Ðổi mới sách giáo khoa, giáo viên đối mặt nhiều thách thức

Còn 10 tháng nữa, học sinh lớp 1 trên toàn quốc sẽ học sách giáo khoa (SGK) của chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Còn 10 tháng nữa, học sinh lớp 1 trên toàn quốc sẽ học sách giáo khoa (SGK) của chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Đến nay, Bộ GD&ÐT vẫn chưa công bố về SGK.
 

Chương trình GDPT mới dự kiến áp dụng cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 bằng hình thức cuốn chiếu. Nghĩa là từ năm 2021-2022 sẽ áp dụng SGK mới cho học sinh lớp 2, lớp 6, năm tiếp theo là lớp 3, lớp 7, lớp 10…

Để truyền đạt kiến thức tốt nhất đến học sinh, giáo viên phải có thời gian nghiên cứu SGK, vì chương trình lần này được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, khác hoàn toàn với chương trình hiện hành là tiếp cận nội dung. SGK sẽ cụ thể hóa những yêu cầu, mục tiêu thông qua các bài học.

Ðổi mới sách giáo khoa, giáo viên đối mặt nhiều thách thức-1

Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học SGK mới. Ảnh: Hồng Vĩnh/Tiền Phong.

Thách thức với giáo viên

GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng để giảng dạy SGK mới, giáo viên phải dày công nghiên cứu, phân tích để nắm vững chương trình GDPT tổng thể và chương trình môn học cũng như quan hệ giữa các môn học với nhau.

Yêu cầu đặt ra là giáo viên phải phân tích được những vấn đề cần đạt được của từng chủ đề nội dung dạy học, giải mã các hoạt động, xác định được mức độ nhận thức, thiết kế chuỗi các hoạt động học tập.

Ngoài ra, giáo viên cần có kỹ năng thiết kế các hoạt động học tập thường được biểu đạt bằng các câu hỏi, bài tập, bài toán, dự án…

Cô N.H.M., giáo viên tiểu học ở Hà Tĩnh cho biết: “Việc triển khai chương trình SGK mới là thách thức đối với giáo viên. Giáo viên phải được tập huấn, đào tạo lại kỹ càng để hiểu chương trình, phương pháp dạy học mới. Điều giáo viên lo sợ nhất là đổi mới phương pháp dạy học nhưng chỉ được tập huấn qua loa. Khi đứng lớp sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của chương trình”.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội), vừa qua trường cho giáo viên dạy học thực nghiệm chương trình mới. Tuy nhiên, chưa thể đánh giá được gì.

Đến nay, nhà trường cũng đang chờ công bố SGK mới, sau đó giáo viên chờ UBND TP Hà Nội quyết định lựa chọn bộ sách nào mới triển khai các giờ dạy mẫu.

Vì thời điểm này, SGK chưa có nên việc chuẩn bị cho dạy học chương trình mới cũng bị ngưng trệ. Ví dụ, Bộ GD&ĐT đã ban hành danh mục mua sắm trang thiết bị cơ sở vật chất cho chương trình GDPT mới, trong đó lưu ý những thứ cần mua cho lớp 1. Tuy nhiên, vì chưa có SGK, các trường cũng chưa có căn cứ để mua sắm.

Thành bại ở thầy cô?

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho hay giáo viên tiểu học mới được tập huấn 1 đợt về chương trình chung, trong khi SGK chưa có.

“Đáng lẽ, SGK phải hoàn thành cách đây 2-3 năm để các địa phương, nhà trường, giáo viên có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu kỹ và đánh giá bộ sách, cũng như phương pháp đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá”, hiệu trưởng này nói.

TS Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho rằng để áp dụng đổi mới dạy học trong năm tới, có 2 vấn đề quan trọng.

Đầu tiên phải kể đến bồi dưỡng đội ngũ, sau đó mới đến chuẩn bị SGK như thế nào. Trong đó, giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn đóng vai trò tiên quyết, vì nếu giáo viên không thay đổi quan niệm, cách dạy sẽ khó thành công.

Khi đội ngũ giỏi, SGK nào cũng có thể dạy được, còn đội ngũ với trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu thì khi có SGK mới lại phải bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Trọng Rỹ, Phó chủ tịch Trung ương Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, chia sẻ trước khi thực hiện chương trình GDPT mới, ông có đề tài nghiên cứu thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với yêu cầu chương trình mới.

Kết quả cho thấy giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa phải lùi chương trình lại mà trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn và bản thân giáo viên cũng phải nỗ lực để đáp ứng sự thay đổi.

Quốc hội đã ấn định thời gian thực hiện áp dụng đổi mới SGK trong năm học 2020-2021 nên không thể lùi để giáo viên có thời gian nghiên cứu SGK.

Hiện tại, Bộ GD&ĐT bắt đầu có chương trình tập huấn, các nhóm viết sách lớp 6, 7, 10 cũng đã tiến hành biên soạn sách nhằm chuẩn bị sớm vài năm để có thời gian đánh giá.

Ban đầu, Bộ GD&ÐT dự kiến công bố SGK mới vào giữa tháng 10 để các địa phương nghiên cứu, lựa chọn. Tuy nhiên, đến nay, sách vẫn chưa được công bố. Trong khi đó, mới đây, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức hội thảo, công bố 4 bản mẫu SGK lớp 1.
 


Theo Tiền Phong


SGK

sách giáo khoa

Cải cách giáo dục


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.