Tâm thư nữ sinh gửi Bộ Giáo dục: Làm ơn đừng thay đổi thi cử

Cộng đồng Facebook đang lan tỏa bức thư của một học sinh viết gửi Bộ GD&ĐT sau dự thảo thi tuyển sinh 2017. Phương Thảo cho biết hiện em học lớp 12 tại TP HCM.

Cộng đồng Facebook đang lan tỏa bức thư của một học sinh viết gửi Bộ GD&ĐT sau dự thảo thi tuyển sinh 2017. Phương Thảo cho biết hiện em học lớp 12 tại TP HCM.

tam thu nu sinh gui bo giao duc: lam on dung thay doi thi cu hinh anh 1

Bức tâm thư nhận được nhiều bình luận khác nhau. Ảnh chụp màn hình.

Bức thư của Thảo nhanh chóng nhận được gần 10.000 lượt like (thích) và hơn 4.000 lượt chia sẻ. Một luồng ý kiến đồng cảm với học sinh này, cho biết họ cũng là "nạn nhân", "chuột bạch", khi chỉ còn 9 tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi. Luồng dư luận khác lại cho rằng, cách làm của Bộ GD&ĐT giảm áp lực cho học sinh.

Bạn Ngọc An viết: "Bộ GD&ĐT nên có sự thay đổi nhưng phải cho học sinh biết rõ lộ trình ít nhất 3 năm để yên tâm học tập. Bộ luôn nói không gây sốc cho giáo viên và học sinh nhưng mình nghe dự thảo còn... trên cả sốc".

Thành viên Nguyễn Thế Tùng chia sẻ: "Cách thay đổi phương thức thi của ĐH Quốc gia Hà Nội trước đây đã báo hiệu sự thay đổi. Các bạn không nên quá lo lắng, hãy tập trung học thật tốt vì học sinh cả nước đều thi một phương thức chứ đâu phải riêng mình bạn?".

Bức thư của Phương Thảo như sau:

Thưa Bộ GD&ĐT, thực sự con không biết các bác có đọc bức thư này hay không, nhưng con vẫn muốn chia sẻ một số điều còn băn khoăn.

Năm nay, con là học sinh cuối cấp chuẩn bị thi THPT. Con biết Bộ GD&ĐT muốn đổi mới, cải cách, cải thiện để kỳ thi tốt hơn, giáo dục tốt hơn nhưng làm ơn hãy lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc, đó là thầy cô và học sinh.

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, chúng con đã định hướng, chọn môn thi và khối thi, chuẩn bị tâm lý từ cuối năm lớp 11. Vậy tại sao chúng con đang học chương trình SGK từng môn mà tới lúc thi lại làm bài có nhiều môn? Sự thay đổi này khiến thầy cô và chúng con đều không chuẩn bị kịp.

Đặc biệt, với môn Toán, thầy cô dạy theo tự luận sẽ có cách trình bày khác, còn nếu làm theo trắc nghiệm sẽ có kỹ năng giải nhanh hơn cho kịp thời gian. Phương án này sẽ làm cho học sinh chúng con và giáo viên thay đổi 180 độ.

Đúng là trong khoa học tự nhiên có cả 4 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh nhưng thưa Bộ GD&ĐT: Một nhà kinh doanh có nhất thiết phải học môn Sinh? Một bác sĩ có cần thiết phải giỏi Vật lý? Vậy, việc cho thêm môn vào bài thi sẽ làm mất thời gian mà thôi.

Cách thi như vậy sẽ dẫn đến việc chúng con không chỉ học chương trình SGK để biết thêm kiến thức, mà còn phải học để thi. Chúng con không chỉ học tất cả môn và ôn trọng điểm các môn phải thi, mà còn phải học nhồi nhét những môn không liên quan ngành nghề.

Trước đây, chúng con không phải học lệch mà học những thứ có ích. Thứ nhất, học để có công việc ổn định, thứ hai để trở thành người có ích cho đất nước.

Con mong Bộ GD&ĐT hiểu kiến thức là vô tận, không thể bắt chúng con nhồi nhét quá nhiều vào cùng một lúc. Đó có thể gọi là những tri thức có ích bị đè bẹp dưới một đống tri thức khác mà lúc cần những thứ ấy không thể sử dụng ngay được.

Con nghĩ, sẽ là sai lầm khi bắt một con người phải hoàn hảo tất cả những khía cạnh. Ai cũng có thế mạnh riêng của người đó.

Làm ơn, Bộ GD&ĐT đừng tiếp tục thay đổi kỳ thi vội vàng nữa. Chúng con rất áp lực, cộng thêm việc luôn phải nghe ngóng xem thông tin sẽ thay đổi như thế nào để biết cách ôn tập mà "xoay chuyển" theo.

Thưa Bộ GD&ĐT, con muốn hỏi: Tại sao cách thi tuyển của nước ta luôn thay đổi mà vẫn chưa hoàn thiện được? Vậy, thay vì làm chặt chẽ việc thi THPT thì hãy làm chặt những kỳ thi lên lớp để có thể tuyển chọn học sinh kỹ hơn. Điều này sẽ giảm bớt phần nào cho những học sinh cuối cấp, Bộ GD&ĐT cũng không cần đổi mới nhiều nữa.

Con mong Bộ GD&ĐT hãy đọc tâm sự của con!./.

Theo Zing

tâm thư

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

phương án thi 2017

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.