Hai chữ Trà Cổ bắt nguồn từ những người dân vùng Trà Phương và Cổ Trai gần Đồ Sơn ra đây mở đất từ hơn 500 năm trước. Trà Cổ vốn là một hòn đảo cách bờ chừng trăm mét. Năm 1952, người Pháp cho đá vào rọ sắt đổ xuống biển làm thành lối đi. Năm 1954 thì mở đường, sau này thành đường lớn như bây giờ...

Không phải lần đầu tôi về với Trà Cổ, nhưng hôm nay, trong cái nắng nhè nhẹ, trong màu xanh ngút mắt của rừng phi lao (trong Nam gọi là dương) và mùi hoa sú vẹt ngọt như vị mật ong rừng U Minh Hạ, cứ thầm tiếc tại sao tôi chỉ về đây có một mình. Như vô thức, chiếc xe máy của tôi tự nó biết tìm đường về và lần lượt lăn bánh qua chùa Nam Thọ, đình Trà Cổ, vòng xuống bãi cát và cuối cùng đi đến mũi Sa Vĩ, nới bắt đầu nét bút viết nên chữ S của bản đồ Việt Nam.

Chùa Nam Thọ đã khác xưa. Có hai con nghê đá khá lớn từ đâu về ngự ngay cổng. Một cổng chùa hoành tráng đang xây để thay cho lối vào cũ. Nhưng cái ấn tượng nhất mà tôi từng thấy ở ngôi chùa có niên đại từ thế kỷ 16 này là những mái ngói thuần một phong cách kiến trúc của đồng bằng Bắc Bộ và kết hợp thật hài hòa với những cây chay trầm mặc đứng đó đã hàng trăm năm. Thời "bao cấp", một số cây chay được hạ gỗ đóng bàn ghế cho trường cấp I Trà Cổ. Dù vậy, những cổ thụ còn lại kia vẫn đủ tỏa bóng xưa cũ cho ngôi chùa giữa vùng biên cương phía biển trời Đông Bắc.

Khác với quy mô khiêm tốn của chùa, đình Trà Cổ là một trong những kiến trúc cổ độc đáo và hoành tráng nhất của tỉnh Quảng Ninh và đã được cấp bằng chứng nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật từ năm 1974. Những cây cột lim nay đã sơn son, nhưng những bức tranh gỗ vẫn còn nguyên không khí và hồn vía của những "tùng, cúc, trúc, mai", "lưỡng long chầu nguyệt" hay "chép hóa rồng", "long cuốn thủy"... Và như một sự bổ sung thú vị, Trà Cổ còn có một nhà thờ Thiên Chúa giáo, góp vào cảnh quan nơi đây một công trình kiến trúc đẹp trang nghiêm theo kiểu Gothic.

Nhà thờ Trà Cổ

Trên đường ra mũi Sa Vĩ thuộc địa bàn thôn Tràng Vĩ của phường Trà Cổ, cây cỏ hai bên xanh ngút mắt. Phi lao reo vi vút trong gió. Cò trắng, chèo bẻo từng đàn chấp chới bay lên khi nghe tiếng xe tôi. Đàn bò vàng ươm trong nắng. Ngoài bãi cát, một tốp công nhân đang thi công cột mốc chủ quyền. Một nhóm thợ ảnh treo biển quảng cáo dịch vụ chụp ảnh kỹ thuật số "một phút lấy ngay". Còn dưới bãi, tấp nập những người đi đào bắt sá sùng, một loài sinh vật đang là món đặc sản...Đó, những gì tôi thấy ở cuối con đường, nghe đâu là điểm bắt đầu của quốc lộ 18B nối Móng Cái với TP. Hạ Long.

Khi chạy xe lao xuống bãi biển Trà Cổ, tôi rất ngạc nhiên vì cát mịn và chặt khiến bánh xe lăn không chút khó khăn. Bãi thật vắng, chỉ có những con thuyền đánh cá (người địa phương gọi là cái mảng) nằm trên cát và hàng vạn con dã tràng chạy rào rào. Thỉnh thoảng tôi gặp vài người đi bắt vạng. Họ dùng chiếc thìa nhôm gạt lớp cát mỏng, những chú vạng lập tức lộ ra, nâu bóng...

Trà Cổ thanh bình. Trà Cổ đẹp. Trà Cổ đang ngủ yên. Cho dù đây đó đã mọc lên các khách sạn, sân golf, nhưng vẻ đẹp nguyên sơ của mảnh đất địa đầu này hầu như vẫn không thay đổi. Phải chăng đó là điều kỳ diệu nhất mà Trà Cổ trân trọng gìn giữ?

Theo Nguyên Nhung