"Giáo viên chúng tôi giờ dè chừng lắm, dễ mất việc như chơi"

Trước câu chuyện một thầy giáo bị đuổi việc vì tát học sinh trêu chọc mình, nhiều giáo viên cho rằng hình thức kỷ luật này quá nặng, càng khiến họ ngày càng muốn thu mình.

Trước câu chuyện một thầy giáo bị đuổi việc vì tát học sinh trêu chọc mình, nhiều giáo viên cho rằng hình thức kỷ luật này quá nặng, càng khiến họ ngày càng muốn thu mình.

 Thầy giáoTrường THCS Khương Thượng (Hà Nội) tát học sinh và ngay sau đó đã bị đuổi việc.

Khi nghe câu chuyện này, hầu hết giáo viên cho rằng hành động của thầy giáo là sai nhưng quyết định kỷ luật đưa ra là quá nặng. Thậm chí, một số giáo viên chia sẻ họ cảm thấy chùn chân và nghĩ nhiều đến phương án an toàn để bảo đảm miếng cơm manh áo cho gia đình.

Khẳng định việc thầy đánh trò là sai, song thầy giáo Đoàn Văn Hải (tỉnh Bình Phước) cho rằng hình thức kỷ luật đuổi việc trong trường hợp này chưa khách quan.

Cần phải lấy ý kiến của các bên liên quan để xem quá trình công tác, ý thức trong công việc của giáo viên đó ra sao. Với trường hợp này tôi nghĩ mức kỷ luật là cảnh cáo sẽ hợp lý hơn là đuổi việc thầy giáo. Bởi thực ra người thầy, người cô nào cũng chỉ mong học sinh tiến bộ. Khi học sinh có lời hỗn láo với thầy cô thì trong một phút thiếu kiềm chế, giáo viên có thể hơi quá tay và quyết định kỷ luật cuối cùng phải xem xét nguyên nhân, tình huống. Không nên chỉ như vậy mà cho ra khỏi ngành và không cho một cơ hội sửa lỗi”.

Theo thầy Hải, việc này sẽ khiến các giáo viên như anh chùn chân trong những tình huống sư phạm. 

“Điều này sẽ có 2 khả năng xảy ra hoặc học sinh càng ngày càng hỗn hoặc giáo viên sẽ dần có tâm lý buông xuôi để tạo vỏ bọc an toàn cho bản thân. Tôi vào các diễn đàn thấy giáo viên nói nhiều đến chuyện muốn tốt nhưng không thể tốt được nữa vì sợ chỉ cần sơ sẩy một chút, đụng đến học sinh sẽ ảnh hưởng ngay tức thì đến miếng cơm manh áo. Nhưng nếu như vậy thì hệ quả của giáo dục sẽ đi về đâu?”

Thầy Hải nói thêm: “Về góc độ sư phạm, ai cũng đưa ra lời khuyên cần phải giữ cái đầu tỉnh táo, kiềm chế. Nhưng mọi người thử đặt mình trong những tình huống học trò hỗn láo thì sẽ hiểu không phải khi nào cũng kiềm chế được”.

Theo thầy Hải, mức kỷ luật đuổi việc chỉ nên áp dụng với những trường hợp tái phạm nhiều lần hay không nhận lỗi. 

“Giáo viên cũng như những người bình thường khác, không ai có thể lúc nào cũng đúng hết được. Với những người biết nhận sai và cầu thị, tôi nghĩ nên cho họ một cơ hội sửa sai”, thầy Hải nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Lý (một giáo viên ở Hà Nội) cho rằng thầy bị đuổi việc có vẻ thiếu công bằng.

“Ở nhà chỉ 1-2 con, phụ huynh nói, quát, thậm chí đánh đủ kiểu còn không nghe. Ở lớp hàng chục học sinh, đòi hỏi giáo viên nghiêm khắc nhưng không được động đến các con. Thử nghĩ nếu học sinh nói hỗn giáo viên quay ra nói “Em không được nói như thế”, học sinh có nghe cho không, chưa kể học sinh càng lớp lớn càng khó bảo”, cô Lý tâm sự.

Câu chuyện thầy giáo Trường THCS Khương Thượng càng khiến chị Lý thêm bất an: 

“Giáo viên chúng tôi giờ dè chừng lắm. Giờ mắng không dám mắng, không dám đụng tới học trò. Dù có là người chuẩn mực đến đâu, yêu thương học trò đến thế nào đi chăng nữa nhưng cũng lúc mất bình tĩnh, nóng giận. Một lớp tới mấy chục học sinh, giáo viên nào quản được nếu không có biện pháp. Nói không nghe phải răn đe cảnh cáo. Nhưng rồi khi sự việc đưa lên, những người ở ngoài chẳng cần biết mình thế nào đã nhảy vào phán xét, chửi rủa như kiểu giáo viên là những người độc ác. Giờ chúng tôi chọn giải pháp an toàn nhất, không thì có ngày mất việc như chơi”, chị Lý nói.

