Vụ cô giáo mầm non cùng lúc lấy 2 chồng ở Cà Mau: Dù với bất cứ động cơ gì thì cũng là sai trái!

Một cô giáo lấy 2 chồng ở Cà Mau. Điều lạ kỳ, khó hiểu là gia đình cô giáo gả cưới công khai với hai nhà chồng cũ và mới. Vì vật chất tiền bạc hay bởi tình cảm nồng cháy mà cô giáo ngang nhiên sống chế độ đa phu? Chịu không trả lời được, chỉ biết rằng chuyện này hiếm hoi, khó tin nhưng trên thực tế đã xảy ra.

Xưa nay, đặc biệt dưới chế độ phong kiến thì “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”. Vua đã có hoàng hậu rồi còn phi tần, cung nữ... không kể hết. Dân thường, đàn ông lấy vợ hai, vợ ba, vợ tư là chuyện thế gian thường tình.

Ảnh cưới hạnh phúc của anh P. và cô giáo H.C.

Ảnh cưới hạnh phúc của anh P. và cô giáo H.C.

 

Ông Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo lấy 4 vợ. Đa thê thì bà vợ nào cũng hầm hè, hậm hực với nhau. Đạo đức và thiết chế xã hội phong kiến mặc định chấp nhận đàn ông được lập “phòng nhì”, “phòng ba”..., mà gái chỉ được lấy một chồng.

Báo chí trước đây từng đăng tải chuyện: “Bà Phen có hai chồng là ông Lo Văn Níp và em trai ruột của ông Níp”, nhưng cũng là vấn đề hủ tục xưa bởi theo già làng thì: “Trước đây người dân tộc K’ho ở vùng La Ngâu, La Dạ chúng tôi có phong tục anh em ruột được phép lấy chung một vợ”.

Bây giờ, thời @ hiện đại đầu thế kỉ 21, xã hội đang tiến tới văn minh phát triển, hôn nhân tiến bộ một vợ một chồng, đàn ông không được phép đa thê, phụ nữ cũng không được lấy nhiều chồng. Song lại nảy nòi ra một người phụ nữ tên là H.C... lấy hai chồng, mà được gia đình cô chấp nhận, tiếp tay ngang nhiên giữa trời quang mây tạnh thì thật là lạ lùng.

Chồng hiện tại ở xã Thanh Tùng, huyện Cái Nước. Chồng mới ở xã Phú Thuận, huyện Phú Tân (Cà Mau). “Sự việc kéo dài hơn 5 năm và hàng tuần cô giáo này vẫn từ nhà anh chồng trước (ở huyện Đầm Dơi) về sống với chồng cưới sau ở huyện Phú Tân như không có chuyện gì xảy ra.”

Chuyện lạ này có thể xảy ra từ kẽ hở tình cảm, khoảng trống giữa vợ chồng. Chả là chồng cưới trước của cô giáo mầm non “...có những lúc nhận công trình tận huyện đảo Phú Quốc, thậm chí đến 2 tháng anh H.P. mới về thăm vợ được một lần”; rồi cô giáo được học liên thông lên đại học, trọ ở thành phố Cà Mau.

Tôi đồ rằng chính khoảng cách địa lý dẫn đến khoảng trống tình cảm là hoàn cảnh gây ra nông nỗi éo le, bẽ bàng của người chồng cưới trước chịu nỗi bất hạnh... vợ lấy thêm chồng nữa. Vợ chồng trẻ hương lửa đang nồng lẽ ra phải được ở bên nhau, nhưng mỗi người một ngả.

Con người ai chẳng có khát khao gần gũi, thèm vùi đầu vào một bờ vai nhưng cô giáo trẻ này lại phải chịu cảnh lẻ bóng, trằn trọc đêm thâu. Phụ nữ đôi khi cũng là phái mạnh, là “kẻ nổi loạn” chứ không phải tất cả đều yếu đuối đâu. Thúy Kiều còn “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” sang tình tự với Kim Trọng. Thị Mầu còn chửa hoang với thằng Nô, mà chẳng sợ gọt đầu bôi vôi.

