Cuộc gặp với cô hiệu phó vụ tai nạn trường Nam Trung Yên

Chúng tôi gặp cô hiệu phó Nguyễn Thị Hương trong vụ tai nạn tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên vào ngày tới trường để làm việc với cô hiệu trưởng. Hôm đó là ngày 20/12, ngày anh Dũng, phụ huynh cháu Kiên gửi đơn tới các cơ quan chức năng và báo chí phản ánh sự việ

Chúng tôi gặp cô hiệu phó Nguyễn Thị Hương trong vụ tai nạn tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên vào ngày tới trường để làm việc với cô hiệu trưởng. Hôm đó là ngày 20/12, ngày anh Dũng, phụ huynh cháu Kiên gửi đơn tới các cơ quan chức năng và báo chí phản ánh sự việc.

Đón chúng tôi tại tầng 1 là một cô giáo trẻ, chừng hơn 30 tuổi, dáng người cao ráo, mảnh dẻ và khá dễ nhìn trong bộ váy công sở màu trắng. Khi tới phòng hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, tôi mới biết, cô là hiệu phó nhà trường.

Cô Ngọc gọi cô Hương là cháu, xưng cô. Trong cuộc làm việc, cô Hương chạy quanh, lúc lấy nước, lúc đỡ lời cho cô Ngọc khi cô Ngọc bận trả lời những cuộc điện thoại mỗi lúc một dày gọi đến.

Cô Hương cũng là người mang cho chúng tôi xem tập phiếu khảo sát của học sinh cũng như cán bộ nhà trường về vụ việc. 

Khi đó, cô Ngọc nói, cô Hương mới được bổ nhiệm là hiệu phó nên rất năng nổ, tận tụy, chính cô đã tư vấn cho ban giám hiệu làm phiếu khảo sát cán bộ, giáo viên và học sinh để trả lời nghi ngờ của anh Dũng, phụ huynh cháu Kiên về tai nạn của con mình.

Cuộc làm việc của chúng tôi với cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc kết thúc sau những quanh cô của cô về tuổi tác, về sự việc mà cô cho là "tình ngay lý gian". Nhưng trước sau, cô Ngọc vẫn khẳng định, cô không đi ô tô và ngày xảy ra tai nạn với cháu Kiên, không có chiếc xe ô tô nào ra vào trường.

Cuộc gặp với cô hiệu phó vụ tai nạn trường Nam Trung Yên

Nhường phòng hiệu trưởng cho một nhóm phóng viên khác, chúng tôi sang làm việc với cô Nguyễn Thị Hương tại phòng hội đồng trường để biết thêm chi tiết về vụ việc. Cô Ngọc nói mình có vấn đề sức khỏe nên cô Hương là người đã nắm bắt và xử lý vụ việc của cháu Kiên từ ngày đầu tiên.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, với giọng điệu nhẹ nhàng nhưng gãy gọn hơn nhiều so với cô hiệu trưởng, cô Hương khẳng định, cô là người trực tiếp giải quyết mọi việc liên quan tới cháu Kiên.

Nhưng đó là điều duy nhất cô Hương nói thật.

"Hôm đó, mình nhận được thông tin từ đồng chí bảo vệ. Lúc ấy là cuối giờ ra chơi. Mình xuống thì gặp bảo vệ đang bế cháu vào ở ngay đầu hồi tầng 1" - lời cô Hương. Cô Hương khi ấy đang ở phòng hội đồng của trường - nơi các thầy cô thường uống nước trong giờ ra chơi.

Cô Hương cũng nói, khi đó, người bảo vệ tên Trung chỉ nói với mình rằng, sự việc xảy ra ở khu vực sân sau, nơi cấm học sinh không được qua lại, chơi đùa và là nơi 3 cô giáo trong trường để xe ô tô.

Sau này, kết quả điều tra của cơ quan công an khẳng định, cô Hương là người ngồi trên xe taxi cùng cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc. Và theo lời của tài xế xe taxi, cô Hương là người xuống xe hỏi cháu Kiên có làm sao không. Còn cô Ngọc thì đi thẳng vào trong.

