Lưỡng quốc trạng nguyên và câu đố chết người

Khi đi sứ, Mạc Đĩnh Chi bị triều đình nhà Nguyên coi thường. Tuy nhiên, nhờ tài ứng đối nhanh nhạy, ông không những thoát chết mà còn được phong "Lưỡng quốc trạng nguyên".

Khi đi sứ, Mạc Đĩnh Chi bị triều đình nhà Nguyên coi thường. Tuy nhiên, nhờ tài ứng đối nhanh nhạy, ông không những thoát chết mà còn được phong "Lưỡng quốc trạng nguyên".

"Há rằng trống rỗng bất tài

Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay.

Nếu ta giữ mực thẳng ngay.

Mưa sa gió táp xem nay cũng thường".

Những câu văn trong bài phú Ngọc tỉnh liên (Bông sen trong giếng ngọc) gắn liền vị trạng nguyên nổi tiếng tài năng nhưng xấu xí trong lịch sử khoa cử nước ta – Mạc Đĩnh Chi.

Theo cuốn Danh nhân Hà Nội do giáo sư Vũ Khiêu biên soạn, vị "Lưỡng quốc trạng nguyên" này sinh năm 1280 ở làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông tên tự là Tiết Phu. Từ nhỏ, ông đã thông minh hơn người, có tinh thần tự học cao và từng theo học Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc.

Trong Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết: “Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu... gồm 20 người, đều được dùng cho đời”.

Luong quoc trang nguyen va cau do chet nguoi hinh anh 1

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng qua những câu chuyện đi sứ. Ảnh minh họa:Truyện xưa tích cũ.

Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông, triều đình mở khoa thi, Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên. Ban đầu, nhà vua chê ông thấp bé, xấu xí. Vị trạng nguyên 24 tuổi bèn làm bài phú Ngọc tỉnh liên, tự ví mình như sen.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí do Phan Huy Chú biên soạn, vua Anh Tông xem xong, thán phục trước tài văn thơ của Mạc Đĩnh Chi, thăng ông làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia.

4 năm sau, Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên mừng vua Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Tại thời điểm đó, quan hệ giữa hai triều đình không mấy ôn hòa nên sứ thần thường bị làm khó.

Tuy nhiên, trong hoạt động bang giao, vị trạng nguyên trẻ tuổi của nước ta đã chứng tỏ được tài năng, khí phách.

Chuyện kể rằng, trong buổi tiếp kiến đầu tiên, thấy sứ thần Đại Việt nhỏ bé, người Nguyên tỏ ý khinh thường bèn ra câu đối: “Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố” (Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vầng trăng – hàm ý nước lớn đủ sức thâu tóm nước nhỏ).

Mạc Đĩnh Chi bình tĩnh đối đáp: “Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô” (Trăng là cung, sao là đạn, chiều tới bắn rơi Mặt trời).

Dù tức giận, vua Nguyên vẫn phải thừa nhận câu đối của ông rất hay.

Cũng trong lần đi sứ này, nhờ tài ứng đối nhanh nhạy, Mạc Đĩnh Chi được vua Nguyên thán phục, tự tay hạ bút phong "Lưỡng quốc trạng nguyên". Trong lịch sử bang giao hai nước, ông là người duy nhất nhận danh hiệu này.

Những chuyến đi sứ của vị trạng nguyên lỗi lạc cũng để lại nhiều giai thoại đặc sắc.

Tương truyền, khi sứ bộ Đại Việt cáo biệt triều đình nhà Nguyên để về nước, Mạc Đĩnh Chi nhận một câu đố hiểm hóc mà chỉ cần trả lời sai, ông chắc chắn mất mạng.

Họ đố: “Có một chiếc thuyền, trong đó có vua, thầy học, và cha mình (quân, sư, phụ) bơi đến giữa sông chẳng may gặp sóng lớn đắm thuyền. Khi ấy, ngươi ở trên bờ ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, thế thì ngươi cứu ai?”.

Rõ ràng, đây là một trường hợp khó chu toàn trung, hiếu, nghĩa. Trước nguy cơ bị xử tử, tác giả Ngọc tỉnh liên không chút nao núng đưa ra đáp án thích hợp nhất.

“Thần đứng trên bờ, thấy thuyền bị đắm, tất phải vội vã nhảy xuống sông bơi ra cứu, hễ thần gặp ai trước thì thần cứu người ấy trước, bất kể người ấy là vua, thầy học hay cha mình”, ông nói.

Câu trả lời rất chuẩn này không chỉ thể hiện sự nhanh trí mà còn cho thấy thái độ bình tĩnh, gặp nguy không loạn của trạng nguyên nước ta.

Ngoài ra, liên quan câu chuyện đi sứ, chuyện kể rằng, sứ thần Cao Ly mến mộ tài năng, đức độ của sứ thần Đại Việt trẻ tuổi nên mời Mạc Đĩnh Chi qua Cao Ly chơi và gả cháu gái cho ông. Vị thiếp này sinh một nam, một nữ.

Sau này, ông Mạc Văn Kết, hậu duệ Lưỡng quốc trạng nguyên xác minh câu chuyện.

Mạc Đĩnh Chi làm quan dưới 3 triều vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiển Tông. Nhờ tài năng, tính ngay thẳng, liêm khiết, ông được vua nhà Trần trọng dụng, hậu đãi.

Theo các nhà sử học, trong số 46 vị trạng nguyên thời phong kiến nước ta, Mạc Đĩnh Chi là một trong số những người được dân chúng khâm phục và ca tụng đồng thời sáng tạo nhiều giai thoại giàu trí tuệ nhất.

Theo Zing

lịch sử

Mạc Đĩnh Chi

lưỡng quốc Trạng nguyên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.