Phụ huynh lo ngại chất lượng sữa học đường "cận đát"

Bắt đầu từ năm học này, học sinh mầm non và tiểu học trên sẽ tham gia chương trình Sữa học đường theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bắt đầu từ năm học này, học sinh mầm non và tiểu học trên sẽ tham gia chương trình Sữa học đường theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ đến năm 2020.

Theo đó, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ được uống sữa tươi 5 lần/ tuần (tức mỗi ngày một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.

Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%.

Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.

Theo thông báo của nhiều trường tiểu học, mỗi hộp sữa sẽ có giá 6.800 đồng, mỗi ngày các bé uống 1 hộp.

Đặc biệt, đây là chương trình tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia.

Chị Hồng – một phụ huynh có con học mầm non cho biết, chị ủng hộ chương trình này. Mỗi hộp sữa phụ huynh chỉ phải đóng 3.400 đồng – rẻ bằng nửa mua ở ngoài. Tuy nhiên, chị chỉ lo ngại rằng sữa con uống không đảm bảo an toàn.

Đồng tình với chị Hồng, một bà mẹ khác khẳng định, mục tiêu của chương trình là rất tốt, đã có nhiều quốc gia trên thế giới làm. Phụ huynh sẽ hoàn toàn ủng hộ nếu chất lượng sữa được đảm bảo.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn còn thắc mắc và nghi hoặc khi nhà trường bắt đầu phát động chương trình này. Trên một diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ, chủ đề sữa học đường được thảo luận sôi nổi.

Hầu hết các phụ huynh lo ngại về loại sữa mà con mình sẽ được uống. Có phụ huynh đặt nghi vấn: Liệu các hãng sữa có cung cấp sữa cận “date” cho con mình uống? Sữa mà nhà trường cung cấp có phù hợp với thể trạng, thói quen của trẻ?

Một số mẹ còn phản ánh rằng, trường con các chị bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia. Dù uống hay không uống, nhà trường đều thu vỏ lại, không cho mang về. “Nhà mình bảo không đăng kí vì ở nhà con dùng sữa riêng, sợ uống rối loạn tiêu hóa thì được cô chủ nhiệm trả lời là việc đấy tính sau. Giờ phải kí để giúp các cô hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên” – một phụ huynh chia sẻ.

Chị Mai kể: “Con mình uống sữa mang hộp về, mình thấy cận ‘date’ thì báo với cô giáo. Hôm sau cô không cho con mang vỏ về nữa”.

Với những gia đình thành phố, việc cho con uống đủ lượng sữa mỗi ngày là điều không khó, vì thế nhiều mẹ nói rằng con mình không cần phải bổ sung thêm nữa. Tuy nhiên, nếu không đăng ký thì con sẽ bị đưa ra một khu vực riêng khi các bạn đang uống sữa, nên chẳng mẹ nào muốn thế, lại đành phải đăng ký.

Trước những băn khoăn của phụ huynh về việc các trường chưa cung cấp tên thương hiệu sữa khi đăng ký tham gia đề án, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội lý giải, đến thời điểm này, Sở và các đơn vị liên quan đang triển khai bán hồ sơ mời thầu và đã có 7 đơn vị đăng ký tham gia.

Sau khi chốt, Sở sẽ công bố tên đơn vị trúng thầu tới tất cả phụ huynh.

Tuy nhiên, ông Tiến cho hay đơn vị nào trúng thầu cũng phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Bộ Y tế về chất lượng sữa. Ngoài ra đơn vị đó cũng phải đủ năng lực để đáp ứng cung ứng cho số lượng lớn trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học Hà Nội tham gia đề án.

Ông Tiến cũng khẳng định, việc tham gia đề án này là hoàn toàn tự nguyện. "Phụ huynh có thể đăng ký cho con tham gia ở bất kỳ thời điểm nào và cũng có thể tạm dừng bất cứ lúc nào khi không có nhu cầu. Hiện nay phụ huynh đăng ký cho con tham gia khi chưa biết công ty nào trúng thầu, nhưng đến khi có đầy đủ thông tin rồi mà thấy không yên tâm thì vẫn có thể rút lại đăng ký”, ông Tiến nói.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, mục tiêu của đề án là bổ sung dưỡng chất cần thiết trong giai đoạn phát triển thể lực cho trẻ em của thành phố nên mong muốn của ngành GD-ĐT là các trường tổ chức tuyên truyền để phụ huynh hiểu chính xác, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa. "Chỉ khi có đầy đủ thông tin thì phụ huynh sẽ thấy việc tham gia là cần thiết, trừ những trường hợp bất khả kháng như học sinh có cơ địa dị ứng với các thành phần của sữa hoặc một số lý do đặc biệt khác", ông Tiến nói.

Tuy về nguyên tắc là "tự nguyện", nhưng nhiều phụ huynh cho biết họ buộc phải ký Đồng ý trong đơn tham khảo ý kiến; và thắc mắc lớn nhất vẫn chưa được giải toả là tại sao lại phải thu vỏ về, nhất là khi vẫn có thông tin về học sinh bị ngộ độc vì uống sữa ở trường.

“Một bữa sữa con chúng tôi không uống, bé không gầy đi, không yếu hơn, nhưng bị ngộ độc 1 lần thôi là tổn hại sức khoẻ của con và tốn rất nhiều tiền của cha mẹ. Nếu các vị kiểm soát và cam kết được như lãnh đạo Nhật Bản với nhân dân thì chúng tôi ủng hộ cả hai tay” - chị Thu Phương, một phụ huynh bày tỏ.


Theo VietNamNet


sữa học đường


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.