Khi nhà trường bưng bít thông tin, lẩn tránh trách nhiệm

Việc trường bưng bít thông tin, xử lý chậm và những lời xin lỗi muộn màng từ các nhà giáo không thể bù đắp tổn thương mà học sinh phải chịu đựng hay xoa dịu phẫn nộ từ dư luận.

Việc trường bưng bít thông tin, xử lý chậm và những lời xin lỗi muộn màng từ các nhà giáo không thể bù đắp tổn thương mà học sinh phải chịu đựng hay xoa dịu phẫn nộ từ dư luận.

Ngày 6/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội báo cáo và tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên trong lúc chờ điều tra làm rõ nguyên nhân khiến học sinh Trần Chí Kiên bị gãy chân trong trường học.

Câu chuyện thu hút sự chú ý của dư luận về cách hành xử của nhà trường khi học sinh gặp nạn.

Theo lời kể của Kiên cùng một số học sinh khác, em bị ôtô chở cô hiệu trưởng và hiệu phó đâm trên sân trường. Ban đầu, cô hiệu trưởng bác bỏ điều này, cho rằng học sinh tự ngã, đồng thời phát giấy khảo sát cho học sinh và các cá nhân liên quan để chứng minh điều mình nói.

Sau khi báo chí đưa tin, dưới sức ép của dư luận, nữ hiệu trưởng thừa nhận đi ôtô vào trường nhưng không biết xe có đâm phải học sinh trong sân hay không.

Khi nha truong bung bit thong tin, lan tranh trach nhiem hinh anh 1
Học sinh Trần Chí Kiên chưa thể đi lại bình thường sau khi bị ôtô đâm gãy chân trên sân trường. Ảnh: Người Lao Động.


'Giấu diếm là dạy học sinh nói dối'

Trao đổi với PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - khẳng định sai lầm của cô hiệu trưởng là không thể chấp nhận được. Thay vì xuống xe giúp đỡ học sinh bị đâm, nữ giáo viên lại làm ngơ.

Thậm chí, khi học sinh thông tin chiếc xe gây tai nạn chở cô hiệu trưởng và hiệu phó, nữ giáo viên lại tìm cách lấp liếm.

PGS Văn Như Cương nhận định việc này chứng tỏ hiệu trưởng trường Nam Trung Yên không nhận thức được sai lầm của mình, đang trốn tránh trách nhiệm. Ông Cương đồng ý với cách làm của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và hy vọng các nhà chức trách xử lý vụ việc nghiêm khắc để ngành giáo dục lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Trước đó, nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử khẳng định hành động của hiệu trưởng trường Nam Trung Yên rất nghiêm trọng và không thể chấp nhận.

“Cô giáo không chỉ nói dối, lấp liếm mà còn giáo dục học trò nói dối, bắt các em phục tùng sự dối trá. Tôi nghĩ điều này làm hỏng hoàn toàn nền giáo dục”, ông nhấn mạnh.

Trong cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành ở Hà Nội, ông Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, phát biểu về hành vi của Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên: "Ngành giáo dục nhưng cũng nhiều người có thủ đoạn để che đậy hành vi phạm lỗi của mình. Mình sai rồi thì nhận với các cháu, phụ huynh rồi làm hết sức mình, còn sai đến đâu thì xử lý đến đấy. Không thể có những cán bộ đã là hiệu trưởng rồi mà còn như thế".

Một vụ việc khác cũng gây bức xúc dư luận mấy ngày qua là vụ nổ trong phòng thí nghiệm của trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) khiến nữ sinh lớp 12 bị bỏng nặng.

Trao đổi với  chị Phạm Huyền - dì của nạn nhân - cho rằng trường có dấu hiệu bưng bít thông tin khi có công văn gửi một số cơ quan đề nghị không đưa vụ việc lên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời không có động tĩnh gì trong suốt một tháng.

Chỉ sau khi nạn nhân đăng thông tin vụ việc lên mạng, báo chí vào cuộc, trường mới kỷ luật cảnh cáo nhân viên phòng thí nghiệm, nhận lỗi xử lý quá chậm, gây hoang mang dư luận, cũng như xin lỗi học sinh và gia đình.

