Nam sinh xúc động đưa ông bà 80 tuổi tới lễ tốt nghiệp

Hình ảnh cậu học trò quê lúa Thái Bình hạnh phúc bên ông bà ngoại và mẹ trong lễ bế giảng khiến bất cứ ai cũng cảm thấy xúc động và ấm áp.

Hình ảnh cậu học trò quê lúa Thái Bình hạnh phúc bên ông bà ngoại và mẹ trong lễ bế giảng khiến bất cứ ai cũng cảm thấy xúc động và ấm áp. Điều đặc biệt, những hình ảnh này được ghi lại bởi chính người thầy giáo đã dìu dắt cậu trong suốt 4 năm đại học.

Trong bức ảnh, Đỗ Trường Hùng (SN 1994, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhẹ nhàng dắt tay bà ngoại năm nay đã ngoài 80 tuổi đến dự lễ bế giảng năm học.

Hùng cho biết, đây là dịp hiếm hoi ông bà được chứng kiến dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của cháu mình.

lễ tốt nghiệp,Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Ảnh: Hà Huy Phượng

 “Ngày hôm nay đối với mình vừa vui lại vừa buồn. Vui vì ông bà ngoại, mẹ, bác, cậu, cô và các em đều đến dự chung vui. Nhưng buồn vì chuyện bé nhỏ này lại khiến những người thực lòng yêu thương mình chịu vất vả do phải di chuyển một quãng đường khá xa” – Hùng chia sẻ.

Nhắc đến những người thân yêu, Hùng không giấu nổi sự xúc động.

“Ông bà ngoại là người chăm sóc mình thuở nhỏ, cũng là những người chịu khổ vì gia đình mình nhiều nhất. Bà ngoại gần 20 năm phải phụ mẹ nuôi hai anh em ăn học. Bà tin tưởng, yêu thương các cháu ngay cả khi chúng mình chỉ là những đứa trẻ chơi bời, lêu lổng, ăn cắp tiền của mẹ. Còn cậu của mình, mặc dù kinh tế gia đình khó khăn, nhưng vì thương và mong cháu có phương tiện để đi làm xe ôm, đã bàn với mợ cho mình mượn chiếc xe máy duy nhất trong nhà. Chính sự tin tưởng ấy của gia đình đã thôi thúc mình phải sống thật tốt”.

lễ tốt nghiệp,Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Ảnh: Hà Huy Phượng

Trong câu chuyện, Hùng cũng nhắc rất nhiều đến người mẹ.

“Mẹ của mình chỉ học hết cấp 2 là nghỉ. Mẹ làm đủ nghề từ hàng xén, đổi vỏ chai, nuôi lợn… Khi bố mình mất, gánh nặng nuôi hai anh em ăn học dồn cả vào gánh hoa rong của mẹ”.

Cho đến tận bây giờ, trong ký ức của Hùng, đó là quãng tuổi thơ đầy cơ cực.

Ngôi nhà của ba mẹ con khi ấy chỉ là những vỉa hè, góc chợ. Ngày mưa bão, ba mẹ con phải ôm cột ô, lấy người chèn bạt để cho gió không thổi bay đồ đạc. Cũng bởi những giọt nước mắt của mẹ đã khiến cậu bé ngỗ ngược năm nào nhận thức được cảnh khó, quyết tâm thi đỗ để đáp đền công ơn đấng sinh thành.

lễ tốt nghiệp,Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Hùng với ông bà ngoại và mẹ.

“Ngày mình đỗ đại học, mẹ phải vất vả nhiều hơn. Có lúc, mẹ làm việc quá sức phải vào viện tiếp nước liên tục. Mẹ mang nhiều bệnh tật nên chỉ nặng hơn 30 kg. Mẹ vất vả cả đời để nuôi mình. Giờ đây, mẹ vượt đường xa đến chỉ để nhìn thấy những điều nhỏ bé mà con trai gặt hái được. Mẹ sẽ hiểu rằng, những hy sinh của mẹ là không vô nghĩa. Mình cũng cảm thấy không hổ thẹn vì bản thân đã sống và nỗ lực để cho những người yêu thương được tự hào về mình”.

Trước những hình ảnh đầy xúc động về cậu học trò đặc biệt, PGS Hà Huy Phượng, Phó trưởng Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), đồng thời cũng là người chia sẻ bức ảnh cho biết:

lễ tốt nghiệp,Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Hùng cùng gia đình và thầy cô

 “Những hình ảnh này được chụp ngay sau khi diễn ra lễ trao bằng tốt nghiệp cho các em sinh viên của khoa Báo chí. Đây là những khoảnh khắc xúc động về một học trò đặc biệt tốt nghiệp loại Giỏi. Khoảnh khắc ấy có sự tham dự của ông bà ngoại, bác, cậu, mẹ, em trai. Họ rất vinh dự về đứa cháu, con của mình. Và, họ cảm thấy tự hào vì thành quả nuôi dạy con cái đã đến ngày đơm hoa, kết trái”.


Theo VietNamNet


lễ tốt nghiệp

lễ bế giảng

Nam sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.