Đề thi cuối năm dành cho học sinh lớp 5 ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An hiện khiến nhiều phụ huynh và dân mạng bức xúc.
Sân trường đẫm nước mắt
Chị Thu H có con học lớp 5 ở trường Tiểu học Hà Huy Tập 2. Nhiều năm nay, chị tự hào vì cháu luôn đạt danh hiệu học sinh tiêu biểu, xuất sắc. Riêng năm học lớp 5, sau khi đoạt giải tại cuộc thi Olympic Tiếng Anh toàn quốc, chị hy vọng con sẽ đỗ vào trường THCS Đặng Thai Mai - ngôi trường năng khiếu của thành phố Vinh.
Thế nhưng, sáng 17/5, sau khi cháu thi học kỳ môn Toán lớp 5 về, chị H không giấu được nỗi buồn.
"Ra khỏi phòng thi, cháu khóc nức nở, các bạn khác cũng vậy. Tôi xem đề thi cũng bất ngờ vì khó quá. Nhiều phụ huynh, thậm chí giáo viên cũng không làm được. Thực sự, tôi thấy rất thất vọng, không hiểu Phòng Giáo dục thành phố Vinh nghĩ như thế nào mà lại ra đề như vậy, đánh đố học sinh đến thế. Bây giờ, các cháu cứ lên trường là sợ. Với đề thi này, con gái tôi chỉ chấm được 7,5 điểm. Chắc là hết hy vọng rồi", người mẹ nói.
Hai câu được cho là khó nhất trong đề thi. Ảnh: SH. |
Trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh cũng lên tiếng về vụ việc. Tài khoản Vy Ha viết: "Học sinh giỏi lớp 5 ra khỏi phòng thi mà cũng rớt nước mắt. Thương các con quá".
Một phụ huynh khác tâm sự: "Tôi đồng cảnh ngộ. Con trai đi thi về mà buồn từ hôm qua tới giờ. Tôi chịu thật đó".
Van Anh Nguyen bộc bạch: "Chỉ thương các con thôi. Các cháu đoạt giải nhất, nhì ở các cuộc thi Toán thành phố cũng không làm được".
"Xin đừng nghĩ các cháu học sinh là thiên tài", một dân mạng nhấn mạnh.
Đề thi học sinh giỏi cho học sinh đại trà?
Đề kiểm tra Toán cuối học kỳ của học sinh lớp 5 gồm 10 câu hỏi, trong đó có 6 câu trắc nghiệm và 4 câu tự luận. Học sinh làm trong 40 phút.
Năm nay, thành phố Vinh ra đề thi chung cho tất cả các trường và tổ chức chấm chéo. Đây cũng là cách làm mà thành phố đã triển khai được vài năm nay với mục đích chính là để đánh giá đúng năng lực dạy và học ở các trường.
Việc ra đề được thực hiện theo ma trận đề thi mới của Thông tư 22 với 4 mức độ, thay vì 3 mức độ như trước đây. Sau khi xem đề, nhiều phụ huynh cho rằng đề khó, đặc biệt là câu 9 và câu 10.
Đề có tính chất phân loại, song lại quá khó khi dành cho học sinh đại trà nhằm đánh giá kết quả cuối năm học.
Học sinh thành phố Vinh tại "Ngày hội giao lưu học sinh tiểu học". Ảnh: SH/Báo Nghệ An. |
Một phụ huynh chia sẻ: "Đề thi dành cho học sinh lớp 5 và làm trong thời gian 40 phút, nhưng liệu rằng chúng ta có đang thực hiện đúng tinh thần giảm tải không? Giả sử dành cả ngày làm đề này, liệu có bao nhiêu em làm được 9-10 điểm? Đề thi đại học hiện nay cũng không khó hay đánh đố học sinh. Nội dung của đề nằm hết trong sách giáo khoa, câu dễ chiếm 60%-70% điểm".
Phụ huynh khác nêu ý kiến: "Ngành giáo dục đang thực hiện kế hoạch giảm tải, không dạy thêm, học thêm, không ra bài tập về nhà, chỉ học chương trình trong sách giáo khoa. Vậy mà đề thi này lại theo kiểu trên trời".
Liên quan đề thi trên, nhà giáo Nguyễn Áng (tác giả của nhiều cuốn sách Toán tiểu học) bày tỏ quan điểm trên trang Big School rằng: “Đề bài chính xác, bước đầu đã thể hiện có “ma trận” của đề kiểm tra.
Trong đó, các câu từ 1-8 chỉ ra ở các mức độ từ 1-3 của đại trà. Tuy vậy, theo thầy, với câu 9 (phần b) về tính diện tích tứ giác gián tiếp thông qua so sánh diện tích hình tam giác là khá khó, vượt mức 4 đại trà. Riêng câu 10 là “khó, vượt chương trình (nặng về kiến thức lớp 6)”.
Đồng thời, cách giải phải dùng đến kiến thức chưa phù hợp ở tiểu học, không thể dùng để kiểm tra định kỳ.
Dự kiến, tuần tới, kết quả kiểm tra cuối năm học của các em lớp 5 sẽ được công bố.
Theo Zing