Linh có thai. Chị tình cờ biết được bí mật đó vào một đêm mùa hè nóng bức.
Chị trở dậy nửa đêm, dò dẫm xuống bếp tìm chút nước chữa cơn khát đang đốt cháy cổ họng. Gian bếp tối mờ nhưng ánh đèn vàng từ cầu thang hắt xuống đủ để chị giật mình phát hiện một người đang ngồi ở bàn ăn.
Đưa tay chặn lên ngực ngăn cơn hoảng sợ, cùng lúc chị nhận ra Linh đang ngấu nghiến mẩu bánh cuối cùng. Trên bàn la liệt những hộp sữa, vỏ trái cây, bịch bánh quy đã trống rỗng.
Trông thấy chị, Linh trố mắt định nói gì đó nhưng đột nhiên đứng bật dậy, chạy lại bồn rửa chén nôn thốc nôn tháo. Con bé đói bụng nửa đêm, âm thầm ăn hết các thức ăn trong tủ lạnh như bị bỏ đói cả ngày rồi buồn nôn đến nỗi không kịp vào toilet.
"Trời ơi!", chị buột miệng kêu lên, ào đến vỗ vỗ vào lưng con bé rồi đỡ nó ngồi xuống ghế, lăng xăng tìm dầu xức nhưng nó phất tay, giọng rít qua kẽ răng:
- Mợ không biết tôi ghét nhất là mùi dầu sao?
Chị run rẩy nói không ra hơi:
- Con dại dột với ai, nói cho mợ biết coi, sao mà...
Linh nóng nảy cắt ngang:
- Thôi đi! Tôi làm, tôi chịu.
Mợ mà hó hé với bà nội hay ba thì đừng nhìn mặt tôi nữa. Dọn dẹp cái đống dơ đó giùm tôi đi!
Ra lệnh xong, Linh mệt mỏi bỏ về phòng riêng. Chị nhanh tay dọn "bãi chiến trường", sao cho không để lại một dấu tích vào. Vừa làm, nước mắt chị vừa rơi lã chã. Đến khi đã nằm xuống chiếc giường nhỏ của mình, cạnh bên là con bé Sa giúp việc nhà đang ngáy ngon lành, chị phải bụm miệng lại cho tiếng nấc không thoát ra khỏi cổ họng. Lần này, chị không tủi thân vì thái độ hằn học của Linh đối với mình như những lần trước mà chị khóc vì lo sợ tai họa giáng xuống đầu con bé.
Linh chỉ mới mười bảy tuổi, nó còn chưa kịp thi vào đại học. Chắc chắn bà và cậu chủ sẽ không để yên cho cái bào thai vô thừa nhận đang lớn lên từng ngày trong nó.
Chị giật mình thức dậy vì tiếng động vọng xuống từ phòng bà chủ. Không kịp rửa mặt, chị chạy ào lên lầu. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chị là mâm thức ăn sáng chưa dùng của bà chủ nằm chỏng chơ dưới đất.
Vừa trông thấy chị, Linh ngước đôi mắt đẫm lệ nhưng cũng đầy oán hận lên nhìn. Con bé đang quỳ gối bên cạnh bà nội. Gương mặt bình thường vốn lạnh băng, giờ hằn lên sự giận dữ của bà chủ mách bảo cho chị biết bà đã tường tận mọi chuyện.
- Sao, chị còn đứng yến đó à? Chị định giấu tôi tới bao giờ? Đến khi cái bụng nó phình to thì ba đời nhà chị cũng gánh không hết. Đúng là cái dòng con hoang mà.
Câu cuối cùng, bà chủ làu bàu như chỉ để bản thân và chị nghe thấy. Chị cúi mặt xuống, nỗi tủi nhục không lớn bằng sự thương xót, lo lắng cho Linh đang vật vã khóc than.
Ba của Linh chợt đằng hắng:
- Giờ tính sao, má?
Chị liếc nhìn người đàn ông đã gần năm mươi tuổi. Ngày trước, chị cũng nghe ông ấy hỏi một câu tương tự khi chính chị rơi vào trường hợp này.
Đã mười bảy năm qua, sự nhu nhược vẫn không mất đi.
- Dẫn nó đi bỏ cái của nợ đó ngay cho tao!
Nghe vậy, bà Linh kêu lên:
- Con ư? Con làm sao...
Bà chủ nổi giận:
- Không lẽ để bà già này làm việc đó à?
Chị rùng mình, Linh quỳ thụp xuống, sợ hãi:
- Con lạy bà nội, xin bà hãy thương con!
Giọng bà chủ the thé:
- Đó là ta thương cháu đấy. Vì tương lai của cháu và cũng vì cái gia đình này, cháu hãy chịu đau một lần.
