Bài viết là dòng chia sẻ trải nghiệm của anh Trần (38 tuổi, Trung Quốc) đang được lan truyền trên Sohu. 

Sếp mời đi ăn nhưng lại bỏ về trước

Sau khi ra trường, tôi đầu quân cho một tập đoàn công nghệ. Làm việc liên tục trong gần 20 năm, từ một nhân viên bình thường, đến năm 2022, tôi được giữ chức phó giám đốc của một công ty con trực thuộc tập đoàn.  

Sau đó khoảng 1 năm, tức 2024, vị giám đốc công ty là ông Triệu nghỉ hưu trước tuổi do tập đoàn đẩy mạnh chính sách “trẻ hóa” đội ngũ cán bộ. Ở thời điểm đó, dù chưa có văn bản chính thức song hầu hết cán bộ trong công ty đã nắm rõ thông tin này. 

Khi tin tức này bị lọt ra ngoài, các phó giám đốc trong đó có tôi đều vô cùng ngỡ ngàng. Vì mọi người đều nghĩ rằng ông Triệu sẽ nắm giữ trọng trách này thêm 1 năm nữa. Điều này đồng nghĩa, việc tìm người kế nhiệm sẽ được đẩy lên sớm hơn thời gian dự tính. Tất cả 5 phó giám đốc, trong đó có tôi đều tìm cách thể hiện năng lực của bản thân nhằm tranh thủ cơ hội để thăng chức. 

Trước thời điểm chia tay, ông Triệu đã mời 5 phó giám đốc chúng tôi tham gia bữa tiệc thân mật. Bữa ăn ngày hôm đó được tổ chức tại một nhà hàng sang trọng bậc nhất thành phố. Là người chủ bữa tiệc, sếp không ngại gọi những món đắt tiền. 

unnamed 1
Ảnh minh hoạ

Sau khi nâng ly, chúng tôi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp. Năm phó giám đốc đều do ông Triệu đề bạt và luôn coi ông ấy như anh cả. Nên bữa tiệc ngày hôm đó diễn ra trong không khí vô cùng nặng nề.

Ăn uống đã gần xong mọi người đang chờ kết thúc bữa tiệc thì bất ngờ ông Triệu nhận được một cuộc điện thoại. “Mọi người cứ tiếp tục, tôi có việc rất quan trọng phải đi trước”. Nói xong, ông Triệu vội vã rời đi mà không hề nhắc đến chuyện thanh toán. 

Lúc này, nhân viên phục vụ bước vào hỏi: “Chi phí bữa ăn là 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng), ai thanh toán ạ?”. Chúng tôi nhìn nhau, không ai nói gì. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía phó giám đốc Lâm. Anh ấy là người thâm niên và xếp hạng cao nhất trong số các phó giám đốc ngồi đây. Tuy nhiên, anh ấy cúi đầu nhìn điện thoại và không nói gì. Bầu không khí trở nên ngượng ngùng. Các phó giám đốc khác cũng không ai lên tiếng. 

Ông Triệu đối xử với chúng tôi không tệ, đặc biệt là bốn vị kia. Lẽ ra trong tình huống này, tôi nghĩ rằng mọi người sẽ tranh nhau thanh toán. Song thực tế lại hoàn toàn trái ngược. 

Không thấy ai có động thái gì, tôi đứng dậy và nhận trách nhiệm thanh toán bữa tiệc ngày hôm đó. Thấy vậy, 4 người đi cùng hướng dẫn tôi đưa hoá đơn này cho phòng tài vụ của công ty nhằm lấy lại số tiền của bữa ăn ngày hôm ấy. 

unnamed
Ảnh minh hoạ

Cho đến hôm sau, gặp lại ông Triệu ở công ty, tôi không thấy sếp nhắc gì đến việc thanh toán bữa tiệc. Thấy tôi mãi không nhận được tiền, phó giám đốc Lâm thúc giục nên nộp hoá đơn cho phòng tài vụ. Nếu cần xác nhận, ông ấy sẽ hỗ trợ. 

Là một người tôn trọng nguyên tắc của công ty, tôi không cho phép mình làm như vậy. Thực tế, ngày hôm đó, sau khi thanh toán, tôi đã không lấy hoá đơn. Tôi coi đây như lời cảm ơn ông Triệu, đồng thời là bữa cơm chia tay lãnh đạo. 

Hoá ra bữa tiệc là “bài kiểm tra” 

Vài ngày sau đó, tập đoàn cử đoàn thanh tra xuống công ty nhằm kiểm tra công việc, đồng thời chọn lựa người phù hợp cho vị trí Giám đốc mới. Lúc này, ông Triệu gọi tôi vào phòng làm việc. Ông đưa cho tôi 10.000 NDT và nói: “Đây là tiền bữa ăn ngày hôm đó. Cảm ơn anh đã thanh toán giúp tôi”. 

Ban đầu, tôi từ chối nhận số tiền này nhưng ông Triệu không cho. “Anh phải cầm số tiền này. Tôi không thể để anh vừa phải gánh trách nhiệm thay tôi, vừa phải mất tiền được”, vị giám đốc nói. 

Chưa hiểu câu nói phải gánh trách nhiệm, tôi liền hỏi lại. Lúc này, sếp Triệu tiết lộ: “Trước khi nghỉ hưu, điều tôi trăn trở nhất là đề bạt ai trong số 5 phó giám đốc lên thay. Bữa tối chia tay hôm đó thực ra là bài kiểm tra để xem cách ứng xử của các anh. Giờ thì tôi đã hiểu và không còn phải phân vân nữa. Tôi đã quyết định đề xuất cậu vào vị trí này”, ông Triệu tâm sự. 

Người đàn ông này cũng giãi bày thêm: “Tối hôm đó, tôi bỏ đi mà không thanh toán nhưng anh đã chủ động giúp tôi. Sau đó, tôi cố tình không đề cập đến chuyện bữa tiệc, anh cũng không nói gì. Đặc biệt, anh không nghe theo 4 người còn lại đưa hoá đơn này đến phòng tài vụ để hoàn tiền mà âm thầm chịu trách nhiệm. Những việc làm này chứng minh anh là người có đủ khả năng để trở thành lãnh đạo, dẫn dắt công ty”.

Đúng như lời của ông Triệu, tròn 1 tháng sau, tôi nhận được văn bản bổ nhiệm cho vị trí giám đốc công ty. Điều mà tôi chẳng dám mơ. Bởi 4 phó giám đốc còn lại là những người có trình độ và thâm niên hơn tôi rất nhiều. 

Theo Người đưa tin