Xóa biên chế giáo viên cần chọn lãnh đạo tử tế, không "ăn đút lót"

Hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, GS.TS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng, bỏ biên chế, tuyển giáo viên (GV) theo hợp đồng là cách làm tiến bộ. Song, chỉ tiến bộ khi tuyển dụng công khai và minh bạch.

Hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, GS.TS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng, bỏ biên chế, tuyển giáo viên (GV) theo hợp đồng là cách làm tiến bộ. Song, chỉ tiến bộ khi tuyển dụng công khai và minh bạch.

Việc tuyển dụng phải thật công minh, trong sạch

- Suy nghĩ của GS như thế nào về đề xuất bỏ biên chế của Bộ GD&ĐT đang được dư luận, đặc biệt là thầy cô giáo rất quan tâm?

Bỏ biên chế, tuyển hợp đồng có thể nói là cách làm tiến bộ để tuyển chọn GV có chất lượng, nếu không đủ chất lượng phải thay thế người khác.

Nhưng để làm được điều đó cần rất nhiều điều kiện, mà điều kiện tiên quyết là việc tuyển dụng phải thật công minh, trong sạch. Khi ấy việc tuyển chọn GV vào làm hợp đồng mới chính xác.

Tôi e rằng việc này chưa phải lúc trong điều kiện hiện nay. Vì số người không liêm khiết, trong sạch khá đông, trong đó nhiều người làm công tác quản lý sẵn sàng “ăn đút ăn lót” để nhận những GV không đủ quy chuẩn.

19206198_1862311527118863_1957727752_n.jpg
 GS.TS Vũ Tuấn có nhiều chia sẻ tâm huyết với GV trước đề xuất xóa biên chế đang được dư luận quan tâm

Tôi đã gặp nhiều ví dụ như thế. Có học sinh được tôi hướng dẫn tốt nghiệp ra trường. Gặp lại tôi, học trò ấy bảo đang phải đi học thêm về kinh tế để chuyển việc. Tôi hỏi tại sao như vậy, em trả lời là vì em không đủ tiền để chạy vào "một chân" GV.

Một học trò khác của tôi mới đây kể với tôi là vừa “chạy” cho vợ suất dạy văn vào một trường THPT với mức tiền gần 500 triệu đồng! Tôi cũng được nghe rất thường xuyên những câu chuyện, để chạy chức Hiệu trưởng phải mất bao nhiêu tiền...

Thực trạng như thế thì cơ chế tuyển chọn hợp đồng không hy vọng có thể chọn được người tốt, người tử tế vào dạy học. Do đó, việc làm này theo tôi là chưa thích hợp, chưa đúng thời điểm.

- Nếu Bộ GD&ĐT vẫn quyết tâm thực hiện, điều gì sẽ xảy ra?

Sẽ có những điều tai hại xảy ra mà bây giờ chưa thể thấy được. Hàng triệu GV - đội ngũ mà số lượng chỉ xếp sau quân đội, sẽ rất hoang mang. Trong lúc đời sống GV hiện nay đã rất khổ rồi! Tôi biết rất rõ nhiều người dạy học nhưng rất khổ sở, chật vật với đồng lương hiện nay.

Nếu bây giờ lại thêm việc "chạy chọt" để có được một chân dạy học hợp đồng, sẽ rất khó khăn với nhiều GV. Khi đó, người không đủ tiêu chuẩn đi dạy sẽ có mặt nhiều hơn trong đội ngũ thầy cô giáo. Nhiều cô giáo mầm non đánh đập hành hung trẻ nhỏ, vốn đã thường xuyên xảy ra rồi thì tôi e tình trạng này sẽ còn phổ biến hơn nữa.

Cụ Chu Văn An từng nói rằng, một đất nước coi trọng giáo dục, đất nước ấy mới có hy vọng tiến lên. Còn ngược lại, nếu nền giáo dục không được coi trọng, thì nước đó khó có thể ngẩng đầu lên được.

Ngày xưa, đất nước ta luôn lớn tiếng tự hào rằng rất có tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Nhưng thật ra, bây giờ điều đó không còn đúng nữa, nền giáo dục đã không còn được coi trọng nữa rồi!

quang-nam-luan-chuyen-gan-360-giao-vien-ve-dong-bang-trong-nam-2015.jpg
 GV miền núi có rất nhiều tâm tư trước đề xuất xóa biên chế. Ảnh minh họa

Nguy cơ tăng “điểm trắng” GV ở vùng khó

- Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm ở trường THPT đủ điều kiện. Nếu sau khi thí điểm và áp dụng rộng rãi việc bỏ biên chế, GS có nghĩ rằng các “điểm trắng” GV ở vùng núi, hải đảo… sẽ càng tăng?

Chắc chắn là như thế! Tôi từng đến nhiều nơi miền núi, nhiều trường học trông hết sức thảm hại. Mấy cái cót che xung quanh, gió mưa rét mướt, bàn ghế liêu xiêu. Thầy cô giáo vừa dạy vừa dỗ học trò, mỗi cô dạy ghép 2-3 lớp cùng một lúc. Chỉ nhìn ở những nơi ấy thôi, sẽ thấy được điều gì xảy ra nếu bỏ biên chế!

Biên chế không phải chỉ là sự ràng buộc mà còn là một sự bảo đảm, trước là bảo đảm cho GV một cuộc sống ổn định mặc dù mức lương vừa phải chỉ tạm sống qua ngày nhưng điều quan trọng là gia đình ổn định. Không phải vì lương, mà biên chế giúp GV có tâm lý ổn định dạy học, cùng với đó là những chế độ kèm theo…

Tôi nhìn thấy những hình ảnh ấy và rất thương các thầy cô giáo ở những nơi xa xôi khó khăn. Họ là những người rất đáng khâm phục và trân trọng. Không có biên chế, không thể giữ chân họ được!

- Có ý kiến cho rằng nếu đã thí điểm bỏ biên chế, phải thí điểm luôn cả Hiệu trưởng. Ý kiến của GS như thế nào về điều này?

Tôi rất đồng tình! Muốn thay biên chế bằng hợp đồng, trước hết hãy hợp đồng với “ông” hiệu trưởng đã. Người cầm bút ký cho người nào được vào dạy, người ấy phải là người cực kỳ liêm khiết!

Nhất định phải có một cơ chế tuyển chọn để bảo đảm sự công minh, thực sự chọn được người quản lý có tâm, có tài.

Tôi cứ suy nghĩ mãi điều này, rằng Bộ GD&ĐT chỉ đang tìm cách chọn lọc số đông GV ở dưới mà chưa nghĩ đến việc phải chọn lọc được người lãnh đạo.

Cần phải làm thế nào đó để chọn những người lãnh đạo tử tế, chứ đừng chọn những ông chỉ biết “ăn đút ăn lót”. Bởi điều này còn nguy hại hơn nhiều so với việc chỉ tuyển chọn người ở dưới.

Theo Phụ nữ Việt Nam


giáo viên

hiệu trưởng

Bỏ biên chế

biên chế giáo dục


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.