Mặc cho Linh gào khóc thảm thiết, bà hất tay con bé đang níu chặt chân ra, trừng mắt bảo ba Linh:
- Bịt miệng nó lại, muốn cả cái xóm này biết chuyện à?
Nước mắt ràn rụa, chị nhỏ giọng khẩn khoản:
- Con xin bà cho con dẫn nó đi làm cái chuyện thất đức kia.
Bà chủ phóng tia nhìn tức giận về phía chị:
- Phải. Nếu ngày trước tôi cũng làm cái chuyện thất đức kia với chị thì bây giờ đã không có cái ngữ này. Chị nói dẫn nó đi bệnh viện, tôi tin được không?
Chị cúi đầu không đáp.
Nghe cuộc trao đổi giữa bà nội và chị, Linh nín khóc. Nó phẫn nộ nhìn chị trân trối. Kể từ giờ phút đó, nó chỉ được quanh quẩn trong phòng bà, không được đi đâu nữa.
Chị thất thểu về phòng. Nói là phòng chứ thật ra chỉ là cái nhà kho tận dụng làm chỗ nghỉ cho kẻ ăn người ở trong nhà. Sa đang soạn đồ cho vào cái giỏ mà cách đây mấy tháng khi đến nhận việc, nó đã mang theo.
Vừa thấy chị, con bé thút thít:
- Bà chủ đuổi con rồi.
Nhìn vào mắt nó, chị xâu chuỗi lại những sự việc vừa xảy ra và ngờ ngợ:
- Phải mày nhiều chuyện không Sa?
Ban đầu Sa chối quanh, nhưng khi thấy chị quá hiểu tính ý bà, nó thừa nhận đã thấy Linh nôn và chị bao che cho Linh. Nó tưởng mách lại sẽ được thưởng. Không ngờ bà mắng té tát vào mặt và trả luôn một tháng lương, bảo nó cuốn gói đi ngay, cái tội "nói xấu" cháu gái bà. Bà chủ là vậy, sẽ bưng bít mọi chuyện bằng mọi cách. Chỉ khổ thân chị, Linh lại thêm ghét cay ghét đắng chị vì ngỡ chính chị đã làm lộ bí mật của nó.
Con Sa vừa bắt xe ôm ra bến xe về quê, nghĩa là trong nhà không còn một người ngoài nào, bà chủ gọi ngay chị lên phòng. Giúi vào tay chị một xấp tiền, bà gằn từng tiếng:
- Liệu mà làm cho trót lọt. Tôi thuê xe rồi. Con Linh và ba nó sẽ đi một lượt như đi du lịch vậy. Còn chị đi xe ôm, ra tới ngã ba Trung Lương chờ xe tới rước. Phải "làm" ở thành phố mới không gặp người quen. Tôi không muốn hàng xóm dòm ngó khi thấy chị và chúng nó đi chung, hiểu không?
Chị "Dạ" thật nhanh và quay đi cũng thật nhanh, sợ còn nấn ná, nước mắt chị sẽ rơi trước mặt người không biết bao nhiêu lần chứng kiến chị đau khổ.
Trên đường lên Sài Gòn, ba người không ai mở miệng nói với ai. Thỉnh thoảng nhìn qua Linh đang ôm đầu, gục gặc vì say xe, chị thờ thẫn nhớ lại ngày Linh còn bé, một tay chị ẵm bồng, chăm bẵm. Con bé rất quý chị, quấn chân chị suốt ngày. Thế nhưng năm nó mười hai tuổi, cô chủ mắc bệnh nan y không qua khỏi. Trước khi mất cô gặp riêng nó rất lâu và kể từ khi đó, Linh biến đổi hẳn. Con bé không còn tíu tít nói cười như trước mà tỏ ra chán nản, bất cần, hằn học với mọi người xung quanh, nhất là đối với chị. Mỗi lần chị đến gần định hỏi han, nó đều tìm cớ tránh đi, thậm chí thẳng tay xua đuổi.
Ngoại trừ bà nội và ba Linh, những người xung quanh ai cũng bất bình trước thái độ hắt hủi chị không thèm giấu diếm của Linh. Họ có cảm giác chị yêu thương Linh bao nhiêu, nó ghét bỏ chị bấy nhiêu. Họ ngạc nhiên sao chị có thể trụ lại ngôi nhà đó gần hai mươi năm trời, cung cúc phục vụ một bà lão đã gần đất xa trời nhưng nghiêm khắc, khó gần. Sao chị có thể chịu đựng được một người đàn ông chỉ biết ngồi quản lý cái tiệm vàng kiêm cầm đồ lớn nhất nhì thị xã mà không ngó ngàng tới con. Trong nhà còn có đứa con gái hách dịch, trịnh thượng với người giúp việc lâu năm như chị.