Nhưng, cắt nghĩa cô giáo mầm non lấy thêm chồng mới khi người chồng hiện tại xa vắng chỉ vì khát khao đàn ông cũng chưa đủ thuyết phục. Vì nếu thế thì  vẫn có thể ngoại tình, cần gì phải cưới xin cho lách cách, nhiêu khê, phiền hà, rồi căng mình ra đối phó lo cho “phòng nhất”, “phòng nhì” đều cơm lành canh ngọt.

Thời hiện đại, “ai cũng có lúc ngoài chồng ngoài vợ/ mà trách chi những phút xao lòng”. Ngay cả ở nông thôn, cái chuyện “ngoài chồng, ngoài vợ” cũng không phải là hiếm và không hà khắc, nghiệt ngã như thời xưa là đóng bè chuối trôi sông. Vậy thì, lấy thêm chồng để giải quyết vấn đề “khó nói” có vẻ không thuyết phục. Xem ra cái ca lấy hai chồng này rất khó cắt nghĩa trọn vẹn.

 

Vụ cô giáo mầm non cùng lúc lấy hai chồng
Có thể khoảng trống tình cảm là hoàn cảnh gây ra nông nỗi éo le (Ảnh minh họa)

 Cũng có lúc tôi nghĩ cô giáo này lấy thêm chồng vì... tình yêu - yêu anh Liêm T.C. ở kênh Xẻo Vẹt cuồng nhiệt, bỏng cháy quá. Tình yêu có sức mạnh khủng khiếp lắm, mọi thứ có thể bị càn quét đè bẹp tất cả khi tình yêu như cơn lốc tràn đến.

Đã cạn tình với chồng cưới trước rồi chăng? Mà bỏ thì thương, vương thì tội. Thôi đành giữ nguyên hiện trạng, không làm phép trừ mà làm... phép cộng. Cưới thêm một chồng nữa vì yêu và bất chấp luật pháp, đạo đức, dư luận chăng? Nghĩ là thế, song mọi lập luận, suy tư bênh vực tình yêu của cô giáo đều bị chính tôi hạ bệ.

Nếu cô giáo H.C có tình yêu lớn với anh Liêm T.C. ở kênh Xẻo Vẹt thật, diễn ra trong hoàn cảnh “xa mặt cách lòng” thì cũng chẳng thiếu gì cách đến với nhau: Hoặc bỏ nhà cũ xây nhà mới; hoặc vẫn cứ yêu, cứ gặp, cứ ái ân vụng trộm, chồng đi xa không biết, chỉ mình biết trời đất biết, sao phải bày đặt chuyện cưới thêm chồng nữa?

Người ta bảo hôn nhân là đỉnh cao của tình yêu, nhưng không phải cứ hôn nhân là có tình yêu, và thực tế nhiều người vẫn yêu mà không tiến tới đời sống vợ chồng.

Chả lẽ, cô giáo mầm mon cưới thêm chồng là để được chăm sóc, để được thêm một người đàn ông nữa cung phụng, lo toan? Xưa nay, thường có chuyện con gái lấy ông chồng già, đào mỏ đem tiền đi nuôi anh bồ trẻ. Hai anh chồng của cô giáo... đều không khá giả: người làm thuê, người bán ghe hàng dạo.

Làm gì có chuyện lấy của ai cho ai?! Hay cô giáo “nghiện” đời sống tình cảm vợ chồng, cũng như người ta nghiện thuốc, nghiện rượu, nghiện bạn. Dứt khoát trong đời phải có nhiều bạn; không có hoặc có ít bạn là phải đi tìm, kết giao.

Như một thứ “bệnh”, có nghĩa là cô rất muốn đời sống vợ chồng với những mặn nồng tình cảm, với những sẻ chia, cảm thông đầu kề tay ấp cơ, chứ không đơn thuần ái ân thể xác… Bảo cô giáo học cao, thông minh “lừa tình” lấy hai chồng để hưởng thụ cũng không phải, mà bảo cô đần, tự mình chuốc khổ, mua dây buộc cổ hai tròng... cũng không. Thật vô cùng kì lạ. Khó hiểu.

Dù lấy hai chồng với bất cứ động cơ gì cũng là sai pháp luật. Cô giáo đang học liên thông đại học, trình độ văn hóa, chuyên môn cao, chứ đâu phải người thất học, đầu óc chậm phát triển. Có học, có hiểu biết, nhìn thấy đường quang không đi lại đi quàng đường rậm.

