Phụ huynh có con học theo phương pháp "vuông tròn” khẳng định: "Con biết đọc nhanh, chính xác"

Giữa hàng loạt tranh cãi về cách đọc theo ô vuông, hình tròn, tam giác trong sách tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, nhiều phụ huynh có con học phương pháp này đã lên tiếng.

Giữa hàng loạt tranh cãi về cách đọc theo ô vuông, hình tròn, tam giác trong sách tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, nhiều phụ huynh có con học phương pháp này đã lên tiếng.

Những ngày qua, đoạn clip quay lại cảnh cô giáo hướng dẫn học sinh học câu thơ "Tháp mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" bằng phương pháp nhìn vào dấu chấm, ô vuông để đọc thuộc lòng đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng.

Phần đông phụ huynh cho rằng đây là cách dạy học kỳ lạ, thậm chí khó hiểu vì khiến con họ chỉ có thể học vẹt chứ không nhận được mặt chữ với thái độ phản đối hết sức gay gắt. Tuy nhiên, một số người lại khẳng định phương pháp dạy và học "vuông tròn" này không hề ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ.

Những bài đọc khiến nhiều phụ huynh bức xúc, lo lắng vì không hiểu sẽ dạy con thế nào

Chị Trần Trang (Hà Nội) - phụ huynh có con từng học đọc theo ô vuông, tam giác cho biết, con gái chị từng học lớp 1 theo cách này mà không hề gặp bất kỳ trở ngại nào. Hết học kỳ 1 là bé đã đọc viết thuần thục, không nhầm lẫn, không sai chính tả, không phải lò dò đánh vần từng chữ mà đọc một lèo đoạn văn dài không vấp, không ngọng và đặc biệt là bé học rất vui vẻ, hào hứng.

“Tối hôm kia mình đã hỏi con có nhớ hồi lớp 1 con học đọc với các hình vuông hình tròn không? Con nghĩ vì sao cô lại dạy con thế? Bé trả lời rằng: Con nhớ rất rõ mà, đấy là cô dùng các hình đó thay cho tiếng, mỗi một ô tương ứng với một tiếng trong câu, có bao nhiêu tiếng thì sẽ có bấy nhiêu ô.

Với cả lúc đấy các bạn mới đi học đã biết chữ đâu nên cô có viết chữ các bạn cũng không đọc được. Chỉ là cách để đếm xem câu cô nói có bao nhiêu tiếng thôi mà mẹ. Các tiếng giống nhau sẽ có màu giống nhau nữa, cô còn vừa đọc vừa vỗ tay vào nhau ấy mẹ, mỗi tiếng vỗ tay là một tiếng cô đọc. Học thế vui mà mẹ.

Mình hỏi tiếp: Sau khi con chuyển sang trường mới thì có gặp khó khăn gì không? Bé đáp lại rằng: Không mà mẹ, lớp con còn nhiều bạn lớp 2 vẫn khó đánh vần đấy, và đánh vần thì khác cách con học. Ví dụ là chữ Nguyên, các bạn đánh vần rất dài: u y ê nờ uyên, ngờ uyên nguyên trong khi con được học ghép vần ngắn hơn là ngờ uyên Nguyên.

Đấy là với những từ không có dấu, còn nếu có dấu thì chỉ cần đánh vần thế này: Nguyên ngã Nguyễn (vừa đọc vừa vỗ tay xong xoè từng bàn tay mỗi khi đọc: Nguyễn vỗ tay vào nhau, xoè tay phải ra đọc Nguyên, tay trái đọc Ngã, vỗ hai tay vào nhau đọc Nguyễn). Vừa làm bạn ấy vừa nói mặt rất thản nhiên, không gặp khó khăn gì.

Mình lại hỏi tiếp: Sao mẹ thấy con phát âm ba chữ C, K, Q đều là cờ, thế con phân biệt khi viết và khi đọc các từ có các chữ đấy thì thế nào? Bé trả lời rằng: Đấy là 3 con chữ khác nhau mà mẹ, khi phát âm ra miệng thì giống nhau là cờ nhưng khi ghép với từng chữ đi sau nó thì phải theo “LUẬT CHÍNH TẢ” mà sẽ viết là C hay K hay Q. Ví dụ “cờ” đi với i, e, ê thì theo luật Chính tả sẽ được viết là con chữ K, con chữ C không bao giờ ghép với các chữ đó....”, chị T. chia sẻ.

Những bài thơ của bé T.L, đang theo học tại trường tiểu học Thực Nghiệm (Hà Nội) đã làm. Mẹ bé khẳng định bé đã biết làm thơ từ lớp 2. Vần thơ gieo đều, có ý nghĩa và đúng chính tả. Ảnh facebook N.T.Tr.

Đồng quan điểm với chị T., chị Nguyễn Thị Dung (Thanh Liêm, Hà Nam) có con đã 3 năm tiếp xúc với cách học này, chị cho biết 2 con chị chỉ hết học kỳ 1 là đã có thể đọc được thơ văn mà không bị vấp chữ hay sai chính tả.

 “Bài về ô vuông hay ô tròn chỉ là bài đầu tiên và các con chỉ học trong 2, 3 tiết chứ không học dài, không như mọi người nghĩ rằng thay hoàn toàn chữ bằng những ô vuông ô tròn như vậy. Tôi cho rằng đây là phương pháp học rút ngắn quá trình, giảm sự sai sót trong quá trình học giúp các con hiểu ngữ pháp, cấu trúc của tiếng, nên dễ ghi nhớ hơn” chị Dung nhấn mạnh.


Theo Khám Phá


cách đọc vuông tròn

đọc bằng hình vẽ

phương pháp giáo dục


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.