Vụ Nam Trung Yên: Bài học trung thực, trách nhiệm cho mỗi hiệu trưởng

Vụ việc Trường Tiểu học Nam Trung Yên đem lại bài học niềm tin về tính trung thực, gương mẫu, trách nhiệm… đối với người hiệu trưởng nói riêng và đối với cán bộ giáo viên trong ngành giáo dục nói chung.

Vụ việc Trường Tiểu học Nam Trung Yên đem lại bài học niềm tin về tính trung thực, gương mẫu, trách nhiệm… đối với người hiệu trưởng nói riêng và đối với cán bộ giáo viên trong ngành giáo dục nói chung.

Toàn cảnh vụ xe chở hiệu trưởng làm gẫy chân học sinh

Ông Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội:  Xử lý vụ việc như vậy là thỏa đáng. Nếu như việc điều tra, kết luận sớm hơn thì đỡ gây hậu quả về dư luận.

Đây là một việc đơn giản, đáng lẽ không cần đến công an thành phố vào cuộc. Ở quận cũng có công an, khi cần là có đầy đủ bộ máy để xử lý. Thậm chí, những việc như thế này cấp phường hoàn toàn làm được, có phức tạp gì đâu. Ngay cả người lái taxi khi biết chuyện cũng đã tới ngay...

nam trung yên, tiểu học nam trung yên, hiệu trưởng
Ông Đào Trọng Thi

Theo tôi, một việc đơn giản như vậy mà phải tới khi Chủ tịch UBND Thành phố, Bộ trưởng GD-ĐT vào cuộc chỉ đạo quyết liệt mới giải quyết được là do cơ quan chức năng hơi bị động, chưa thật nhiệt tình.

Để kéo dài như vậy cũng không thể đổ cho phân cấp quản lý. Việc này không liên quan gì tới phân cấp quản lý, mà nguyên nhân là thiếu tinh thần trách nhiệm và sự tích cực.

Đây là một sự việc cụ thể, không nên khái quát trong toàn ngành. Trong thời gian qua đã có dư luận khái quát lên đó là hiện tượng chung của toàn ngành, nói như vậy là vô trách nhiệm, là xúc phạm các nhà giáo.

Để dư luận kéo dài là lỗi của nhà chức trách đã không xử lý nhanh.

Bài học từ vụ việc này rất đơn giản: Những người có trách nhiệm cần khẩn trương thực hiện chức trách của mình với trách nhiệm cao nhất.

Cô P.T, Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Quận 4, TP.HCM: Đã là giáo viên, nếu làm sai thì phải nhận khuyết điểm.

Giáo viên dạy học sinh nhận khuyết điểm mà chính giáo viên lại không nhận khuyết điểm thì thật đáng xấu hổ. Chúng ta dạy cho học trò đạo đức thì chính các nhà giáo cũng phải có đạo đức nhà giáo.

Giáo viên không thể sang sảng suốt ngày dạy các em đạo đức mà lại quên đi bài học cho chính mình.

nam trung yên, tiểu học nam trung yên, hiệu trưởng

Giáo viên không thể sang sảng suốt ngày dạy các em đạo đức mà lại quên đi bài học cho chính mình

Sự việc kéo dài là do sự bất cập trong phân tầng quản lý và sự không ăn khớp, thiếu sự thống nhất giữa hai cấp, cụ thể ở đây là cấp quản lý theo ngành dọc và ngành ngang.

Nếu xét theo ngành dọc, hệ thống giáo dục sẽ chịu sự quản lý từ trên xuống, bắt đầu từ Bộ GD-ĐT tới các Sở GD-ĐT, tới Phòng GD-ĐT và tới các trường học. Cụ thể, trường tiểu học sẽ chịu sự quản lý trực tiếp của Phòng GD-ĐT và gián tiếp từ Sở GD-ĐT thông qua phòng. Nhưng việc quản lý này chỉ lý mang tính chuyên môn, chuyên ngành, theo cấp từ lớn tới nhỏ.

Với ngành ngang, trường học sẽ chịu sự quản lý của địa phương nơi trường đặt địa điểm. Cụ thể là Ủy ban nhân dân quận, tỉnh quản lý về mặt hành chính, pháp luật.

