Phụ huynh chạnh lòng khi giáo viên trả lời "OK": Lỗi sai đến từ phía không ngờ

Có lẽ chúng ta cũng nên nhìn nhận lại vấn đề bắt đầu từ cách phụ huynh xin nghỉ phép.

Nếu chỉ trích giáo viên đã quá vô tâm khi trả lời tin nhắn của phụ huynh chỉ bằng từ "OK", thì có lẽ chúng ta cũng nên nhìn nhận lại vấn đề bắt đầu từ cách phụ huynh xin nghỉ phép.

>>  Khi giáo viên nhắn tin “OK” trả lời phụ huynh


Phụ huynh chạnh lòng khi giáo viên trả lời "OK": Lỗi sai đến từ phía không ngờ
(Ảnh minh họa)

Trong ít ngày qua, chỉ bằng vài dòng tâm sự, phàn nàn cùng 2 bức ảnh chụp màn hình tin nhắn xin nghỉ học cho con đang học lớp 7, một vị phụ huynh ngoài 30 tuổi đã thổi bùng lên cuộc tranh luận vô cùng gay gắt trên mạng xã hội Việt. 

Chẳng là trước giờ vào lớp buổi sáng, có thể vì quá gấp mà vị phụ huynh đã nhắn tin điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm của con để xin phép nghỉ học với nội dung như sau: "Chào cô giáo, tôi là phụ huynh của cháu Minh Quân, lớp 7A1. tôi xin phép cho cháu nghỉ vì bị sốt phải đi khám. Khi đi học lại tôi xin gửi giấy phép tới nhà trường sau. Cảm ơn cô".

Và để đáp lại tin nhắn xin nghỉ học đầy thống thiết như vậy, cô giáo chủ nhiệm chỉ đáp lại "OK". Tin nhắn hồi đáp ngắn gọn đủ ý, thỏa mãn mong đợi - cho phép nghỉ học, lại khiến vị phụ huynh cảm thấy chạnh lòng vì cho rằng cô giáo đã quá lạnh lùng, vô tâm.

Giống như thường lệ, cộng đồng mạng lại phân chia thành 2 luồng ý kiến trái chiều, tranh cãi vô cùng sôi nổi, gay gắt. 

Dưới đây chúng tôi xin được trích đăng một bài chia sẻ, chỉ ra lỗi thực sự trong sự việc tưởng nhỏ hóa to này của faecbooker Chiến Văn. Quan điểm của anh hiện đang nhận được rất nhiều sự đồng tình của người đọc. 

Phụ huynh chạnh lòng khi giáo viên trả lời OK: Lỗi sai đến từ phía không ngờ - Ảnh 1.
Phụ huynh chạnh lòng khi giáo viên trả lời OK: Lỗi sai đến từ phía không ngờ - Ảnh 2.

Nội dung đoạn tin nhắn làm nổ ra cuộc tranh luận rôm rả trên mạng xã hội Việt. (Ảnh chụp màn hình)

"OK, có OK không???

Chỉ là 1 tin nhắn trao đổi qua lại giữa phụ huynh học sinh với 1 cô giáo mà đã trở thành đề tài gây tranh cãi suốt mấy ngày qua trên 1 số diễn đàn mạng xã hội và cuối cùng, là đề tài gây "hot" trên báo chí. {...}

Chính cái chữ OK ấy đã khiến vị phụ huynh cảm thấy chạnh lòng, từ đó nâng quan điểm lên rằng cô giáo lạnh lùng, thiếu trách nhiệm, không tôn trọng phụ huynh, không biết cách động viên, hỏi han khi biết tin học sinh ốm... 

Cộng đồng mạng thì chia thành 2 phe. Phe bênh phụ huynh kia thì lên án cô giáo không tiếc lời, tiện thể lôi luôn thực trạng nền giáo dục ra mổ xẻ. Phe bênh giáo viên thì cho rằng thế là bình thường, nhiều người còn khuyên phụ huynh ấy nên mang con về nhà mà dạy và nâng niu chăm bẵm nhau...!?! Nói chung nhiều ý kiến khá cực đoan.