Sao cô giáo không nhìn xa trông rộng, lường trước hậu quả tệ hại sẽ xảy ra. Hai người đàn ông biết chuyện này thì sấm sét đổ lên đầu cô, chịu sao nổi.

Và những đứa con? Đứa mang huyết thống người đàn ông này, lúc khai sinh lại mang họ người đàn ông kia. Tranh giành con cái. Xét nghiệm ADN. Kiện cáo. Căm tức. Thù hận... bao nhiêu chuyện nan giải, phức tạp rất có thể xảy ra. Một mớ những bùng nhùng. Một đống sợi tơ rối chẳng biết lần rút đầu mối từ đâu.

Cũng thật lạ, cưới thêm chồng thì cũng phải có ông bà, chú bác, cô dì, bố mẹ, anh em nhà mình để bàn chuyện đại sự với nhà trai chứ? Không ai tin nổi là gia đình cô giáo không những không khuyên bảo mà còn tiếp tay cho con làm điều sai trái.

Theo thông tin báo chí đăng tải thì “trước đó vài tuần, gia đình chị H.C. nói với mọi người ở xã Phú Thuận rằng, cô giáo mầm non này còn độc thân nên gia đình muốn kết thông gia với gia đình anh bán ghe hàng T.C. Lấy lý do hoàn cảnh khó khăn của 2 bên, gia đình H.C. nói với anh T.C. là không tổ chức đám cưới rình rang mà chỉ đặt vài mâm cỗ để đãi họ hàng cho 2 người ra mắt…”.

Cô giáo ăn ở hai lòng, phụ bạc đã đành, vì lý do gì, anh H.P (người chồng đầu) còn bị cả nhà vợ quay lưng. Mặc dù thời gian yêu nhau, anh đã cưu mang, giúp đỡ nhà người yêu rất nhiều. Nếu cô giáo trẻ vi phạm pháp luật thì các bậc sinh thành của cô cũng là “đồng phạm”.

Việc cô H.C đang có chồng hợp pháp mà vẫn đến chung sống như vợ chồng với anh bán ghe dạo là hành vi vi phạm pháp luật, bị cấm theo quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014:

"Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ". Và hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm b, c; khoản 1, điều 48 nghị định 110/2013/NĐ-CP.

 

Vụ cô giáo mầm non cùng lúc lấy hai chồng: Dù với bất cứ động cơ gì thì cũng là sai trái!
Giấy trích lục hôn nhân của hai người

 Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự (với mức hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù với mức cao nhất đến 3 năm) - nếu hành vi đó “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc người đó “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

Chuyện cô giáo mầm non lấy hai chồng dù sao cũng đã xảy ra thật rồi. Thương hai người đàn ông ấy bao nhiêu thì cũng trách họ bấy nhiêu. Thương bởi mọi chuyện đã vỡ lở thì mới biết vợ ăn ở hai lòng, lừa dối mình, lừa dối cả gia đình mình. Sang chấn tinh thần. Đau đớn. Hoang mang.

Thương bởi phải oằn mình để giải quyết hậu quả phức tạp lằng nhằng, rắc rối và chịu điều tiếng thị phi. Thương bởi đàn ông khù khờ, ngu ngơ quá, chỉ mải làm ăn, rồi ôm ấp cái người đang ở vòng tay mình mà đầu óc nàng lại nghĩ đến kẻ khác, lòng dạ lại thương người chồng kia...

Song, cũng thật đáng trách họ. Cả tin vợ đến mức bỏ mặc vợ sống ra sao, quan hệ thế nào cũng không biết. Làm người chồng, dù tin tưởng bao nhiêu cũng cần phải biết hoài nghi. Hoài nghi không phải để theo dõi, để bóp nghẹt đời sống tinh thần nửa kia của mình, mà là kĩ năng điều chỉnh, cầm chịch bản giao hưởng đời sống gia đình.

Có thể nói câu chuyện cô giáo mầm non đang có chồng làm cán bộ xã lại cưới thêm chồng nữa bán ghe hàng hóa... cũng là bài học cảnh tỉnh thế giới đàn ông khù khờ, nhẹ dạ, cả tin.

 

Theo Tâm sự GĐ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.