Đình chỉ học nữ sinh viên photo giáo trình, giảng viên đồng tình

Xung quanh việc nữ sinh viên ĐH Luật TPHCM bị đình chỉ học 1 năm do photo trái phép 8 cuốn giáo trình, nhiều SV cho rằng hình phạt quá nặng bởi tình trạng này khá phổ biến; trong khi đó các giảng viên lại đồng tình với hình thức kỷ luật này.

Xung quanh việc nữ sinh viên ĐH Luật TPHCM bị đình chỉ học 1 năm do photo trái phép 8 cuốn giáo trình, nhiều SV cho rằng hình phạt quá nặng bởi tình trạng này khá phổ biến; trong khi đó các giảng viên lại đồng tình với hình thức kỷ luật này.

Nặng tay do quá… phổ biến?

Nguyễn Na, cựu SV Học viện Nông nghiệp, sau khi biết sự việc đã thốt lên: “Tôi ngạc nhiên khi nữ SV đó bị đình chỉ học đến 1 năm, lâu nay SV thi thoảng vẫn photo giáo trình của thầy cô hoặc mua ở các hiệu photo ngoài cổng trường. Cùng lắm chỉ cảnh cáo thôi chứ bắt nghỉ học 1 năm là quá nặng! Tương lai của SV này sẽ thế nào?”.

Theo Nguyễn Na, việc photo giáo trình không có gì là lạ. Nhiều SV chọn giáo trình photo thay vì mua sách bởi giá rẻ, chỉ 10 đến 20 nghìn đồng/cuốn, trong khi giáo trình gốc có giá bán cao hơn nhiều lần. Một số SV khác do không thường xuyên đến lớp hoặc trốn tiết, thì photo giáo trình của giảng viên để tự học ở nhà.

dinh_chi_hoc1.jpg
 Quyết định đình chỉ học với nữ sinh viên gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Pháp luật TPHCM.

Số khác lựa chọn cách photocopy bản gốc giáo trình bởi có thể cuốn này không được tái bản nữa, không bán trên thị trường nên đành chọn cách photo

'Chính vì vậy, khi đưa ra hình phạt đối với nữ SV Luật, nhiều người, trong đó cả tôi, đều thấy rằng hơi nặng tay. Chỉ nên cảnh cáo, cùng lắm kỷ luật em này để răn đe thôi, bởi đình chỉ học 1 năm ảnh hưởng không nhỏ đến các kế hoạch trong tương lai của SV này', Nguyễn Na nói.

Trong khi đó, theo Ngô Thị Ch. - cựu SV trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội - dù không được phép, nhưng tình trạng photo “trộm” giáo trình nội bộ của giảng viên ở thư viện trường vẫn diễn ra khi SV muốn biết trước bài giảng của giảng viên để tranh thủ lấy điểm cao.

“Thời tôi đi học, photo giáo trình là việc làm rất phổ biến và bình thường với nhiều lý do khác nhau. Dù biết làm thế là sai quy định, nhưng việc này vẫn diễn ra như một tiền lệ, từ nhiều thế hệ SV nên các bạn hiển nhiên xem rằng không có gì quá sai trái”, Ch. phân trần.

Không nên cổ xúy

Trong khi nhiều SV tỏ ra thông cảm với nữ sinh trường Luật thì nhiều giảng viên ĐH cho rằng, photo giáo trình là một tiền lệ rất xấu của SV và đã đến lúc cần có biện pháp mạnh tay để chấm dứt tình trạng này.

Một nữ giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho biết: “Không nên cổ xúy cho hành vi này, nhìn thấy SV sử dụng chính giáo trình của mình viết bằng bản photo, tôi thấy không khỏi chạnh lòng. Công sức để viết nên một cuốn giáo trình không hề nhỏ. SV cần thể hiện sự tôn trọng đối với người dạy”.

Giảng viên này cho biết, hình phạt đình chỉ SV đó nặng hay không tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của SV này cũng như thực trạng của trường ĐH Luật TPHCM. Nếu việc photocopy bản gốc giáo trình quá phổ biến, nên có hình phạt mang tính răn đe theo đúng nội quy nhà trường và theo pháp luật để chấm dứt tiền lệ xấu.

“Nếu đưa ra lý do các em không đủ tiền mua giáo trình thì không thuyết phục vì mua sách là việc làm cần thiết. Giảng viên khi bán giáo trình cho SV đều bán rẻ hơn giá bìa để hỗ trợ các em. Nếu không có sách, các em có thể lên thư viện để học và xin photo (với những cuốn được phép). Việc photo phải được tuân thủ theo nội quy của thư viện”.

Chị Ngọc Diệp, giảng viên ĐH tham gia viết sách cùng nhiều tác giả, cũng đồng tình khi cho rằng, để tạo ra một cuốn giáo trình mất rất nhiều công sức, chất xám. “Vất vả vô cùng, nhưng đổi lại bằng sự rẻ rúng của người học, xét về mặt tình mà nói, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng, thậm chí bị xúc phạm. Trí tuệ cần được trân trọng và đã đến lúc mạnh tay với nạn dùng sách lậu, sách photo trái phép”, chị Diệp cho hay.

Theo Phụ nữ Việt Nam



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.