Tôi thì thấy thế này: Trước hết, phải thấy rằng phụ huynh 30 tuổi và cô giáo đã ngoài 50, như vậy, có sự chênh lệch đáng kể về thế hệ, tuổi tác, nhân xưng và phương pháp sử dụng công nghệ trong giao tiếp. 

Nghĩa là, người 50t có thể "ừ", "ok" với người kém gần nửa số tuổi của mình là bình thường trong khi người kia thì không làm được điều ngược lại. Thứ nữa, thao tác soạn tin nhắn của người 30 tuổi với người 50 tuổi là khác nhau, không thể lấy số từ ngữ ra để so sánh, đong đếm.

Điều quan trọng hơn là, trong tình huống này, ai là người ở vị thế phải nhờ cậy và không chuẩn ngay từ đầu? Đó chính là phụ huynh kia. 

Phụ huynh chạnh lòng khi giáo viên trả lời OK: Lỗi sai đến từ phía không ngờ - Ảnh 3.

Người đã có hành vi không chuẩn ngay từ đầu chính là vị phụ huynh kia. (Ảnh minh họa)

Thực ra, thời kỳ công nghệ bùng nổ, điện thoại di động được coi là phương tiện giao tiếp chủ yếu nhưng nó vẫn không phải là chính thống trong tất cả lĩnh vực, công việc. Nhất là lại ở dạng tin nhắn. 

Qua tin nhắn, người đọc không thể biết chính xác chủ nhân của nó là ai. Chưa kể, nếu đang bận, người ta không đủ thời gian để ngồi đọc kỹ tin rồi soạn lại đầy đủ nội dung ý tứ. 

Điều này thường chỉ dành cho các đôi uyên ương đang giai đoạn tán tỉnh nhau, thường vào nửa đêm. Còn lúc 7h sáng, chuẩn bị bước vào giờ lên lớp, không thể đòi hỏi cao ở cô giáo độ tuổi sắp đến ngưỡng về hưu kia phải trả lời như nhân viên tổng đài.

Tại sao phụ huynh không gọi điện cho cô giáo mà lại chọn hình thức nhắn tin? Gọi điện chắc chắn tính xác thực cao hơn, nội dung trình bày đầy đủ hơn trong khi thời gian chưa chắc tốn bằng. 

Vậy có phải phụ huynh đã cố tình đưa giáo viên vào thế " đã rồi", cứ nhắn xong là được, còn cô giáo đồng ý hay không tính sau? Bởi nếu đang vội, chả ai lại ngồi soạn tin nhắn rồi thấp thỏm ngồi chờ cô giáo trả lời để rồi sau đó lại chạnh lòng khi chỉ nhận được dòng OK cụt ngủn cả.

Thái độ cô giáo, đạo đức người thầy không thể hiện ở chỉ 1 tin nhắn vào lúc chuẩn bị lên lớp. Là phụ huynh, con đã lên lớp 7, người ta có nhiều cách để đánh giá giáo viên của con mình, chứ không phải chỉ với mỗi tin nhắn kia rồi hoang mang đem lên mạng giãi bày chia sẻ.

Nếu chỉ với mục đích xin cho con nghỉ học, chữ OK kia đã là quá đủ, là sự ưu ái, dễ dãi rồi. Còn muốn không phải chạnh lòng, lần sau hãy mang đơn đến gặp và nộp trực tiếp, từ đó mới đánh giá thái độ của cô giáo được. 

Dân gian có câu: Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Không cho đi thái độ đúng mực, thì cũng đừng nên chạnh lòng khi đón nhận những gì được đáp lại.

Trường hợp này, OK với vị phụ huynh đã là quá OK rồi".

>> Thầy cô cao tay và những cách trị học trò bá đạo khiến dân mạng nể phục

Theo Trí Thức Trẻ

giáo viên

Nhắn tin

phụ huynh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.