Tới nơi, ba Linh không vào mà ngồi ở quán nước gần cổng bệnh viện. Chị xót xa dẫn Linh vào. Con bé mặt che kín nhưng vẫn không giấu được ánh mắt hoảng hốt và dáng lớ ngớ đến tội nghiệp.
Chị dắt tay Linh, đỏ mặt len qua những dãy hành lang đầy người chờ tới lượt. Linh líu ríu theo chị như ngày bé, không hó hé một lời. Xong hết mọi thủ tục giấy tờ, thăm khám, chỉ còn chờ "công đoạn" cuối cùng, con bé đòi ra căn-tin uống nước, rồi đòi vào phòng vệ sinh.
Chị biết Linh lo sợ, muốn kéo thời gian nên chị nắm chặt cánh tay con bé, vỗ về. Đến khi Linh ở mãi trong phòng vệ sinh không chịu ra, chị vội mở cửa bước vào thì thấy Linh đang ôm mặt khóc. Nhác thấy chị, nó òa lên như đứa trẻ:
- Đừng mợ ơi, đừng giết con của con.
Chị ôm Linh đang mềm oặt vào lòng, nức nở theo:
- Ráng đi con, mợ thương...
Linh chợt khựng lại. Nó nhìn chị bằng ánh mắt ban sáng ở phòng bà nội:
- Thương con? Hay mợ chỉ thương tiền? Mẹ tuy không sinh ra con, cũng không gần gũi con nhiều nhưng trước khi chết, mẹ đã làm điều tốt cho con là kể hết với con sự thật. Còn mợ, ngay cả đứa con của mình, mợ cũng không dám nhận. Mợ hèn lắm!
Những lời kết tội của Linh làm chị như hóa đá. Chị khóc không thành tiếng. Linh ôm lấy cái bụng đã lùm lùm:
- Ngay từ khi biết mình có thai, con yêu giọt máu này. Con không hiểu sao mợ lại vì vài chỉ vàng của bà nội đưa lúc đó mà bán con cho mẹ, vậy mà mợ nói mợ thương con?
Chị nấc lên:
- Linh à, mẹ con không kể là bà nội con đã ép mợ lên thành phố chờ ngày sinh nở, trong khi mẹ con giả có thai, rồi danh chính ngôn thuận cướp con trên tay mợ sao? Mợ năn nỉ cho mợ ở bên con, với lời thề không bao giờ nhìn nhận con... Mợ không ngờ con đã biết chuyện từ lâu.
Nhớ lại chuyện cũ chẳng khác gì khơi lại vết thương chưa lành miệng. Từ bé, chị đã không biết mặt cha, cũng như hai bên nội, ngoại. Mẹ chị với cái bào thai vô chủ, bỏ xứ mà đi. Sự nghèo túng, khổ cực đã quật ngã bà. Mẹ chị chết không nhắm mắt vì chưa thực hiện được nguyện ước về lại quê nhà để lạy tạ ông bà.
Lần theo địa chỉ mẹ để lại, chị tìm tới nơi ông bà ngoại sinh sống thì mới hay họ đã dời đi nơi khác từ lâu...
Ngày ấy, chị bằng tuổi Linh bây giờ, chẳng còn ai thân thích, không nghề nghiệp, bỏ quê nghèo lên thị xã làm người giúp việc.
Lần đầu tiên tiếp xúc với người khác phái, chị không tránh khỏi choáng ngợp trước vẻ lịch lãm và dịu ngọt của cậu chủ. Chị đã không thể mở miệng kêu cứu vào một đêm mưa, khi cậu chủ ta lén vào phòng, đè nghiến chị trên giường. Cậu thề sống thề chết sẽ yêu thương chị suốt đời nhưng lại trơ mắt nhìn khi vợ cậu phát hiện. Bị đánh ghen một trận thừa sống thiếu chết trước mặt hai mẹ con bà chủ, chị vẫn nhất quyết bảo vệ đứa bé trong bụng. Chính bà chủ đã sắp đặt mọi thứ, tất cả đều vì đứa con dâu mà sau này chị mới hiểu, dù vô sinh nhưng với tài sản không lồ đem về nhà chồng, cô vẫn đứng vững ở vị trí của mình. Còn chị, mãi mãi là thân ở đợ, chỉ là mang nặng đẻ đau thay người khác mà thôi.
Cho đến lúc mất, cô chủ vẫn trả thù chị bằng cách gieo vào đầu đứa con chị rứt ruột sinh ra mối căm thù chính mẹ nó.