Tôi hỏi: "Liệu có thể trong trường hợp nào đó có chiếc xe nào đó đang đi và va phải cháu Kiên?", cô Hương khi đó khẳng định, đã 3 năm nay, trường khóa tất cả các cổng trong giờ học. Tất cả các bộ phận, xe cộ ra vào trường bảo vệ đều kịp thời cập nhật với ban giám hiệu. "Ngày hôm ấy không có bất thường gì hết" - cô khẳng định.

Sau này, kết quả điều tra của cơ quan công an nhận định, cô Hương và cô Ngọc đã chỉ đạo cho bảo vệ mở cổng để taxi vào trường theo lối cổng sau và gây ra tai nạn cho cháu Kiên đang chơi đùa ở đó.

Có lẽ, bảo vệ đã không kịp cập nhật tình hình đến ban giám hiệu vì cả hiệu trưởng lẫn hiệu phó đều đang ngồi trên chiếc xe taxi đi vào trường trái quy định.

Hôm đó, cô Hương nhất định nói nhà trường làm phiếu khảo sát học sinh và cán bộ giáo viên là do phụ huynh yêu cầu thông qua cô giáo chủ nhiệm của cháu Kiên là cô Trần Thị Thu Nhung.

Cô Hương còn nói rằng, vào hôm phát phiếu khảo sát ở lớp cô Nhung chủ nhiệm, có học sinh đã nói: "Tối qua con ngủ muộn vì phải làm bài tập về nhà cô Nhung giao".

"Có thể cô Nhung đã lo lắng vì nghĩ rằng nhà trường vào để thăm nắm tình hình, phạt cô giáo vì đã vi phạm quy chế, giao bài tập về nhà cho học sinh nên có Nhung có sự tương tác thế nào đó với phụ huynh" - cô Hương suy đoán. "Cái đó chỉ có mình cô Nhung và phụ huynh biết được".

"Không phải tự nhiên mà nhà trường lại đi làm việc ấy. Nghe đã không có lý rồi. Phải có yêu cầu tác động nào đó thì nhà trường mới làm. Nhà trường thực hiện theo yêu cầu của phụ huynh thôi" - vẫn lời cô Hương.

Trong buổi làm việc, cô Hương cho biết mình là giáo viên lớp 1 rất lâu năm; vì vậy cô biết các cháu học sinh dù mới lớp 2 cũng không thể vào lớp "bắt chúng nói thế này hay thế kia là được".

Thực tế, anh Trần Chí Dũng, phụ huynh cháu Kiên cũng khẳng định anh không yêu cầu nhà trường làm phiếu khảo sát đối với giáo viên và học sinh, không truyền đạt gì với cô Nhung.

Cô chủ nhiệm Thu Nhung cũng khẳng định, cô hiệu trưởng và hiệu phó nói sai sự thật vì cô không tư vấn hay truyền đạt bất cứ yêu cầu nào về việc làm phiếu khảo sát. 

Kết quả điều tra của cơ quan công an đã cho thấy, cô Hương chính là người đã tư vấn cho hiệu trưởng thực hiện việc khảo sát học sinh và giáo viên nhà trường để làm bằng chứng trả lời nghi vấn của phụ huynh. Chính cô Hương cũng là người chủ trì cuộc khảo sát trong toàn trường.

Sự việc tới nay đã rõ ràng khi cơ quan công an đã có kết luận ban đầu về vụ việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo, cô hiệu trưởng và bản thân cô hiệu phó Nguyễn Thị Hương cũng đã bị đình chỉ chức vụ.

Thế sự khi cơ quan chức năng công bố quyết định kỷ luật với hai cô giáo, chúng tôi lại thấy tiếc nuối nhiều hơn là thỏa mãn.

Tiếc nuối vì sự việc đáng ra có thể đã kết thúc đơn giản, nhẹ nhàng và nhân văn hơn rất nhiều.

Tiếc nuối vì cả cô hiệu trưởng lẫn hiệu phó đều đã và đang ở độ tuổi mà những sự việc như thế này xảy ra có thể ảnh hưởng rất tiêu cực đến sự nghiệp nhà giáo của các cô. Cô hiệu trưởng đã sắp tới tuổi nghỉ hưu, còn cô Hương thì vẫn còn quá trẻ.

Thế nhưng, có lẽ quyết định kỷ luật đối với cô Hương và cô Ngọc sẽ là tấm gương để các thầy cô giáo rút ra bài học về một cách ứng xử thiếu sự chân thành và nhân văn trong môi trường giáo dục.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.