Suýt bị trung tâm việc làm lừa, nữ sinh đáp trả: Ăn được tiền của sinh viên mà dễ à!

Sinh viên chia sẻ kinh nghiệm tránh bị lừa khi làm thêm

Nếu không bản lĩnh, tỉnh táo, nhiều sinh viên sẽ bị các trung tâm giới thiệu, tư vấn việc làm lừa mất khoản tiền đặt cọc hoặc giới thiệu việc làm không như ý muốn.

Sinh viên, dù việc học đầy bận rộn nhưng ai cũng muốn đi làm thêm để đỡ cho bố mẹ, để có thêm tiền đi ăn, đi chơi. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn kiếm được một công việc tốt, lương ổn định. Lợi dụng nhu cầu kiếm việc cao lại không hiểu biết nhiều, các trung tâm tư vấn việc làm đã tìm mọi cách để moi từng đồng của các bạn sinh viên nhẹ dạ cả tin, từ bắt đóng tiền đồng phục, tiền đặt cọc, tiền phần trăm hàng tháng.

Câu chuyện mà nữ sinh dưới đây đăng lên trang NEU Confessions là một trong những chuyện điển hình mà hầu hết sinh viên kiếm việc qua các trung tâm tư vấn việc làm đều gặp phải.

Theo cô bạn sinh viên trường Kinh tế quốc dân này, năm 1, cô từng hào hứng nghĩ đơn giản không một chút hoài nghi về việc đi gia sư sẽ bị lừa như thế nào. Cô mang 800 ngàn mượn của chị đi nộp vào trung tâm tư vấn việc làm để nhận 1 lớp ở Mỗ Lao - Hà Đông dạy 2 học sinh tiếng Anh.

Suýt bị trung tâm việc làm lừa, nữ sinh đáp trả: Ăn được tiền của sinh viên mà dễ à!-1

Chuyện sinh viên bị các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm lừa không phải là chuyện mới. (Ảnh minh họa)

Cô kể: "Chị tư vấn viên rất niềm nở, rất nhiệt tình, miệng nói liến thoắng không nghỉ. Thoắt một cái, chị rút ra tờ hợp đồng kêu mình ký nhanh không hết giờ làm việc. Mình ngây thơ vẽ những nét đầu tiên của cuộc đời vào tờ giấy hợp đồng và ra về, lòng thầm mong sớm được gặp gia đình học sinh để dạy. Trên đường về còn mua thêm cả sách dạy tiếng Anh.

Ngày hôm sau gọi cho phụ huynh, họ bảo: "Ơ tôi cần giáo viên, đâu có cần sinh viên dạy". Cảm giác mình bị lừa, mình rút điện thoại ra tìm mới thấy Fanpage của Trung tâm đó nhận được rất nhiều đánh giá 1 sao và cảnh báo lừa đảo.

Ngày hôm sau đến trung tâm, thông báo với họ lý do lớp huỷ. Họ đưa cho một danh sách để nhận lớp khác nhưng lớp nào gần thì họ bảo có người nhận rồi, chỉ còn những lớp xa lắc xa lơ tận Long Biên, Yên Sở, Gia Lâm.

Mình đành ngậm ngùi về nhà chờ bao giờ có lớp họ gọi. Ngay sau đó họ đưa cho một lớp cũng xa tận đẩu tận đâu nên mình không nhận. Họ bảo: "Chị đưa cho em lớp, em không nhận, vậy hợp đồng BỊ HUỶ".

Đến thẳng trung tâm gặp thì thấy có khá nhiều các bạn sinh viên cũng đang đứng chờ xin việc. Mình nói to: "Chị ơi em không nhận được lớp, chị bảo hợp đồng bị huỷ thế là thế nào?" Mấy bạn sinh viên nghe thấy thế bỏ về dần. Chị ấy mới ngọt nhạt xoa dịu: "Nếu em không nhận được lớp thì 11h ngày 16/3 em quay lại đây chị giải quyết hợp đồng cho em."

May lúc đấy mình tỉnh táo giở hợp đồng ra xem, trong đấy ghi rõ:

THỨ NHẤT: Nếu quá thời gian 10 ngày bên A (tức bên mình) không nhận được lớp ưng ý, hợp đồng không còn hiệu lực.

THỨ HAI: Không giải quyết hợp đồng trong các ngày thứ bảy, chủ nhật, các ngày lễ, Tết...

