Có người cho rằng tác giả đề xuất "có vấn đề", có người cho rằng tác giả "quá rảnh", "phá hủy tiếng Việt", thậm chí có người còn cho rằng vị thầy giáo già đang "làm rối loạn xã hội".
Cơn bão phê phán trên mạng tăng cấp độ lên rất nhanh, và người ta chuyển sang công kích cá nhân, tấn công tác giả bằng rất nhiều cách ghê gớm và những ngôn từ độc ác. Một cuộc "ném đá" ồn ào và đầy phẫn nộ như bao cuộc "ném đá" trên mạng khác.
Một đoạn văn bản mẫu được chuyển sang tiếng Việt "mới" theo đề xuất của PGS Bùi Hiển
Tuy nhiên, lẫn trong hàng nghìn ý kiến ném đá đó, vẫn thấy rải rác những bình luận điềm tĩnh, khách quan, mang tính học thuật. Những ý kiến này chỉ ra rằng, đây là một đề xuất trong tinh thần khoa học, thì cần phải đánh giá một cách khoa học, và đa số những người đang phản bác gay gắt nó, nhiều người không đọc, không hiểu rõ dụng ý hay nguyên nhân sâu xa mà PGS. TS. Bùi Hiển đưa ra đề xuất này.
Các ý kiến này chỉ ra rằng, chữ viết quốc ngữ đã trải qua quá trình biến đổi qua hàng trăm năm qua, và kể cả với lối viết hiện đại, thì chính tả tiếng Việt cũng đã trải qua rất nhiều lần cải cách, và chưa thể xác định đâu mới là lần cải cách cuối cùng.
Họ chỉ ra rằng, cách ghi tiếng Việt hiện nay đã khác xa rất nhiều với thời các giáo sĩ ngoại quốc ghi lại bằng ký tự Latin lời ăn tiếng nói của người Việt, như "blời" sau này được viết thành "trời" (hoặc giời), "blái" sau được viết thành "trái", "mlớn" sau này mới viết thành "lớn".
Hoặc cách đây vài chục năm trở về trước, các từ ghép trong tiếng Việt đều được viết với dấu gạch nối ở giữa, mà đến những năm 1980, chúng ta đã bỏ hẳn dấu gạch nối này.
Tuy nhiên, cũng không ít người tỏ ra thích thú với việc viết tiếng Việt theo đề xuất của PGS Bùi Hiển. Có người cho rằng, để đọc và viết tiếng Việt, phải cần học từ 6 đến 9 tháng, nhưng để học cách viết "theo lối mới" này, họ chỉ cần vài giờ đồng hồ.
Bằng chứng là rất nhiều người dùng mạng xã hội Facebook, bằng cách nghịch ngợm, đã thích thú viết tên mình "theo kiểu mới", hoặc viết những đoạn chia sẻ rất dài bằng thứ chữ "cải tiến" này, hay "dịch" những đoạn văn, bài thơ quen thuộc như văn bản "Luật záo zục" đang được chia sẻ rất nhiều.
Một số người nhanh nhạy, đã lập trình rất nhanh để đưa ra phần mềm biến tiếng Việt chúng ta đang dùng thành kiểu viết "cải cách" chỉ trong... nháy mắt.
Một số khác đưa ra đề xuất nghiêm túc về việc nên dùng phụ âm f thay cho ph, z thay cho d, gi. Một số ít đề nghị cân nhắc việc dùng "chuẩn phát âm thủ đô" để xác định chính tả cho những từ có phụ âm đầu là "ch-tr" hay "x-s", "r-d".
Tác phẩm "Đường Kách mệnh" của chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cách viết rất khác so với tiếng Việt hiện nay
Có những người phân tích kỹ lưỡng hơn còn cho rằng, nếu viết theo phương pháp mà PGS Bùi Hiển đề xuất, thì độ dài các văn bản tiếng Việt hiện nay có thể giảm đi đến 20%, tức là nếu cuốn sách dày 400 trang, thì sau này chỉ còn cần in có 320 trang. "Từ đó, sẽ dẫn đến tiết kiệm chi phí khổng lồ cho toàn xã hội", những người ủng hộ nêu ý kiến.
Tất nhiên, không phải ý kiến ủng hộ nào cũng hoàn toàn đồng ý với toàn bộ đề xuất của PGS Bùi Hiển, có người ủng hộ một phần hoặc từng phần, hoặc chỉ đồng tình với cách đặt vấn đề của ông. Nhưng việc lên tiếng bảo vệ một đề xuất mang tính khoa học trước cơn bão "ném đá" đã thể hiện sự dũng cảm, trung thực của một bộ phận người dùng mạng xã hội, nhất là trong giới trí thức.
Và tựu trung lại, thì chắc chắn chính tả, cách viết tiếng Việt vẫn sẽ cần được cải tiến, và nó chỉ có thể được cải tiến bằng những đóng góp mang tinh thần học thuật, văn minh và hiện đại, chứ không phải từ những đợt "ném đá" như vừa qua!