Trường Báo đưa ra nội quy “gắt”, sinh viên nháo nhào phản ứng

Đến lớp muộn 5 phút bị tính nghỉ học một buổi không lý do, giờ giải lao vào muộn sẽ bị tính nghỉ học không phép,… đây là những quy chế mới mà Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông báo.

Đến lớp muộn 5 phút bị tính nghỉ học một buổi không lý do, giờ giải lao vào muộn sẽ bị tính nghỉ học không phép,… đây là những quy chế mới mà Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông báo khiến sinh viên không mấy dễ chịu.

Nội quy trong các trường học và cả các trường đại học là điều mà các sinh viên sẽ phải làm quen và tuân thủ khi vào trường dù không mấy dễ dàng.

Mới đây, bản thông báo về việc thực hiện quy chế đối với đối với giảng viên, sinh viên các lớp đào tạo đại học chính quy của Học viện Báo chí và Tuyên truyền khiến nhiều sinh viên không khỏi lo lắng, thậm chí phản ứng vì “quá rắn”.

Thông báo mới từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền tới các sinh viên và giảng viên.

Theo bản thông báo, nhà trường yêu cầu không chỉ sinh viên mà cả các giảng viên phải tuân thủ và chấp hành nghiêm quy chế.

Cụ thể, giảng viên lên lớp muộn 10 phút thì buổi học đó bị tính là giảng viên bỏ giờ không lý do.

Sinh viên đến lớp muộn 5 phút bị tính nghỉ học một buổi không lý do. Giờ giải lao sinh viên vào muộn sẽ bị tính một buổi nghỉ học không phép.

Trong giờ học giảng viên và sinh viên tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động. Những buổi học có sự tương tác và truy cập tài liệu mà phải dùng điện thoại, giảng viên phải báo trước với Ban quản lý đào tạo.

Khi các bộ phận chức năng đi kiểm tra, phát hiện có sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học thì giảng viên và sinh viên phải cùng chịu trách nhiệm trước nhà trường. Sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học 1 lần sẽ bị khiển trách, 3 lần sẽ cảnh cáo trước toàn trường và 4 lần thì sẽ bị đình chỉ 1 năm học,…

Ngay sau khi được đăng tải, bản quy chế “rắn” này đã gặp phải không ít những bình luận trái chiều cùng những lời than phiền của nhiều sinh viên.

Nhiều sinh viên cho rằng quy định đó không hề phù hợp với đại đa số sinh viên và mong Ban giám đốc xem xét và thay đổi những quy định.. Bởi học đại học chủ yếu là tự học, thay vì có những quy định nghiêm ngặt như vậy.

Một sinh viên chia sẻ: “Chúng em cảm thấy vô cùng khó hiểu trước thông báo đó. Biết là trường học là môi trường rèn luyện, việc đưa ra các quy định đó nhằm tốt cho chúng em. Nhưng với thời đại công nghệ thông tin thì việc cấm sinh viên đại học sử dụng điện thoại trong lớp có lẽ là hơi quá. Nếu muốn sử dụng thì phải xin phép phòng đào tạo, còn không bị bắt 1 lần khiển trách, 3 lần cảnh cáo trước toàn trường và 4 lần bị đình chỉ học. Sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học cho việc riêng là điều không tốt, nhưng đôi khi có những phần kiến thức bổ trợ cần tra cứu ngay cũng phải xin ý kiến đào tạo thì thật khó khăn. Mà thủ tục xin phép mọi người cũng hiểu là không đơn giản”.

Em M.T nói: “Ở bậc đại học không nên quá cứng nhắc với những nội quy nghiêm ngặt đến như vậy. Đặc biệt ở địa bàn như Hà Nội, nhiều khi dù đi học từ sớm nhưng tắc đường hay xe hỏng thì rất khó để đến lớp luôn đúng giờ”.

Em P.T cho hay: “Trong thời đại này thì với sinh viên việc sử dụng các thiết bị công nghệ trong giờ học mình nghĩ là rất cần thiết. Vì chưa kể có thể ghi âm, quay chụp tư liệu, bài vở với những bài giảng quá dài không kịp ghi chép thì còn có thể là công cụ tra cứu kiến thức ngay tức thì. Đâu phải cứ sử dụng điện thoại là việc riêng”.

Dù nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình với những nội quy nghiêm ngặt và mong có sự xem xét lại nhưng cũng có những ý kiến cho rằng đây là cách để hình thành kỷ luật tốt, tăng sự tập trung và nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên.


Theo VietNamNet


Học viện Báo chí và Tuyên truyền

quy định của trường

Học viện báo chí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.