Là người công tác nhiều năm trong ngành giáo dục, PGS Văn Như Cương khẳng định tình trạng các trường giấu diếm và tìm mọi cách để bưng bít thông tin là có thật. Ông cho rằng hành vi này rất tệ hại và đáng xấu hổ.

“Người trong cuộc cần nhận thức được sai lầm của bản thân dù nó ở mức độ nào. Giấu diếm là dạy học sinh nói dối, không thể chấp nhận được. Giáo viên gây lỗi thì phải biết khắc phục, chứ làm như thế này thì buồn lắm!”, ông Cương nêu quan điểm.

Đạo đức nhà giáo ở đâu?

Chính những vụ bạo hành do người thầy gây ra, nỗi đau xuất phát từ các nhà giáo khiến phụ huynh bất an, dư luận hoang mang. Chị Thu Nguyệt, một phụ huynh ở Hà Nội, chia sẻ những vụ việc gần đây đã ảnh hưởng niềm tin vào giáo dục.

“Tôi không nói tất cả thầy cô nhưng rõ ràng ngành giáo dục đang có nhiều người chưa xứng đáng với niềm tin của phụ huynh, học sinh và xã hội”, chị Nguyệt khẳng định.

Nữ phụ huynh dẫn ví dụ vụ cô giáo trường Mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dùng dép đánh vào đầu trẻ. Sự việc sẽ không bao giờ được tiết lộ nếu không có video đăng trên mạng xã hội. Chỉ khi đó, các giáo viên mới bị xử lý và nhà trường nói lời xin lỗi muộn màng.

Khi nha truong bung bit thong tin, lan tranh trach nhiem hinh anh 2
Công văn của trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) gửi một số đơn vị mong muốn không đưa thông tin vụ nổ trong phòng thí nghiệm làm nữ sinh bị bỏng nặng lên các phương tiện đại chúng. Ảnh: N.S.


Theo chị Lê Vinh Lan ở Hà Tĩnh, không ai muốn gạn hỏi con có bị đánh khi đến trường hay không nhưng họ buộc phải làm thế vì không phải giáo viên nào cũng đáng tin.

“Nữ sinh trường Phan Đình Phùng bị bỏng nặng và phải tự lên tiếng tìm kiếm sự công bằng sau một tháng. Nhà trường, giáo viên ở đâu, đạo đức nhà giáo của họ ở đâu khi để học sinh phải chịu nỗi đau thể xác trong ấm ức? Chẳng lẽ họ bận tìm cách lẩn tránh trách nhiệm?”, nữ phụ huynh bức xúc đặt câu hỏi.

Cách hành xử tiêu cực, quyết định xử lý chậm, lời xin lỗi muộn màng từ nhà trường, giáo viên không đủ để bù đắp nỗi đau thể xác, tinh thần cho nạn nhân hay xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận.

Nỗi bất an của phụ huynh khi con đến trường là điều đáng buồn đối với các nhà giáo chân chính cũng như toàn ngành giáo dục.

Cô giáo mầm non được tặng quà để... không đánh trẻ

Như Quỳnh, giáo viên mầm non ở Lâm Đồng, cho biết cô rất buồn khi đọc tin liên quan các vụ bạo hành trẻ cùng phản ứng của độc giả, cộng đồng mạng trước những vụ việc gần đây.

Cách hành xử kém của một bộ phận giáo viên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của học sinh, cũng như uy tín của ngành giáo dục. Họ khiến hình ảnh giáo viên trở nên méo mó và buộc xã hội phải nghi ngờ đạo đức, phẩm chất của nhà giáo trong toàn ngành.

“Trong 3 năm làm nghề nuôi dạy trẻ, điều tôi buồn nhất là việc phụ huynh tặng quà vào các ngày lễ không phải thay lời cảm ơn người đã chăm sóc con họ, mà để đảm bảo giáo viên không đánh các bé. Tôi day dứt khi chúng tôi trở thành đối tượng cần đề phòng trong mắt cha mẹ học sinh”, nữ giáo viên trẻ tâm sự.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.