Sáng 17/4, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đoàn TP Hà Nội tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng) trước kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Viết Thành)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Viết Thành)

Tổng Bí thư đánh giá cao sự phát triển của Hà Nội thời gian qua và gần đây nhất là kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong quý I/2025 đều đạt mức cao, trong đó GRDP tăng 7,35%, thu ngân sách tăng 69,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Nhấn mạnh đây là đà phát triển rất tốt, Tổng Bí thư mong muốn và tin tưởng, thành phố với vai trò là một cực tăng trưởng tiếp tục duy trì và phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên.

Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Viết Thành)

Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Viết Thành)

Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý Hà Nội phải tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết, cấp bách đặt ra, nhất là ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường (không khí, ô nhiễm sông)...

Tổng Bí thư cũng gợi ý 2 vấn đề Thủ đô cần quan tâm nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới.

Một là xây dựng chuyên đề về bảo đảm an toàn thực phẩm, không để cho sữa giả, thuốc giả, thực phẩm mất an toàn ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe người dân và du khách.

Theo Tổng Bí thư, Hà Nội không thể để mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi điều này sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của Thủ đô, sức khỏe của Nhân dân, chất lượng đô thị.

"Vấn đề này đáng báo động, vừa qua vụ sữa giả, thuốc giả, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm tới việc này, không thể để những sự việc như thế này ảnh hưởng tới nhân dân. Nhiều cử tri rất quan tâm, phản ánh. Ngoài ra, có những khu vực bán hàng rong, thực phẩm đường phố, chợ tạm, chợ cóc, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá thời hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái. Trong đó có các mặt hàng thiết yếu như sữa cho trẻ em không chỉ gây ảnh hưởng cho sức khỏe của người dân mà còn gây bức xúc trong xã hội", Tổng Bí thư nói.

Ngoài ra, theo Tổng Bí thư, hiện tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát.

Vấn đề thứ hai được Tổng Bí thư đề cập là trong phát triển giáo dục - đào tạo, thành phố tính toán hỗ trợ thêm bữa ăn để tăng dinh dưỡng cho học sinh các cấp học trên địa bàn.

Tổng Bí thư phân tích, Hà Nội hiện có khoảng 1,2 - 1,3 triệu học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở, nếu mỗi bữa ăn miễn phí khoảng 30.000 đồng.

"Quý I/2025, Hà Nội thu ngân sách khoảng 250.000 tỷ đồng thì dư sức. Các đồng chí tính toán, nếu được thì từ tháng 9 này áp dụng", Tổng Bí thư nói và đề nghị TP Hà Nội nghiên cứu.

Ưu tiên dùng trụ sở dôi dư sau sáp nhập làm trường học

Cử tri Trần Thị Nhị (quận Đống Đa) đánh giá việc sáp nhập tỉnh, thành với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" thực sự là một cuộc cách mạng quyết liệt chưa từng có tiền lệ. Người dân đồng tình ủng hộ chủ trương này với mong muốn dành thêm nguồn lực chăm lo cho y tế, giáo dục và chính sách an sinh xã hội.

Với tài sản công và các trụ sở cơ quan dôi dư sau sáp nhập, cử tri đề nghị có giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tránh lãng phí, đồng thời gợi ý có thể xem xét chuyển đổi công năng những nơi này thành trường học, cơ sở y tế, nhà ở xã hội…

Trả lời kiến nghị cử tri, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, sẽ ưu tiên sử dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập cho trường học và cơ sở y tế.

"Bây giờ làm gì còn đất xây trường cho các cháu đi học, làm gì còn đất để xây trường học nữa. Cơ quan, trụ sở dôi dư ưu tiên đầu tiên là cải tạo, sửa chữa, mở trường, mở lớp. Ưu tiên thứ hai là cho cơ sở y tế, trạm y tế của xã, phường để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng gợi mở dùng những trụ sở dôi dư cho hoạt động công cộng phục vụ nhu cầu văn hóa, thể dục, thể thao của người dân.

Nêu thực tế tại nhiều phường hiện nay không có không gian để người dân sinh hoạt các câu lạc bộ, thậm chí họp chi bộ cũng không có chỗ, Tổng Bí thư yêu cầu dành trụ sở phường dôi dư sau sáp nhập để phục vụ sinh hoạt động đồng.

"Phải có nơi phát triển văn hóa, thư viện, có nơi cho các cụ đánh cờ, vui chơi... Tôi tin chắc rằng làm tốt việc này thì không có chỗ nào lãng phí cả", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm vì các khu chung cư đến nay không bảo đảm an toàn và luôn mong muốn người dân có nơi ở mới tốt hơn.

Nhất trí về chủ trương, chính sách cải tạo chung cư cũ phải hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là chủ trương rất rõ và nhất định phải làm.

Đối với ý kiến cử tri nêu về việc đặt tên phường, xã mới của Thủ đô, Tổng Bí thư cho rằng, Hà Nội có thể tham khảo việc đặt tên phường mới mà TP.HCM đề xuất khi sử dụng tên những địa danh nổi tiếng một thời.

"Ví dụ như phường Chợ Lớn. Trước đây TP.HCM đặt Phường 1, Phường 3, Phường 5, Phường 7... nhận diện của Nhân dân rất khó. Vấn đề này là do HĐND thành phố quyết định, nhưng đặt tên chỉ cần nhắc đến tên là hình dung được ngay", Tổng Bí thư gợi ý.

Theo VTC News