Việc xảy ra tại Trường tiểu học Nam Trung Yên, dù cấp trên là lãnh đạo thành phố và Bộ GD-ĐT chỉ đạo quyết liệt nhưng sự việc kéo dài và phức tạp vì UBND Quận Cầu Giấy không làm quyết liệt. Cũng có thể, cô hiệu trưởng là đảng ủy viên của quận nên quận chưa làm quyết liệt…

Để quản lý tốt, các cấp cần phối hợp, ăn ý với nhau.

Cô Thanh Thủy, Hiệu trưởng một trường THCS ở TP.HCM:Việc cơ quan chức năng kéo dài thời gian xử lý vụ việc là do những động tác giả của cô hiệu trưởng.

Sai phạm đầu tiên của hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên là ngồi trên xe taxi để xe chạy vào trong trường học. Ngay cổng cơ quan đã có bảng yêu cầu những người đi xe máy phải xuống xe, tắt máy, dắt bộ. Việc hiệu trưởng ngồi chiễm chệ trên xe là một hành vi không đúng trong giáo dục.

Thứ hai, dù cô hiệu trưởng sai nhưng lại lấp liếm sự thật bằng những động thái như cho phát phiếu khảo sát. Việc cơ quan chức năng kéo dài thời gian xử lý vụ việc là do những động tác giả của cô hiệu trưởng. Không phải các cơ quan chậm trễ, không quyết liệt mà khi có sự việc họ phải điều tra, thu thập chứng cứ, nên việc kéo dài thời gian là có có cơ sở.

Bản thân tôi là hiệu trưởng, giáo viên của tôi làm sai tôi cũng phải đứng ra xin lỗi vì đấy là trách nhiệm của tôi, chứ không thể quanh co, né tránh. 

Ông Nguyễn Hoàng Chương,  Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng: Một quyết định đúng đắn, như mong mỏi của nhiều người dõi theo vụ việc trong thời gian qua.

Tôi rất đồng tình trước chỉ đạo mạnh mẽ của UBND TP Hà Nội và quyết định kỷ luật cách chức hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Hương trong vụ việc cháu Trần Chí Kiên bị gãy chân vừa được UBND quận Cầu Giấy, Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) công bố sáng nay.

  nam trung yên, tiểu học nam trung yên, hiệu trưởng
Ông Nguyễn Hoàng Chương

Vụ việc trên được gác lại, song lại đặt ra cho tôi – một cán bộ quản lý giáo dục mấy vấn đề:

Vụ việc liên quan tới nguyên hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc có phải là phổ biến ở trong ngành GD-ĐT hay không? Có thể nói ngay: Không! Nhưng từ vụ việc đó dư luận đã có những suy diễn về trách nhiệm, năng lực, phẩm cách của người đứng đầu nhà trường. Ở đây, dường như có sự đứt gãy niềm tin đối với người hiệu trưởng về tính trung thực, gương mẫu, trách nhiệm.

Thế nên, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo có nhiều việc cần làm, nhưng trước tiên phải tập trung bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nhà trường về năng lực quản lý và đạo đức. Hiệu trưởng như thế nào thì nhà trường như thế ấy.

Vấn đề thứ hai là tại sao vụ việc cháu Trần Chí Kiên bị gãy chân không được xử lý ngay? Ai cũng thấy, nếu có sự vào cuộc quyết liệt từ đầu thì vụ việc đã không đi quá xa như vậy...

Vai trò của Phòng GD-ĐT, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy – chính quyền quận ở đây như thế nào? Phải chăng có sự cả nể hay đùn đẩy trách nhiệm lên thành phố trước sự việc hoàn toàn có thể nhanh chóng tìm ra sự thật?

Hiện nay, việc quản lý nhà trường phổ thông có Sở GD-ĐT, cấp ủy – chính quyền quận, huyện, Phòng GD-ĐT, Đảng ủy – UBND phường, xã. Nhiều ban ngành nhưng không hiệu quả. Khi hữu sự (như việc cháu Trần Chí Kiên bị gãy chân) thì chậm giải quyết, tránh né, đùn đẩy.

Về chủ quan đó là trách nhiệm của các cá nhân nhưng về khách quan có lỗi hệ thống. Phường chờ quận, quận chờ thành phố, Sở GD-ĐT lại do phân cấp quản lý nên chờ quận giải quyết!

Nên chăng quản lý theo ngành dọc từ Bộ, Sở, Phòng GD-ĐT và nhà trường về các mặt: Tổ chức, chuyên môn, tài chính, chính quyền cấp phường, quận chỉ quản lý về mặt lãnh thổ, hành chính.


Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.