Nữ sinh 30,5 điểm vẫn trượt: "Mình rất buồn vì bị mọi người chỉ trích nhiều thế"

Những lời chỉ trích rằng đã biết điều kiện không đủ mà vẫn cố chấp thi, hay chỉ muốn vào Học viện An Ninh vì được miễn phí ăn học đã tạo nên áp lực khủng khiếp đối với Quỳnh...

Những lời chỉ trích rằng đã biết điều kiện không đủ mà vẫn cố chấp thi, hay chỉ muốn vào Học viện An Ninh vì được miễn phí ăn học đã tạo nên áp lực khủng khiếp đối với Quỳnh, khiến cô gái 18 tuổi phải đóng Facebook và hạn chế lên mạng.

Những ngày qua, sau khi câu chuyện về nữ sinh Nguyễn Như Quỳnh (SN 1997, Chi Lăng, Lạng Sơn) thi được 30,5 điểm vẫn trượt Học viện An ninh xuất hiện trên nhiều trang báo, đã tạo nên rất nhiều luồng dư luận, trong đó có không ít ý kiến phân tích và chỉ trích việc gia đình Quỳnh đang cố gắng xin được đặc cách.

Nữ sinh 30,5 điểm trượt HV An Ninh: Mình rất buồn vì chuyện của mình lại bị mọi người chỉ trích nhiều thế - Ảnh 1.

Họ nói vì sao Quỳnh phải cố chấp theo học trường đó, trong khi với điểm thi cao, cô hoàn toàn có thể lựa chọn những ngôi trường danh giá khác? Lý do có khi nào đơn giản chỉ vì muốn tiết kiệm học phí, mong tương lai có nghề nghiệp ổn định hay vì cô ấy thích cái vẻ ngoài hào nhoáng của ngôi trường đặc thù này? Có người thậm chí còn trách Quỳnh đang làm khổ cha mình, biết rõ bản thân không đủ điều kiện xét tuyển nhưng vẫn cứ "cố đấm ăn xôi".

Những lời chỉ trích đang tạo nên một áp lực khủng khiếp với Quỳnh. Ngoài tâm trạng buồn bã vì nhận ra ước mơ đang tuột khỏi tầm tay, Quỳnh còn chịu thêm nhiều nghi kỵ từ những người không hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện. Điều ấy khiến cô phải đóng facebook và hạn chế lên mạng.

Liên lạc lại với Quỳnh, chúng tôi cũng thoáng buồn khi cô gái có vẻ dè dặt hơn khi chia sẻ, giọng cũng nặng trĩu. Quỳnh nói, số điểm 30,5 bỗng bây giờ trở thành một chuyện quá nặng nề, khiến mọi người thậm chí là nghĩ sai về mình.

"Mơ ước trở thành công an, bộ đội phi thực tế và sách vở quá ạ?"

Giải thích về lý do cố gắng suốt học và luyện thi để quyết đỗ Học viện An ninh, Quỳnh tâm sự: "Ngày nhỏ, với mình, hình ảnh những người lính mặc quân phục tạo cho mình ấn tượng sâu sắc. Nó như là biểu tượng của điều gì đó rất mạnh mẽ, hào sảng. Lúc ấy cũng như nhiều đứa trẻ khác, mình mơ ước thành công an, bộ đội lắm".

Nữ sinh 30,5 điểm trượt HV An Ninh: Mình rất buồn vì chuyện của mình lại bị mọi người chỉ trích nhiều thế - Ảnh 2.
Quỳnh và cậu em họ. Cả hai rất vui vẻ khi nói đến ước mơ ngày nhỏ của cô.

Khi lớn lên, dần nhận thức được nhiều chuyện hơn, Quỳnh nghĩ rằng, các trường khối ngành công an, quân đội chắc chắn là môi trường giáo dục rất tốt, rèn giũa về đạo đức và kỷ luật. Và điều đó lại càng khiến mình nuôi mơ ước thi vào An Ninh.

