Hà Nội thay đổi phương án thi vào lớp 10, học sinh đi học gần kín tuần

Khi Sở GD-ĐT Hà Nội thay đổi phương án thi vào lớp 10, nhiều học sinh cảm thấy thêm áp lực thi cử vì phải ôn luyện, học thêm nhiều, gần như kín tuần.

Khi Sở GD-ĐT Hà Nội thay đổi phương án thi vào lớp 10, nhiều học sinh cảm thấy thêm áp lực thi cử vì phải ôn luyện, học thêm nhiều, gần như kín tuần.

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2019-2020 với 4 môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn thi khác sẽ công bố vào tháng 3 tới.

Thông tin này khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì sẽ thêm áp lực thi cử với học sinh; còn các học sinh đang học lớp 9 thì chỉ biết tăng thời gian học thêm với hy vọng có thể giành được một suất vào lớp 10 trường công lập.

Theo phương án thi do UBND Hà Nội đã phê duyệt, các trường THPT không chuyên sẽ thực hiện thi tuyển vào lớp 10 gồm 4 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4. Trong đó, bài thi thứ 4 được chọn ngẫu nhiên trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân và sẽ được công bố vào tháng 3 năm 2019.

Hà Nội thay đổi phương án thi vào lớp 10, học sinh đi học gần kín tuần-1

Phụ huynh Hà Nội đứng đợi con trước cổng trường trong đợt thi vào lớp 10 năm học 2018-2019.

Thi thêm môn làm tăng áp lực cho học sinh

Nhiều phụ huynh cho rằng, việc thi thêm môn sẽ làm tăng áp lực cho học sinh. Chị Nguyễn Nguyên Hoa, ở xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, có con đang học lớp 9 cho biết, ngay từ đầu năm học, con đã phải đi học thêm tổng cộng 5 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý và Hóa học. Với phương án thi này, con phải học thêm những môn còn lại sẽ càng vất vả hơn.

“Năm lớp 9 các con rất là áp lực trong việc học, con tôi năm nay cũng đi học thêm rất là nhiều. Văn, Toán, Tiếng Anh, Lý, Hóa là đã bắt đầu đi học từ đầu năm, nhưng tâm lý là còn một môn cuối thì cũng đang lo, không biết môn nào, hy vọng là nó sẽ vào mấy môn mà cháu đang tập trung vào học, vẫn là môn chính, không phải là những môn phụ để cho đỡ áp lực”, chị Nguyên Hoa nói.

Cùng chung tâm trạng lo lắng của phụ huynh, các học sinh đang học lớp 9 cũng cho biết, ngoài 3 môn thi đã biết trước là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, đến tháng 3 năm 2019 mới biết môn thi thứ 4 nên tâm lý khá căng thẳng. Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ tổ chức vào đầu tháng 6, như vậy học sinh chỉ có 3 tháng để ôn tập sẽ khó đạt hiệu quả. Vì vậy, giải pháp được nhiều học sinh lựa chọn là đi học thêm các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ tại các trung tâm song song với chương trình học chính ở trường để đến tháng 3 dành thời gian ôn thi môn thứ 4.

“Em đang cố để học đều các môn, bây giờ em vẫn thích mấy môn tự nhiên như Sinh, Hóa hơn còn các môn kia chủ yếu là học thuộc thôi. Phải học nhiều hơn rồi, bởi vì bây giờ ngoài lịch học ở trường ra thì phải học thêm. Em học thêm Toán, Hóa, tiếng Anh và Văn, em chỉ nghỉ buổi tối còn những ngày còn lại là em phải học hết.   

Áp lực hơn, cũng mệt hơn năm ngoái. Em học thêm Toán thứ 2,4,7; Văn thứ 3, thứ 7; Anh thứ 5, Chủ nhật là kín tuần luôn. Môn còn lại thì học bình thường thôi”, em Cao Đỗ Thiên An và Lê Hiếu Anh, học sinh lớp 9, trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói.

Hà Nội thay đổi phương án thi vào lớp 10, học sinh đi học gần kín tuần-2

Hà Nơi thay đổi phương án thi vào lớp 10, học sinh đi học hầu như kín tuần

Phụ huynh mong được chọn môn thi thứ 4

Một số phụ huynh và học sinh cũng cho rằng, thay vì Sở GD-ĐT chọn một trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân làm môn thi thứ 4 thì để học sinh có quyền lựa chọn. Như vậy học sinh sẽ đỡ áp lực hơn. Nguyễn Phúc Hiếu, học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa nêu ý kiến: “Ôn tập thì ngoài môn Toán, môn Văn ôn chính như ngày xưa thì môn tiếng Anh cũng phải bồi bổ thêm. Còn các môn còn lại thì đành học trên lớp, ngồi nghe giảng thôi ạ, không phụ thuộc vào 2 môn kia nữa. Em nghĩ môn cuối cùng thì nên để học sinh tự chọn bởi vì nó sẽ phù hợp với các bạn hơn, các bạn sẽ biết mình mạnh cái gì thì sẽ thi môn đấy”.

Về lý thuyết, việc môn thứ 4 sẽ công bố vào tháng 3 nhằm để học sinh sẽ học đều các môn, giảm tình trạng học lệch, học tủ, tạo thuận lợi khi các em học ở bậc trung học phổ thông. Tuy nhiên, trên thực tế thì học sinh vẫn tập trung vào các môn thi chính là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, bởi với áp lực học tập như hiện nay, tình trạng căng sức ra để học tốt tất cả các môn sẵn sàng cho kỳ thi vào 10 là quá khó khăn. Mặt khác, việc tăng thêm bài thi sẽ rất khó giảm được việc dạy thêm, học thêm, chắc chắn sẽ tăng thêm áp lực cho cả thí sinh và phụ huynh vì có thi thì sẽ có ôn thi.

Năm học 2019-2020, dự kiến các trường THPT công lập ở Hà Nội sẽ tuyển khoảng 60.900 đến 62.900 học sinh, giảm khoảng 3.000 học sinh so với năm học 2018-2019. Như vậy, tỷ lệ cạnh tranh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập vẫn rất lớn, nếu học ở trường chưa đủ, thì học sinh sẽ phải tiếp tục chạy đua luyện thi.

Nếu chủ trương tăng từ 2 lên 4 môn thi đã nằm trong kế hoạch thì việc công bố sớm môn thi thứ tư sẽ khiến cả học sinh và giáo viên chủ động, đồng thời tránh được những hệ lụy không đáng có cho cả nhà trường và phụ huynh học sinh.

Theo VOV


phương án thi lớp 10

thi vào lớp 10


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.