Phép mầu nào khắc chế được hiện tượng bạo lực?

Chuyện đánh nhau, đâm, chém, … bây giờ không còn là hi hữu nữa. Ngày thường đánh nhau, ngày Tết cũng đánh nhau - dù Tết là khoảng thời gian thiêng liêng trong tâm thức người Việt.

Chuyện đánh nhau, đâm, chém, … bây giờ không còn là hi hữu nữa. Ngày thường đánh nhau, ngày Tết cũng đánh nhau - dù Tết là khoảng thời gian thiêng liêng trong tâm thức người Việt.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 3 ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa rồi, cả nước có khoảng 2200 người đánh nhau, trong đó có 14 người chết. Đó là một thực tế đáng buồn và lo ngại.

Buồn vì trong quan hệ làng xóm, bạn bè, rộng ra là ngoài xã hội người ta ứng xử với nhau đang mất dần đi cái chuẩn mực "người với người sống để yêu nhau". Bạo lực thay cho cái tình vốn là truyền thống đạo lí của dân tộc.

Vào Google gõ cụm từ "đánh nhau" lập tức cho ra 6 triệu kết quả sau 0,6 giây, gõ cụm từ "giết người" cho ra 9.460.000 sau 0,47 giây. Có thể những số liệu do anh "gúc gồ" đưa ra chưa chính xác nhưng vẫn đủ để minh chứng rằng bạo lực đang là mối đe dọa lớn nhất khiến xã hội bất an, lòng dân lo lắng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vì sao bạo lực trong xã hội ngày càng gia tăng?

Ba năm trước, có một nhà văn đặt vấn đề: "Người Việt hung hãn" và ông nêu một loạt câu hỏi: "Tại sao như vậy? Có thật người Việt hung hãn không? Hay môi trường sống hiện nay căng thẳng quá, khắc nghiệt quá, khiến ngay cả người hiền lành cũng không thể nín nhịn, không thể chấp nhận một lời xin lỗi, một câu giải thích?".

Tại sao? Tại sao người Việt ngày càng hung hãn? Tại sao bạo lực ngày càng gia tăng, nhất là dịp Tết Nguyên đán?

Tôi, bạn và chúng ta đã và đang tự hỏi như vậy? Ai sẽ giải đáp những câu hỏi này?

Áp lực công việc, môi trường sống căng thẳng, hay đạo đức xã hội đi xuống,… vân vân và vân vân. Nhưng đấy không phải là nguyên nhân, mà đó là hoàn cảnh, là hệ quả. Vấn đề cốt lõi vẫn là con người, mà con người là sản phẩm giáo dục của xã hội.

Mới đây, Tạp chí Người Đô Thị tổ chức cuộc tọa đàm Mùa Xuân, đặt vấn đề "Chấn hưng đạo đức xã hội: Bắt đầu từ con người hay thể chế?".

Tuy quan điểm của những người tham gia tọa đàm đa chiều, có khi đối nghịch nhưng về tổng thể, đều thừa nhận đạo đức xã hội lâm nguy và đề cập vai trò của giáo dục trước hệ lụy này.

Giáo dục nói đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm nhà trường, gia đình, xã hội.

Trong phạm vi nhà trường, giáo dục đang đánh mất vai trò của mình, ít nhất là ở phạm trù đạo đức.

Để đào tạo học sinh trở thành "con người mới" chúng ta có môn Đạo đức ở bậc Tiểu học, môn Giáo dục công dân ở bậc Trung học cơ sở trở lên. Thoạt nhìn, ai dám bảo nhà trường không chăm lo giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh như tiêu chí các môn học này đặt ra?

Nhưng giữa mục tiêu và hiện thực còn một khoảng cách quá xa. Phải chăng chúng ta đang xem nhẹ việc dạy con người những giá trị văn hóa, đạo đức hay kĩ năng sống ? Bài học đạo đức trong sách giáo khoa thì xơ cứng, máy móc. Học trò không thích, còn người dạy thì thiếu "lửa" vì luôn bị ám ảnh là môn phụ và sự "thờ ơ" của người học.

Chưa bao giờ mối quan hệ thầy - trò lỏng lẻo và bị chi phối nhiều như hiện nay.

Ba bốn chục năm về trước, dù trong hoàn cảnh đất nước khó khăn nhưng hình ảnh người thầy được học trò kính trọng, xã hội tôn vinh. Trò gặp thầy ngoài đường, cách cả chục mét đã đứng lại khoanh tay, cúi đầu chào lễ phép. Một lời thầy nói ra, trò răm rắp nghe theo. Trong niềm kính trọng còn pha cả chút nể sợ. Khi người ta còn biết sợ thì nhân bản vẫn còn, không dám làm điều ác độc, trái lương tâm.

Nhưng hiện nay, những điều nêu trên đã rơi rụng nhiều, chỉ cần thầy quát nạt, xách tai, gõ thước… trò là lập tức, phụ huynh phản ứng, rồi báo chí, mạng xã hội rầm rộ lên tiếng. Người thầy bị bủa vây bởi những ràng buộc vô hình, lên bục giảng chỉ là nghĩa vụ làm công ăn lương, không mấy tâm huyết với nghề.

Còn học trò không ít đối tượng đã dám “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” cả đối với thầy chỉ vì không ưa, không thích hay bị điểm kém.

Trong môi trường giáo dục như thế, đạo đức, nhân cách của trò sẽ ra sao, ai cũng biết.

Khi đất nước mở cửa, kinh tế thị trường được thiết lập, khoảng trống đạo đức càng rộng ra. Đồng tiền chi phối xã hội mạnh mẽ và gia đình không còn là nơi gieo mầm tử tế, điều đó hoàn toàn ngược lại với những bài học đạo đức ở nhà trường.

Dối trá, gian lận, háo danh là những căn bệnh trầm kha đang xảy ra, và đó chính là mầm mống của bạo lực, tội ác.

Phải thay đổi nhận thức và tư duy của con người mà mấu chốt bắt đầu từ giáo dục. Trách nhiệm này là của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của mỗi gia đình trong đó nòng cốt là nhà trường.

Một nền giáo dục "Nhân bản - Dân tộc - Khai phóng" nhất định sẽ đẩy lùi cái xấu, chấn hưng dân trí, đạo đức xã hội.

Một bộ máy hành chính công minh bạch, liêm chính, thực sự vì dân sẽ hội đủ sức mạnh trấn áp tội phạm, đem lại bình yên cho xã hội.

Theo Lao động



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.