Chị Lý cho rằng giáo viên trong đó có chị giờ đây lúc nào cũng như cảnh cá nằm trên thớt, chịu vô vàn áp lực từ cấp trên rồi phụ huynh và cả từ phía dư luận.

“Cứ hở ra là đuổi việc không phải là cách làm hay mà càng khiến giáo viên luôn có cảm giác lo sợ và ngày càng thu mình lại, ảnh hưởng đến việc dạy học. Chúng tôi sợ dư luận, sợ bị mất việc”.

Chia sẻ về câu chuyện này, một vị Phó giám đốc Sở GDĐT cũng ngán ngẩm cho rằng quyết định đuổi việc giáo viên trong tình huống này có phần quá nặng và có thể do lãnh đạo trường chịu sức ép lớn. “Nhà trường chắc sợ dư luận và phụ huynh rùm beng nên quyết định đuổi việc giáo viên. Mấy cậu học trò nghe tin thầy bị nghỉ việc không biết sẽ buồn hay vui”, vị này nói.

Ông Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng trường hợp này giáo viên vẫn là người thiếu kinh nghiệm, năng lực sư phạm, không biết kiềm chế.

“Việc thầy giáo đánh học trò là sai và vi phạm đạo đức nhà giáo. Bởi người thầy phải có năng lực sư phạm để thuyết phục học trò. Đòn roi hay đánh tát không bao giờ thay đổi được nhân cách học trò mà chỉ làm sự việc xấu đi, tạo nên hình ảnh xấu về người thầy và phương pháp giáo dục của chúng ta. Kể cả học sinh sai trước hay hoàn toàn sai thì giáo viên cũng không được đánh học trò bởi nhiệm vụ của thầy là giáo dục học trò”.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, việc thầy giáo nhận ra sai lầm và chịu trách nhiệm về hành vi của mình, đặc biệt là một thầy giáo còn trẻ mới vào nghề thì cần phải có thời gian để trải nghiệm được giáo dục:

“Tôi cho rằng có thể cảnh cáo, tạm đình chỉ việc dạy một thời gian nhất định thay vì cứng nhắc là buộc phải đuổi việc. Bởi thầy còn trẻ thì còn thời gian rèn luyện và chính vấp ngã này có khi lại khiến thầy trưởng thành. Nếu đã nhiều lần nói mà thầy không nghe mà vẫn cứ không thay đổi thì mới tính đến đuổi việc. Là giáo viên trẻ và đây là lần đầu thì vẫn nên cho thầy một cơ hội để được sửa sai”.

Theo ông Lâm, chỉ như vậy thì các giáo viên trẻ mới có được tâm lý thoải mái, không lo sợ với chính nghề mà mình đang theo đuổi.

“Như vậy không có nghĩa là chúng ta bao che mà phải phân tích những tác hại của hành động thiếu kiềm chế, nhưng việc xử lý phải tùy vào từng con người và từng hoàn cảnh. Việc thầy giáo đã tự nhận ra lỗi của mình là một điều tốt và cần xem xét đến thái độ thành khẩn của thầy giáo

Ngoài ra, ông Lâm cho rằng, nhà trường cũng phải đưa ra để phân tích, giáo dục cho học trò thầy việc hư hỗn với giáo viên là việc làm đáng chê trách, phê phán và cần có những buổi thảo luận với nhau để không xảy ra những chuyện tương tự. “Không thể có chuyện học trò nghịch ngợm, phá phách rồi đuổi giáo viên. Việc này đòi hỏi tập thể sư phạm nhà trường cần tiếp tục giáo dục các em hơn nữa thay vì chùn bước”.

Hiện là Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - trường có nhiều học sinh cá biệt, thầy Lâm cho biết trường mình cũng có sự việc học sinh hư hỗn với giáo viên và bản thân thầy đã từng xử lý. Nhưng giáo viên kiềm chế được và không đẩy sự việc đi quá xa.

“Với những tình huống này, các thầy cô nên bình tĩnh và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lập biên bản, học sinh tự kiểm điểm và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Các hình thức kỷ luật sẽ được đưa ra và các em phải chấp nhận điều đó theo quy định của nhà trường”.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.