THỨ BA: Không giải quyết hợp đồng sau 11 giờ.

Suýt bị trung tâm việc làm lừa, nữ sinh đáp trả: Ăn được tiền của sinh viên mà dễ à!-2

(Ảnh minh họa)

Hay lắm, họ hẹn mình đúng tròn 10 ngày, thậm chí còn rơi vào chủ nhật và sau 11 giờ. Tất cả những gì chị ta hẹn mình, đều nhằm gài để đi đến kết quả là huỷ hợp đồng và tất nhiên mình sẽ mất tiền cọc do lỗi của mình. Nhận thấy bất thường nên mình lấy điện thoại ra quay lại cuộc nói chuyện với chị tư vấn:

- Chị ơi theo hợp đồng, 16/3 trung tâm sẽ giải quyết, mà 16/3 là chủ nhật, tròn 10 ngày của hợp đồng, và sao lại là 11 giờ mà không phải 9 giờ để hợp đồng của em được giải quyết?

- Em cứ đến, chị bảo em cứ làm như vậy?

- Chị chắc chắn sẽ làm trong 11h ngày 16/3 chứ?

- Chắc chắn!

Ngày 16/3, trưa 10 giờ mình đã có mặt ở đó, chị tư vấn cũ bảo anh quản lý chưa đến để giải quyết, nên phải đợi đúng 11 giờ. Mình đợi đến 11 giờ hỏi chị ấy thì được bảo anh quản lý vừa về cơ sở Cầu Giấy để làm mấy việc mất rồi, không biết có quay lại đây không nữa.

Mình lóc cóc bắt xe sang Cầu Giấy quyết giải quyết hợp đồng cho xong vì sau ngày hôm đó sẽ không thể làm gì được nữa. Đi buýt số 26 lúc đó là 10 giờ 30 phút đến gần đoạn Thái Hà - Chùa Bộc thì rút điện thoại ra gọi cho anh quản lý. 

Anh bảo tỉnh bơ: "Ơ em à! Anh về qua Minh Khai (địa chỉ trung tâm nơi mình vừa rời đi), em qua Minh Khai đi, nhanh không hết giờ".

Chả hiểu sao vừa bảo ở Cầu Giấy giờ lại ở Minh Khai. Mình bực quá bèn nói: "Này anh! Em biết trung tâm anh đã lên báo, vì làm ăn không trung thực, thế nhưng em vẫn tin và đã nộp tiền cho trung tâm. Cơ mà đến nước này em nghĩ lên báo chưa đủ, phải lên Tivi mới ăn thua. 800 ngàn em không cần nữa, anh nghĩ lừa lấy được tiền của sinh viên mà dễ à, anh chờ phóng sự về trung tâm của anh trên Tivi nhé."

Nói thế thôi nhưng mình vẫn run, vẫn bắt buýt quay lại chỗ Minh Khai để đòi bằng được tiền. Đến thì thằng anh quản lý đã ở đó rồi, anh hầm hừ giống như sắp đánh mình đến nơi, nhưng vẫn bảo: 

Anh đang có lớp ngon cho em.

- Em không cần nữa, anh trả tiền đặt cọc cho em."

Giằng co mãi một hồi anh ấy mới chịu trả. Mình vừa mừng vừa sợ, được phen hú hồn suýt ăn quả lừa nhớ đời."

Suýt bị trung tâm việc làm lừa, nữ sinh đáp trả: Ăn được tiền của sinh viên mà dễ à!-3

Nếu không bản lĩnh, các bạn sinh viên rất dễ mất cả chì lẫn chài. (Ảnh minh họa)

Qua câu chuyện trên, nếu các bạn sinh viên muốn đi làm thêm thông qua các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cần chú ý các điểm sau:

- Chọn trung tâm uy tín, được review tốt.

- Đọc kỹ hợp đồng và gọi cho gia đình mình sẽ nhận dạy ngay khi nhận thông tin từ trung tâm.

- Ghi lại bằng việc ghi âm, quay clip, chụp ảnh hợp đồng, thỏa thuận giữa các bên.

- Không hiểu gì phải hỏi ngay, hỏi kĩ, chi tiết và cần chốt câu trả lời chắc chắn cuối cùng từ các trung tâm.

- Luôn tỉnh táo. Tốt nhất hãy nhờ sự gợi ý, giúp đỡ của các anh chị đi trước.

Theo Helino


Sinh viên

lừa đảo

việc làm thêm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.