nước mắt.

Thực ra cũng khó trách cô giáo lắm, đường đi khó khăn, nhà ở thì ngay cạnh lớp học, cực khổ không nói nên lời...".

Nỗi lòng của anh Dương khiến ai nấy đều thương cảm và xót xa. Không biết bao giờ cô Mỳ sẽ quay lại, không biết đến bao giờ mới có thầy cô giáo xuống bản dạy cho các em... Chỉ biết rằng nụ cười hồn nhiên và nỗi nhớ nhung của những đứa trẻ vẫn luôn hiện hữu.

Theo Trí thức trẻ


giáo viên

trường tiểu học

học sinh

cô giáo

đánh học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.