Trước ý kiến cho rằng Quỳnh quyết tâm thi Học viện An ninh chỉ vì lý do kinh tế, 9X này thẳng thắn thừa nhận: "Thực ra mình chưa khi nào phủ nhận điều này. Gia đình mình không khá giả gì nên mình cũng muốn tự lập phần nào, không muốn để bố mẹ nai lưng ra làm việc, nuôi mình 4 năm học ĐH vất vả. Nếu ra trường có công việc ổn định thì cũng tốt mà. Như vậy thì mình cũng đâu có làm gì sai đâu. Vừa được thực hiện ước mơ, vừa đỡ đần cho bố mẹ. "

Nữ sinh 30,5 điểm trượt HV An Ninh: Mình rất buồn vì chuyện của mình lại bị mọi người chỉ trích nhiều thế - Ảnh 3.

Quỳnh cũng hiểu rằng nếu mình thực sự có năng lực thì dù học trường nào cũng có thể thành công, cũng có thể tự làm, tự học giúp bố mẹ đỡ vất vả. Nhưng lí do kinh tế không phải là đầu tiên và quan trọng nhất. "Thực sự mọi người nghĩ mình mơ ước được làm công an, bộ đội lại là điều gì đó phi thực tế và sách vở lắm sao ạ?".

"Mình thực sự đã nghĩ rằng bố được xoá án tích thì mình vẫn đủ điều kiện xét tuyển"

Trước nhiều ý kiến cho rằng Quỳnh đã quá cố chấp khi dù biết mình không đủ điều kiện vẫn quyết tâm thi vào Học viện An ninh, cô nữ sinh giải thích: "Trước khi thi, mình không hề hay biết điều đó".

Quỳnh tâm sự, kỳ thi năm trước, bạn thi được điểm số không cao nên chưa đủ điểm được xét tuyển vào Học viện An ninh (năm 2015, các thí sinh dự tuyển khối ngành công an, quân đội sẽ được thẩm tra xác minh tiêu chuẩn chính trị sau khi biết điểm thi. Vì năm đó Quỳnh thi được điểm thấp nên quá trình xác minh chưa diễn ra). Trong suốt 1 năm ôn luyện để thi lại, Quỳnh luôn nghĩ cha mình - ông Nguyễn Văn Thuận đã được xóa án tích thì Quỳnh hoàn toàn có cơ hội dự tuyển vào khối ngành đặc thù này.

"Trước đó không có ai giải thích cho mình hiểu rằng chỉ cần tòa tuyên án cha/mẹ mình có tội là mình sẽ được liệt vào dạng không đủ tiêu chuẩn chính trị. Mình có hỏi bố thì ông cũng bảo, nếu đã được xóa án tích thì coi như trắng án, không ảnh hưởng gì".

Nữ sinh 30,5 điểm trượt HV An Ninh: Mình rất buồn vì chuyện của mình lại bị mọi người chỉ trích nhiều thế - Ảnh 4.
Quỳnh khẳng định trước khi đi thi, cô đã không hề biết trường hợp của mình là không đủ tiêu chuẩn chính trị.

"Nếu sớm biết dù có thi được điểm cao đến đâu vẫn trượt thì có lẽ mình đã không kiên quyết thi lại như thế".

Quỳnh cho biết, sau khi biết điểm thi 2 ngày thì nữ sinh này nhận được thông báo bản thân không đủ tiêu chuẩn xét tuyển vào Học viện An ninh (quá trình xác minh lí lịch đã diễn ra từ trước khi có điểm thi - quy định mới này là khác so với các năm trước, kết quả công bố tỉnh đã có văn bản từ ngày 11/7). Khi đó, Quỳnh đã có thể chuyển nguyện vọng khác, nhưng mong muốn vào trường An Ninh lớn quá, khiến Quỳnh và bố đã tìm mọi cách để cố gắng xin xét duyệt lại tiêu chuẩn chính trị.

Thực tế, sau khi đăng tải các bài viết liên quan đến trường hợp của Quỳnh, cũng đã có rất nhiều độc giả khuyên nữ sinh này nên cân nhắc lại về việc đăng kí một nguyện vọng khác phù hợp hơn với điều kiện của mình, đồng thời không phí hoài một kết quả điểm thi rất cao mà nhiều người mơ ước đến thế. Nếu kết quả học tập tốt sau này Quỳnh hoàn toàn cũng có khả năng có được một công việc tốt, báo đáp được cho bố mẹ.

Theo Trí Thức Trẻ

tâm thư

kỳ thi THPT 2016

án tích

trường công an

lý lịch

Học viện An ninh Nhân dân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.