Chị có ham tiền, ham bạc gì cho cam. Ngay cả tiền lương tháng, chị cũng không được nhận, như một sự trừng phạt vô thời hạn. Còn cậu chủ, quá sợ mẹ và vợ, hơn nữa lại sợ không được thừa kế gia sản, ông ta không dám đến gần chị. Mỗi khi đi ngang phòng chị, ông đều cắm đầu đi như bị ma đuổi. Ngay cả đứa con gái của ông và chị, ông còn không dám bày tỏ tình cảm dành cho nó.
Sau khi vợ mất, ông ta có gõ cửa phòng chị mấy lần vào lúc đêm khuya nhưng chị im lặng chốt chặt then cửa.
Trong lòng chị, ông ta đã chết từ cái ngày nhắm mắt làm ngơ cho vợ đánh mắng, cạo sạch đầu tóc chị. Chị đành mất con vì sức yếu, thế cô và cũng vì một lẽ sâu xa nhất: Chị không muốn con bé chịu tiếng con hoang suốt đời như mình.
Chị chỉ mong nó có cha có mẹ đầy đủ trong mắt người đời và được hưởng cuộc sống ấm êm. Chị cắn răng nhịn nhục, ở lại ngôi nhà đó vì chị không cam lòng để con một mình bên những người dư dả tiền bạc nhưng thiếu tình người.
Đột ngột, chuông điện thoại của Linh đổ dồn. Con bé lập cập trả lời. Ba nó hỏi mọi chuyện đã xong chưa.
Chị run rẩy lôi tuột con bé đi về phía phòng "giải quyết". Không nỡ nhìn con trong chiếc váy của bệnh viện, mỏng manh như cây non gặp bão, chị quay mặt đi. Bắt gặp những chiếc băng-ca đưa các cô lỡ dại như con chị từ phòng trong ra, cô nào mặt cũng xanh mét, mắt nhắm nghiền, chị nhói buốt trong lồng ngực. Chỉ ít phút nữa thôi, con của chị cũng sẽ như thế và đứa cháu bé bỏng của chị sẽ mãi mãi là giọt máu bị vứt lại ở chốn này, khi chưa kịp tượng hình.
Linh nghe gọi tên lần thứ ba mới quờ quạng đứng lên, líu đi theo cô y tá. Cánh cửa phòng kín đã khép lại sau lưng con bé. Ngày trước, nếu mẹ chị cũng đi vào cái phòng như thế, chị đã không có mặt trên đời. Chị biết phải cảm ơn bà đã chịu nhục, chịu khổ sinh ra chị hay oán trách bà sao không "giúp" chị chết đi từ trong trứng, để chị lớn lên khổ nhục chẳng kém gì bà. Còn chị, nếu ngày ấy bỏ đi giọt máu của mình thì sao? Và Linh, có bao giờ nó cũng mang suy nghĩ giống chị không?!
Bỗng chị đứng bật dậy, chạy ào theo hướng con. Linh đang nằm dang chân trên giường bệnh. Gần đó, một cô y tá chuẩn bị những dụng cụ y khoa, tiếng va chạm nghe rợn cả người, Một chiếc bình lớn đầy máu, nối với đám dây nhợ lằng nhằng mà không cần phải nhìn lâu, chị cũng biết những thứ đó sẽ đưa vào ngưỡng của cơ thể con bé để hút ra cái mầm sống vô tội. Một cô y tá khác đang cầm ống tiêm. Trông thấy chị, nó kêu lên: "Mợ ơi, cứu con".
Chị luýnh quýnh xin lỗi bác sĩ và mấy cô y tá, vội vã đỡ con dậy rời khỏi căn phòng đầy ám khí. Chị dắt con đi như chạy ra cổng sau, vừa đi chị vừa dáo dác nhìn sau lưng, sợ ba nó phát hiện, đuổi theo.
Nhất định lần này, chị sẽ không để mất Linh. Chẳng những có được đứa con gái chị yêu thương nhất, mà chị còn có thêm một đứa cháu. Nghĩ thế, chị thấy như được tiếp thêm sức mạnh dù tương lai còn mờ mịt.
Chị sẽ ở lại thành phố này, nơi không ai biết lai lịch, gốc tích mẹ con chị. Số tiền bà chủ đưa còn tạm đủ cho hai mẹ con sống thêm vài hôm nữa. Với sự cần mẫn của mình, chị tin chị có thể làm thân trâu ngựa nuôi Linh, chờ ngày con sinh nở.
Khi đã yên vị trên chuyến xe buýt xuôi về một quận ven, Linh mệt mỏi ngả đầu vào vai chị, nghẹn ngào: "Mẹ ơi!".
Theo