Lương hơn 6 triệu, thầy giáo vẫn phải làm MC đám cưới, bán bảo hiểm

Một thầy giáo ở Nghệ An lương hơn 6 triệu đồng/tháng nhưng vẫn phải đi làm MC đám cưới, bán bảo hiểm và dạy võ karatedo mới đủ trang trải cuộc sống.

Trong khi nhiều thầy cô "than" lương thấp, một thầy giáo ở Nghệ An lương hơn 6 triệu đồng/tháng nhưng vẫn phải đi làm MC đám cưới, bán bảo hiểm và dạy võ karatedo mới đủ trang trải cuộc sống.

Với mức lương gần 6 triệu đồng/tháng, một thầy giáo dạy Ngữ văn ở Nghệ An mới đây đưa lên mạng hình ảnh lương tháng 8 bày tỏ sự lo lắng của mình xem bao giờ mình sẽ mua được nhà, xe ô tô và lo cho con cái học hành.

luong gv hon 6 trieu thay giao van phai lam mc dam cuoi ban bao hiem day vo

Thầy Nguyễn Đăng Khoa - Giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Lê Lợi (Tân Kỳ - Nghệ An). Ảnh: NVCC.

Nguyên văn đoạn chia sẻ như sau:

"Sau gần 20 năm ra trường, đây là lần đầu tiên mình công khai chia sẻ thông tin thu nhập của một viên chức ngành giáo dục.

Không phải chê ít hay kêu ca phàn nàn gì mà do gặp được dãy số rất đẹp. Sau khi trừ đi các khoản như: Công đoàn phí, quỹ tham quan, quỹ vì người nghèo, quỹ thăm hỏi và một số loại quỹ khác nữa thì còn lại con số 5.678.000 đồng (năm sau thất bát).

Số tiền này mình dự chi như sau:

+ Mua sắm quần áo giày dép, dụng cụ dạy và học cho mình cùng 2 con chuẩn bị cho năm học mới.

+ Trả các loại dịch vụ như cước điện thoại, internet, truyền hình, gar, điện...

+ Mua lương thực, thực phẩm dự trữ cho mùa mưa bão.

+ Số còn lại sẽ tích lũy để thực hiện kế hoạch mua ô tô, mua nhà ở thành phố và cho con học đại học. Sau đó chạy việc vào công chức nhà nước.

+ Mình không dám để dành cho khoản ốm đau bệnh tật vì thời buổi thuốc thật thuốc giả lẫn lộn, mua làm chi cho phí tiền. Lỡ có ốm thì phó mặc cho số trời vậy.

À nhân tiện mình xin nhờ các bạn giỏi Toán tính giúp là với thu nhập đó, khoảng khi nào thì mình sẽ mua được nhà, xe và lo công việc cho con cái? Hay có việc gì đó làm thêm thì dạy bảo cho mình với".

Theo tìm hiểu, đây là hình ảnh và đoạn chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Đăng Khoa - Giáo viên dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT Lê Lợi (Tân Kỳ, Nghệ An).

Ngay sau khi đăng tải, hình ảnh và thông tin này lập tức thu hút rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng, nhất là các thầy cô giáo. Nhiều người cho rằng, mức lượng gần 6 triệu của thầy Khoa với nhiều người đã là "mơ ước" lắm rồi. Nhiều giáo viên dạy hợp đồng nhiều năm chưa được vào biên chế không chưa đạt được mức lương ấy.

Trao đổi về điều này với chúng tôi, thầy Nguyễn Đăng Khoa thẳng thắn chia sẻ: "Đây đúng là hình ảnh và thông tin tôi đưa lên mạng. Mục đích duy nhất của tôi chỉ là phản ánh khách quan thực tế mà giáo viên chúng tôi vẫn đang làm. Nghề chính của tôi là giáo viên dạy Ngữ văn. Ngoài ra, tôi cũng tham gia dạy Karatedo, làm MC (dẫn chương trình) trong đám cưới".

luong gv hon 6 trieu thay giao van phai lam mc dam cuoi ban bao hiem day vo

Lớp học Karatedo của thầy Nguyễn Đăng Khoa cùng các học trò. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, thầy Khoa cũng thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện như hỗ trợ chỗ ăn, ngủ, nghỉ cho thí sinh thi THPT quốc gia mấy năm gần đây. Ông cũng tận dụng các mối quan hệ của mình để kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp những trường hợp khó khăn, học sinh nghèo vượt khó.

Thầy giáo xứ Nghệ cũng cho biết, lương "cứng" của mình là 6.200.000 đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí thì còn hơn 5 triệu đồng. Gia đình còn có vợ và hai cô con gái nhỏ. Dẫu biết nghề giáo viên dạy văn lương thấp nhưng thầy Khoa vẫn gắn bó từ nhiều năm nay. Là người hoạt bát và hay hoạt động, thầy Khoa còn làm chủ nhiệm một CLB dạy Karatedo, làm MC đám cưới và bán bảo hiểm.

luong gv hon 6 trieu thay giao van phai lam mc dam cuoi ban bao hiem day vo

Thầy giáo kiêm MC đám cưới Nguyễn Đăng Khoa. Ảnh: NVCC

"CLB Karatedo của tôi và một thầy giáo nữa có khoảng 200 học viên, mỗi tuần chỉ dạy ba buổi vào thứ 4, thứ 6 và Chủ nhật. Thành phần chủ yếu là học sinh từ 6 tuổi trở lên. Mỗi tháng các em chỉ phải đóng 50.000 đồng/người. Đây chủ yếu là tạo sân chơi cho các em học sinh.

Với mức lương giáo viên của tôi có thể là cao so với một số người. Nhưng thực sự các thầy cô giáo chúng tôi vẫn phải bươn chải trên nhiều nghề mới sống tốt được. Về mặt bằng chung, lương giáo viên thấp. Giáo viên muốn sống được bằng nghề cũng khá chật vật bởi họ khó có thu nhập nào khác ngoài lương đi dạy ở trường.

Để mơ ước đến bao giờ xây được nhà, mua ô tô hay lo cho con cái học hành mà chỉ với mức lương giáo viên hiện tại thì e hơi khó. Không ít giáo viên cũng phải kiếm thêm thu nhập bằng các nghề 'tay trái' như bán hàng online, bán bảo hiểm, chăn nuôi thêm ở nhà... rất vất vả. Một khi người giáo viên đã mải bươn chải bên ngoài thì sẽ xao nhãng công việc chuyên môn.

luong gv hon 6 trieu thay giao van phai lam mc dam cuoi ban bao hiem day vo

Thầy giáo dạy Ngữ văn Nguyễn Đăng Khoa và các học trò ở trường. Ảnh: NVCC

Những giáo viên trụ lại được với nghề thì cũng vô cùng chật vật. Ví dụ, một giáo viên phấn đấu cả năm để đạt danh hiệu lao động xuất sắc thì cũng chỉ được 100.000 đồng tiền thưởng. Trong khi mức thưởng của các doanh nghiệp ở bên ngoài thì hoàn toàn ngược lại", Nguyễn Đăng Khoa tâm sự.

Theo tìm hiểu, ngoài dạy võ, làm MC đám cưới, thầy Khoa cũng đi làm thêm cho một công ty bảo hiểm. Từ các nguồn thu nhập này, ông đã dành ra một phần để làm công tác từ thiện tới các mảnh đời còn bất hạnh.

Theo Đình Tuệ (Đời Sống & Pháp Lý)


thầy giáo

học sinh

MC đám cưới

bán bảo hiểm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.